Thứ Bảy, 12/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

“Chảy máu” than – Báo động!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

"Chảy máu" than - Báo động!

Nguồn "vàng đen" của Quảng Ninh đang dần cạn kiệt -Ảnh: quangninh.industry.gov.vn

(TBKTSG Online)- Việc quản lý khai thác than lỏng lẻo như cho khai thác tận thu và xuất khẩu tiểu ngạch tại Quảng Ninh là nguyên nhân dẫn đến các cuộc khai thác than bằng mọi giá ở Quảng Ninh.

Nhu cầu trong nước bị bỏ quên

Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) là đơn vị độc quyền được Chính phủ giao quản lý, khai thác, chế biến và phân phối than trong và ngoài nước hàng chục năm qua. Nhưng những thông tin về quy hoạch phát triển ngành than từ năm 2003 đến năm 2020 được Tổng giám đốc TKV, Trần Xuân Hòa, công bố hôm 28-4 tại cuộc họp với báo giới diễn ra tại trụ sở TKV khiến nhiều người giật mình.

Theo bản quy hoạch được phê duyệt từ năm 2003, sản lượng than sản xuất và tiêu thụ của toàn ngành là khoảng 17 triệu tấn (năm 2005), khoảng 24 triệu tấn (năm 2010),  27 triệu tấn (năm 2015) và 30 triệu tấn (năm 2020). Việc xác định sản lượng than trong bản quy hoạch 2003 chủ yếu căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ than trong nước của các ngành kinh tế quốc dân và các dự án quy hoạch các ngành có liên quan đã được Thủ tướng phê duyệt.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy hoạch, thị trường than nội địa và xuất khẩu đã có những biến động lớn. Các ngành kinh tế có sử dụng than trong nước đã điều chỉnh lại chiến lược cũng như quy hoạch phát triển theo chiều hướng tăng nhanh sản lượng và nhu cầu sử dụng than. Vì vậy, dự báo nhu cầu than đến năm 2015 và xét đến 2020 sẽ có những điều chỉnh, đang chờ chính phủ phê duyệt.

Về việc này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có chỉ thị hôm 26-4, yêu cầu Bộ Công Thương hoàn tất bản quy hoạch bổ sung, kéo dài thời gian quy hoạch thêm 5 năm (đến năm 2025) và báo cáo ngay trong tháng 5 tới. Những yêu cầu phát triển của đất nước, đặc biệt là sức ép phát triển ngành điện đã khiến ngành than có tăng sản lượng cũng không tương ứng với nhu cầu.

Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Chính phủ hôm 14-3 đã chỉ ra sự thiếu hụt nghiêm trọng này. Cụ thể: năm 2015, tổng nhu cầu sử dụng than là 94 triệu tấn (riêng ngành điện cần 67 triệu tấn), trong khi tổng sản xuất là 60 triệu tấn, đạt 64% nhu cầu, thiếu 34 triệu tấn. Năm 2020, tổng nhu cầu là 184 triệu tấn (dành cho điện 150 triệu tấn), trong khi tổng sản xuất 80 triệu tấn, bằng 38% nhu cầu, thiếu 114 triệu tấn. Năm 2025, tổng nhu cầu là 308 triệu tấn (điện cần 268 triệu tấn), trong khi tổng sản xuất 80 triệu tấn, bằng 26% nhu cầu, thiếu 228 triệu tấn.

Riêng năm 2010, dự tính tổng nhu cầu trong nước là 37 triệu tấn, tổng sản xuất 47 triệu tấn, có thể xuất khẩu 10 triệu tấn. “Như vậy, việc xuất khẩu than chỉ có thể duy trì đến trước năm 2015”, Bộ Công Thương nhận định.

Lẽ ra, khi nguồn cung cho thị trường trong nước đứng trước những đe dọa có thể tính toán được trong một tương lai gần, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn an ninh năng lượng, ảnh hưởng sản xuất (vì điện và than là đầu vào quan trọng cho tất cả các ngành sản xuất và sinh hoạt) thì việc khai thác và xuất khẩu than phải sớm có những điều chỉnh để phù hợp với tình hình và không dẫn đến việc cạn kiệt nguồn tài nguyên. Nhưng tất cả những diễn biến ở “vùng vàng đen” lại không cho thấy những kế hoạch có định hướng.

Khai thác ồ ạt để xuất khẩu 

Việc khai thác than “thổ phỉ”, trái phép, vận chuyển, buôn bán, xuất khẩu than ồ ạt, lộn xộn ở Quảng Ninh không phải mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Nó đã tồn tại hàng chục năm qua, đặc biệt rộ lên ở một số thời kỳ giá than tăng đột biến và cuối năm 2007, đầu năm 2008, hiện tượng này diễn ra nghiêm trọng hơn.

Lợi nhuận bán than xuất khẩu rất lớn khi giá bán than trong nước chỉ bằng 55% giá bán xuất khẩu. Việc xuất khẩu than cũng dễ dàng thực hiện qua đường tiểu ngạch do Bộ Công Thương và TKV cho phép. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh dù rất búc xúc với hàng loạt tác hại do việc khai thác và xuất khẩu than trái phép đem lại nhưng chỉ kiểm soát được một phần.

Con số mà Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Nguyễn Duy Hưng, tạm tính là mỗi năm Nhà nước thất thu chừng 4.500 tỉ đồng qua 10 triệu tấn than được vận chuyển qua đường  tiểu ngạch. Cơ chế quản lý nội bộ của TKV cho phép xuất khẩu tiểu ngạch qua 9 đơn vị bán trực tiếp qua cửa khẩu Vạn Gia, chưa kể đến 52 tổ chức, cá nhân “ăn theo” các đơn vị trực thuộc TKV được phép đào bới để lấy được nhiều than xuất khẩu tiểu ngạch. Nguồn tài nguyên trong nước đã ngày càng cạn kiệt như báo động ở trên nhưng cách khai thác theo đủ mọi hình thức có thể này càng làm cho nó vơi đi nhanh chóng.

Tỷ lệ khai thác than lộ thiên của TKV so với than hầm lò là 64% so với 36%. Đúng ra, phải là con số ngược lại. Do được giao cho một đầu mối khai thác lộ thiên theo kiểu tận thu là Công ty cổ phần đầu tư và thương mại, dịch vụ thuộc TKV và nơi này thuê lại các đơn vị, cá nhân bên ngoài chia nhau vào đào bới, khai thác nên việc tranh giành các hợp đồng càng diễn ra phức tạp hơn.

Hậu quả là Thủ tướng đã đình chỉ ngay việc khai thác của công ty này từ 1-5 và TKV đã tuyên bố chấm dứt xuất khẩu than theo con đường tiểu ngạch qua cửa khẩu Vạn Gia, chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Việc xuất khẩu này sẽ chỉ do TKV trực tiếp thực hiện và giao cho công ty Coalimex, một thành viên khác của TKV cùng thực hiện.

Những việc TKV bắt đầu thực hiện có lẽ không lấy lại được nguồn tài nguyên đã thất thoát một cách ồ ạt trong nhiều năm qua, bởi bài toán phát triển bền vững ngành than không phải bây giờ những người trong cuộc mới nhìn ra được.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới