Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chạy đua khai thác tài nguyên Bắc cực

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chạy đua khai thác tài nguyên Bắc cực

Tàu phá băng Louis S. Saint Laurent của Canada

(TBKTSG Online)- Một thế kỷ sau cuộc cạnh tranh thám hiểm Bắc cực giữa Frederick Cook và Robert Peary, nay đến lượt cuộc chạy đua ở Bắc Băng dương giữa năm cường quốc nằm gần vùng băng giá không người này gồm Nga, Canada, Mỹ (Alaska), Na Uy và Đan Mạch (Greenland).

Lần này, mục đích của cuộc chạy đua không vì vinh quang, mà là nguồn tài nguyên dồi dào ở đáy biển. Ngày 21-8 vừa qua, tàu phá băng Louis S. Saint-Laurent của lực lượng tuần duyên Canada đã rời Kugluktut (lãnh thổ của thổ dân Inuit ở Nunavut) khởi đầu chuyến đi 6 tuần đến vùng biển Beaufort, gần khu vực Yukon của Canada và Alaska của Mỹ. Đầu tháng 9, sẽ đến lượt tàu Healy của Mỹ gia nhập sau khi xuất phát từ Alaska.

Trên mỗi chiếc tàu có khoảng 20 nhà khoa học, được trang bị các thiết bị đo đạc chiều sâu đáy biển và độ dày của các lớp vỉa nhằm thực hiện một bản đồ nổi. Theo Bộ trưởng Tài nguyên Canada, ông Gary Lunn, chiến dịch phối hợp này phải “tạo thuận lợi cho việc thu thập hiệu quả các dữ liệu giúp hai quốc gia phân định thềm lục địa phía tây vùng Bắc cực”.

Khoa học không phải là động cơ duy nhất và đầu tiên của Canada và Mỹ. Theo các đánh giá mới nhất của Cơ quan nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS) công bố vào cuối tháng 7-2008, vùng Bắc cực chứa “22% tài nguyên năng lượng chưa được khám phá nhưng có thể khai thác bằng kỹ thuật” của toàn hành tinh. Ở phía bắc vùng cực hiện đang ngủ yên dưới đáy đại dương trữ lượng dầu tương đương 90 tỉ thùng (chiếm 13% trữ lượng thế giới chưa khai thác) và 44 tỉ thùng khí hóa lỏng tự nhiên (20% trữ lượng). Đó là chưa kể các quặng vàng, kim cương, nickel, sắt, đồng hoặc thiếc.

Tàu nghiên cứu Bắc cực Healy của Mỹ

Nguồn tài nguyên này kích thích sự ham muốn. Phía Nga đòi gần 45% lãnh thổ khoanh vùng ở Bắc cực và đã đi trước một bước khi cho cắm lá cờ biểu tượng, vào tháng 8-2007, ở độ sâu 4.261m. Lần lượt Đan Mạch, Mỹ, Canada và Na Uy phái các đoàn thám hiểm khoa học nhằm xác lập chủ quyền của mình trên một phần đáy đại dương.

Công ước của Liên hiệp quốc về luật biển cho phép một quốc gia có bờ biển được làm chủ vùng thềm lục địa vượt quá 200 dặm biển (370km) khỏi đặc khu kinh tế của mình, với điều kiện phải chứng minh trước một ủy ban quốc tế rằng khu vực này nằm liên tục trên lãnh thổ đất liền. Và ở đây, người ta phải nhờ các nhà khoa học vào cuộc.

“Về mặt địa chất học, thềm lục địa là phần bị chìm tương đối thấp (sâu khoảng vài trăm mét) kéo dài từ bờ biển cho đến sườn lục địa, được thể hiện đặc điểm là một vết nứt gãy mà vượt qua đó là bắt đầu các vùng đại dương sâu thẳm”, ông Walter Roest, giám đốc khoa nghiên cứu địa chất biển thuộc Viện nghiên cứu khai thác biển (Ifremer) của Pháp giải thích. “Nhưng về mặt luật pháp, mọi việc phức tạp hơn”, ông nói thêm.

Trường hợp dãy Lomonossov là một dẫn chứng. Dãy núi dưới đại dương này, dài 1.800km và cao hơn 3.000m, trải dài từ Siberia đến Greenland và đảo Ellesmere của Canada.

“Cách nay hàng chục triệu năm, khu vực này nằm liền kề thềm lục địa Siberia, theo như phát hiện từ tính chất giống nhau của các tảng đá có chứa granite của chúng”, ông Walter Roest cho biết.

Điều này làm chỗ dựa cho những yêu sách của phía Nga trên một vùng rộng lớn của Bắc cực. Nhưng căn cứ theo kiến tạo các vỉa thì dãy núi này đã tách khỏi Siberia. Điều này lại củng cố lập luận của Canada và Đan Mạch.

Tại Hội nghị địa chất học quốc tế lần thứ 33 diễn ra tại Oslo (Na Uy) từ ngày 6 đến 14-8, phía Canada đã đưa ra những “bằng chứng khoa học” rằng dãy núi Lomonossov gắn với các vỉa lục địa của Bắc Mỹ và Greenland.

“Khi tiến hành những vụ nổ có kiểm soát và phép ghi địa chấn để đo vận tốc lan truyền các sóng trong các lớp sâu 30 – 40km, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng có một sự liên tục về mặt địa chất giữa lục địa và dãy núi này”, chuyên gia Jacob Verhoef của Bộ Tài nguyên Canada giải thích.

Dưới tác động của khả năng mở thêm đường hàng hải mới do hiệu ứng băng tan, và ý chí của các cường quốc muốn khẳng định sự có mặt về mặt quân sự của họ trong vùng này, cuộc cạnh tranh khai thác tài nguyên vùng cực đang diễn ra không phải là một điềm tốt cho Bắc cực do vùng đất này, hoàn toàn trái ngược với Nam cực, không được bảo vệ bằng một hiệp ước quốc tế. Tháng 5-2008, năm quốc gia họp ở Greenland cũng đã “cam kết tiến hành các biện pháp nhằm bảo vệ và bảo tồn môi trường biển rất dễ tổn thương của Bắc Băng dương”.

TẤN LỘC (Theo Le Monde)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới