Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chạy đua xây dựng kênh phân phối

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chạy đua xây dựng kênh phân phối

TPHCM đang xây dựng đề án phát triển hệ thống phân phối hàng hóa. Trong ảnh là hoạt động của một siêu thị bên trong thương xá Tax – Ảnh: LÊ TOÀN

(SGTO) – TPHCM đang chạy đua nước rút hoàn thành đề án xây dựng kênh phân phối bán buôn-bán lẻ trên địa bàn thành phố, trước khi các tập đoàn nước ngoài được phép thành lập hệ thống phân phối hàng hoá của họ vào đầu năm 2009.

Ngày 25-10 sắp tới, Sở Thương mại TPHCM sẽ bắt đầu cuộc điều tra thực trạng hệ thống bán sỉ và bán lẻ tại thành phố. Sở Thương mại sẽ phối hợp với các ngành phát phiếu điều tra đến khoảng 650 siêu thị, trung tâm thương mại và chợ, 850 thương nhân kinh doanh ở các chợ cùng 1.500 cửa hàng mang tính đại diện trên địa bàn thành phố.

Cuộc khảo sát này, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 11, là một phần của đề án xây dựng kênh phân phối bán buôn-bán lẻ mà Ủy ban nhân dân TPHCM (UBND TP) giao cho Sở Thương mại chủ trì thực hiện. Tại cuộc họp với lãnh đạo UBND TP ngày 22-10, Phó giám đốc Sở Thương mại Trương Trung Việt cho biết, đây là đề án có quy mô lớn nhất của ngành thương mại thành phố từ trước tới nay, có liên quan tới nhiều ngành, nhiều cấp từ giao thông, môi trường, kiến trúc, kế hoạch và đầu tư.

Do đó, Sở Thương mại đề nghị thời gian thực hiện đề án bắt đầu từ nay tới tháng 9 năm tới. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP, một trong những mối bận tâm lớn của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay là địa điểm để xây dựng các trung tâm phân phối hàng hoá.

Bà nói: “Các nhà đầu tư nước ngoài khi làm việc với UBND TP đều hỏi địa điểm mà họ có thể xây dựng các trung tâm bán sỉ, hoặc bán lẻ ngay khi được phép đầu tư 100% vốn nước ngoài vào năm 2009.” Do đó, bà Hồng yêu cầu đến quý I năm 2008, Sở Thương mại phải hoàn chỉnh thông tin về các địa điểm quy hoạch cho việc phát triển hệ thống phân phối hàng hóa để UBND TP có cơ sở trả lời các nhà đầu tư.

Một yêu cầu khác là đề án này phải được hoàn thành vào tháng 6 năm 2008 với nội dung chính giải đáp cho các vấn đề đặt ra: chính quyền thành phố cần phải làm gì, làm như thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào hệ thống phân phối sỉ và lẻ. Ngoài ra, đề án cũng phải đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài đầy tiềm lực về vốn và kinh nghiệm.

Vào tháng 2 năm nay, sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt đề án phát triển thương mại trong nước tới năm 2010 và định hướng tới năm 2020.

Tuy nhiên, cho đến tận thời điểm này TPHCM vẫn chưa có đề án về xây dựng và phát triển hệ thống bán buôn-bán lẻ cho dù đây là địa phương có hoạt động thương mại sầm uất nhất nước. Trước sự chuẩn bị chậm chạp trên, bà Phó chủ tịch UBND TP đã yêu cầu ngành thương mại và các ban, ngành liên qua phải chạy đua nước rút với thời gian.

Bà Hồng cũng thừa nhận rằng các nhà phân phối trong nước còn chậm chạp trong việc chiếm lĩnh thị trường. Theo bà, trên địa bàn TPHCM hiện nay mới chỉ có hệ thống siêu thị Co.opMart là có sự chuẩn bị trong hai năm qua, hiện nay đang phát triển hoạt động ra các tỉnh và thành phố khác, còn Satra thì hầu như chưa có những nỗ lực chuẩn bị cho hội nhập.

Theo cam kết của Việt Nam với WTO, các dự án thuộc nhóm dịch vụ phân phối sản phẩm phải tuân thủ lộ trình ngay khi Việt Nam trở thành thành viên WTO. Từ ngày 1-1-2008, quy định hạn chế vốn nước ngoài không quá 49% trong các dự án liên doanh về phân phối hàng hóa được bãi bỏ và kể từ ngày 1-1-2009 trở đi Việt Nam sẽ không hạn chế với bất kỳ nhà đầu tư nào, dưới bất kỳ hình thức liên doanh hay 100% vốn nước ngoài nhưng phải theo quy hoạch của chính quyền địa phương sở tại.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới