Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cháy rừng: báo động đỏ đã lan sang 22 tỉnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cháy rừng: báo động đỏ đã lan sang 22 tỉnh

Phi Tuấn

Cháy rừng ở Lai Châu. Ảnh: TTXVN

(TBKTSG Online) – Theo cục Kiểm lâm Việt Nam, tính đến ngày 8 tháng 3, trên cả nước đã có 22 tỉnh đang ở trong tình trạng báo động đỏ cháy rừng, và 24 tỉnh ở cấp độ nguy hiểm, tăng gần gấp đôi so với đầu tuần trước.

Đến chiều ngày 8 tháng 3, theo ảnh vệ tinh ghi nhận toàn quốc có khoảng 17 điểm nghi cháy rừng, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Bắc bộ và Tây Nguyên.

Các địa phương gặp các vụ cháy rừng nhiều nhất là ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, như Sơn La, Yên Bái, Lai Châu… cùng các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Định… Có những nơi kéo dài và tốc độ lây lan lớn.

Chẳng hạn vụ cháy rừng Tà Sùng, Sơn La, xảy ra ngày 2 tháng 3, dù tỉnh đã huy động hơn 1.000 người dân, kiểm lâm, công an và bộ đội địa phương để tham gia công việc chữa cháy nhưng phải đến ngày 8 tháng 3 mới có thể khống chế được 8 điểm cháy.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Sơn La, về cơ bản các đám cháy rừng đã được dập tắt, và tỉnh đang tập trung vào công tác thống kê thiệt hại, đồng thời triển khai các hoạt động phòng chống.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều ngày 8 tháng 3, ông Đỗ Thanh Hải, Trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng, Cục kiểm lâm Việt Nam cho biết tuần qua ở khu vực vùng núi phía Bắc nhiều đám cháy đã xuất hiện, tuy nhiên đến nay về cơ bản đã khống chế được.

Riêng tỉnh Lai Châu hiện tại còn 2 điểm ở huyện Tân Uyên và Mường Tè vẫn chưa được dập tắt. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục bảo vệ các khu rừng, vừa khắc phục hậu quả, vừa điều tra nguyên nhân các vụ cháy.

“Hiện tại, các thống kê con số thiệt hại vẫn chưa được đưa ra, và rải rác các khu vực vẫn còn những đám cháy nhỏ”, ông Hải nói.

Ông Nguyễn Hữu Ai, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Sơn La, cho biết hiện nay vẫn chưa thể tiếp cận được đám cháy ở huyện Tân Uyên.

“Vị trí điểm cháy rất hiểm trở, cheo leo, nên rất khó đến”, ông Ai cho biết.

Một cán bộ cục Kiểm Lâm cho biết thời tiết khô hanh kéo dài, nhiều ngày không mưa, cộng thêm gió lớn là nguyên nhân khiến cho tình hình cháy rừng năm nay căng thẳng hơn các năm trước.

Theo ông Đỗ Thanh Hải, ngoài thời tiết ở miền Tây Bắc vẫn nóng và hanh khô, do không khí lạnh vẫn chưa đến được, thì yếu tố địa thế hiểm trở cũng là một trở ngại đối với công việc chữa cháy rừng, chẳng hạn ở khu vực Tà Sùng, địa thế phức tạp, có những nơi cao tới hơn 2.000 mét.

Khí hậu khắc nghiệt và diễn biến thất thường khiến cho rừng hanh khô, gặp mùa gió lào, các khu rừng pơ mu với các lớp thảm thực vật khô, đầy tinh dầu nên khi gặp lửa bốc cháy dữ dội, và tốc độ lanh nhanh, khó khống chế. Không khí lạnh chỉ làm trời dịu mát lại, chưa mang mưa tới, vì thế, tình hình sắp tới vẫn còn hết sức căng thẳng và phức tạp, theo lời ông Hải.

10 ngày đầu tháng 2, miền Bắc ghi nhận đợt nắng nóng bất thường, hầu như trên khắp các địa phương đều không có mưa, hoặc mưa không đáng kể, nhiệt độ nhiều nơi vượt 35 độ C.

Sau mười ngày nắng nóng là 10 ngày giá rét với nhiệt độ ở một số nơi như Sa Pa xuống thấp, gây ra tình trạng mưa đông băng giá, và sau đợt giá rét lại thêm một đợt nắng nóng nữa. Nhiệt độ nhiều khu vực miền Bắc đã lên tới hơn 38 độ ở vùng Tây Bắc, và lần đầu tiên khí tượng thủy văn Việt Nam quan trắc được nắng nóng xuất hiện trong tháng 2 trên cả ba miền.

Theo vị cán bộ của Cục Kiểm lâm, tập quán đốt nương làm rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số, cộng thêm người dân vào rừng đốt ong, gặp thời tiết nóng và gió mạnh, khiến nhiều đám cháy bùng phát dữ dội và lan nhanh.

Cuối tuần qua, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã triệu tập một cuộc họp của ban chỉ đạo trung ương về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và phòng chống cháy rừng, đồng thời ký công điện hỏa tốc gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, yêu cầu các đơn vị này phải thực hiện nghiêm các chỉ thị về phòng chống cháy rừng do Thủ tướng đưa ra hồi đầu năm 2010.

21 địa phương có các khu vực báo động đỏ: An Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bình Phước, Bà Rịa, Cao Bằng, Cà Mau, Điện Biên, Đắc Lắc, Đồng Nai, Đắc Nông, Gia Lai, Hòa Bình, Kiên Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Sơn La, Tây Ninh và Yên Bái.

24 địa phương có các khu rừng báo động cấp 4 – cấp nguy hiểm là: Bình Định, Điện Biên, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nội, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Kon Tum, Long An, Lai Châu, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sơn La, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc và Yên Bái.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới