Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chạy đua xin ngân sách: các tỉnh giảm mức đầu tư dự án

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chạy đua xin ngân sách: các tỉnh giảm mức đầu tư dự án

Lan Nhi

Nhiều dự án đầu tư dang dở tại các địa phương nhưng vẫn chờ vốn ngân sách, vốn trái phiếu. KCN Lai Vu ở Hải Dương (ảnh) dùng vốn TPCP để đầu tư đến nay vẫn dang dở.

(TBKTSG Online)- Để được lọt vào danh sách dự án được bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) cho các dự án hoàn thành trong năm 2014-2015, một số địa phương đã tự cắt giảm 70% đến 80% tổng mức đầu tư dự án.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội (TVQH) hôm 11-3, đã yêu cầu Chính phủ báo cáo, đánh giá lại tính khả thi của các dự án này.

Cuối năm 2013, TVQH yêu cầu Chính phủ và Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) rà soát lại các dự án sử dụng vốn TPCP dự kiến hoàn thành trong năm 2014-2015 để bổ sung vốn giai đoạn 2014-2016, nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Tổng số dự án phải rà soát lại là 91 dự án với nhu cầu bổ sung 42.316 tỉ đồng. Trong đó có 36 dự án giao thông, 35 dự án thủy lợi và 20 dự án y tế của Bộ GTVT, Bộ Y tế và 23 địa phương.

Trong khi đó, dự kiến kế hoạch huy động vốn trái phiếu 2 năm (2014-2016 ) chỉ có 18.066 tỉ đồng, bằng 42,7% nhu cầu cần bổ sung. Vì vậy quốc hội đã yêu cầu đợt rà soát này phải thực hiện một số  tiêu chí để chọn ra các dự án phù hợp với số vốn trái phiếu dự tính sẽ huy động. Một trong các tiêu chí đó là điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn của các dự án, huy động thêm nguồn ngân sách địa phương và các nguồn khác để hoàn thành. Trường hợp không thể huy động thêm vốn thì điều chỉnh, cắt giảm quy mô đầu tư dự án.

Sau khi  thực hiện việc rà soát, Chính phủ trình ra 41 dự án được bố trí vốn để hoàn thành trong 2 năm tới. 40 dự án khác sẽ được bố trí một phần vốn TPCP để hoàn thành các hạng mục chính, cơ bản phát huy được hiệu quả dự án. Còn lại 8 dự án (của Bộ Y tế) không được bố trí tiếp vốn hoặc đề nghị chuyển đổi hình thức đầu tư sau năm 2016.

Báo cáo trước TVQH, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng để có được kết quả trên, các bộ và địa phương đều có báo cáo giải trình, thuyết minh và đã có quyết định đầu tư điều chỉnh, bổ sung dự án. Kể cả các dự án bị cắt giảm tổng mức đầu tư hoặc chưa thể dứt điểm bằng nguồn trái phiếu như trước, các địa phương cam kết bằng văn bản sẽ huy động các nguồn khác để đảm bảo hoàn thành.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: “Trong 40 dự án dự kiến sẽ hoàn thành các hạng mục chính thì sau khi hoàn thành những phần này có xin tiếp tiền ngân sách để đầu tư không?”.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng nhấn mạnh là cần phải rà soát tốt đợt này để tránh tình trạng các năm tiếp theo lại có thêm một số dự án rơi vào tình trạng xin bổ sung thêm vốn.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định  trong ba năm tới ông sẽ vẫn tiếp tục rà soát và thắt chặt các dự án. “Không xong cái cũ thì đừng bố trí đầu tư cái mới”, ông cho biết đã nói rõ về quan điểm này với các địa phương.

Ủy ban TVQH đồng ý với đề xuất bổ sung vốn trái phiếu 2014 mà Chính phủ trình. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân  đề nghị Chính phủ báo cáo đánh giá kỹ các dự án cắt giảm 70% – 80% tổng mức đầu tư dù bà không nói rõ là dự án nào, nhằm tránh tình trạng địa phương chấp nhận cắt giảm để vẫn được bố trí bổ sung vốn. Bà  Ngân cũng yêu cầu giải trình rõ các dự án mà địa phương cam kết đầu tư bằng nguồn vốn khác là nguồn nào, tiến độ bố trí vốn ra sao nhằm tránh tình trạng cam kết chung chung.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới