Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chế biến sâu – giải pháp nâng cao thu nhập cho nông dân trồng sen

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Để nâng cao thu nhập cho nông dân trồng sen của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, bên cạnh tăng quy mô sản xuất, chuẩn hoá vùng nguyên liệu, yêu cầu đặt ra là phải chế biến sâu.

Một số sản phẩm được chế biến từ cây sen được trưng bày bên lề hội thảo. Ảnh: Trung Chánh

Đồng Tháp sẽ có 1.400 héc ta sen, thu 500 tỉ đồng mỗi năm

Tại hội thảo khoa học “Chế biến sâu – giải pháp phát triển giá trị sản phẩm sen tỉnh Đồng Tháp” diễn ra vào hôm nay, 30-8, ở địa phương này, ông Ngô Chí Công, Chủ tịch Hội ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp, cho rằng để có sản phẩm tốt, chất lượng cao, vấn đề đầu tiên là phải có vùng nguyên liệu đạt chuẩn và ổn định về sản lượng. “Thực tế, các vùng trồng hiện vẫn còn thiếu những tiêu chuẩn canh tác cho cây sen, vùng có chứng nhận đạt chuẩn cũng rất thấp so với toàn bộ diện tích trồng của tỉnh”, ông Công cho biết.

Theo ông Công, dù có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, giúp cây sen có khả năng sinh trưởng quanh năm, tuy nhiên, do diện tích vùng trồng thay đổi, chưa có quy hoạch từng vụ mùa nên đã dẫn đến sản lượng và chất lượng không đều.

“Từ đó, đã dẫn đến hệ luỵ là mức độ biến động giá của ngành hàng này quá cao, từ 5.000 đồng đến 70.000 đồng/kg gương, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chế biến, đời sống nông dân trồng sen và sự phát triển của cả ngành hàng này”, ông Công cho biết.

Xuất phát từ thực trạng nêu trên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp đã giao cho Viện Nghiên cứu rau quả (FAVRI) xây dựng đề án phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Ông Đặng Văn Đông, Phó viện trưởng FAVRI, cho biết đề án phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp đề ra mục tiêu đến năm 2025 mở rộng diện tích trồng sen của địa phương đạt 1.400 héc ta, với năng suất bình quân 0,9-1,2 tấn hạt khô/héc ta/năm, tức sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 1.260- 1.680 tấn hạt sen khô mỗi năm. Các loại sen lấy hoa, lá, củ, ngó chiếm khoảng 30-40% diện tích của địa phương.

Đề án phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025, giá trị các loại sản phẩm từ cây sen đạt 400-500 tỉ đồng mỗi năm, thu nhập của người trồng sen tăng 120% so với năm 2021.

Ngoài ra, sẽ phát triển sản phẩm sen theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển kinh tế- xã hội của Đồng Tháp theo hướng chuyên canh, gắn kết sản xuất với bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nhân lực; thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

Song song đó, sẽ thực hiện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó, đến năm 2030 sẽ có 7 chuyên gia về cây sen, đủ khả năng nghiên cứu, chỉ đạo sản xuất về cây sen. “Chúng tôi cũng sẽ xây dựng 1 cơ sở bảo tồn, lưu giữ các giống sen; tuyển chọn được bộ giống sen mới; xây dựng 2-3 cơ sở ươm tạo, nhân giống sen chất lượng cao”, ông Đông cho biết.

Đến năm 2025, Đồng Tháp sẽ có 7-10 vùng sản xuất sen tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt hoặc các tiêu chuẩn tương đương trong sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đề án phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp cũng đặt mục tiêu xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý sản phẩm sen Đồng Tháp.

Bán cả giá trị vô hình

Ông Lê Trung Hải, Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện quân y 103 trình bày tại hội thảo. Ảnh: Trung Chánh

Ông Lê Trung Hải, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện quân y 103, dẫn nghiên cứu dược lý hiện đại về sen cho biết, mọi bộ phận của loại cây này đều rất tốt cho sức khoẻ. Chẳng hạn, lá sen trị tiêu chảy, sốt, bệnh trĩ, hạ lipid máu, chống béo phì, giảm đau, kháng khuẩn, chống oxy hoá; thân và rễ sen có tác dụng lợi tiểu, an thần, chống tiểu đường…; hoa sen giúp điều trị tăng huyết áp, ung thư, suy nhược, mất cân bằng nhiệt cơ thể; nhị hoa giúp củng cố chức năng thận, tăng cường sinh lý nam.

Còn đối với hạt sen, theo ông Hải, dùng làm thuốc bổ tỳ vị; tâm sen giúp điều trị một số rối loạn thần kinh, mất ngủ, sốt cao, bồn chồn và tăng huyết áp.

Tuy có nhiều công dụng, nhưng ông Hải cho rằng, việc khai thác giá trị gia tăng của loại cây trồng này hiện chỉ mới dừng lại ở mức thô sơ, sản phẩm chế biến chứa hàm lượng công nghệ chưa đa dạng, chưa khai thác tốt các giá trị gia tăng của sen trong lĩnh vực y tế, dinh dưỡng và mỹ phẩm.

Ông Phạm Minh Nhựt, Trưởng ngành công nghệ sinh học, Trường Đại học Công nghệ TPHCM, nói rằng tất cả các bộ phận của sen đều chứa các hoạt chất có nhiều hoạt tính sinh học, trong đó, hai hoạt tính ưu thế là kháng viêm và kháng oxy hoá, có thể ứng dụng trong lĩnh vực mỹ phẩm.

Theo ông Nhựt, mỹ phẩm thiên nhiên chứa thành phần chủ yếu được chiết xuất từ hoa, quả, thực vật và khoáng chất. “Sen là nguồn nguyên liệu chứa rất nhiều loại dinh dưỡng tự nhiên”, ông nói.

Ông Nhựt cho biết, với sự phát triển của công nghệ sinh học, đặc biệt lĩnh vực công nghệ thuỷ phân và lên men vi sinh vật kết hợp với chiết xuất hoạt chất có hoạt tính sinh học từ thực vật hứa hẹn sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu quý giá cho thị trường sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên. “Một trong những nguồn nguyên liệu thực vật có tiềm năng to lớn để ứng dụng trong sản xuất mỹ phẩm đó là sen”, ông nói.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng cần bán cả giá trị vô hình, chứ không chỉ dừng lại ở giá trị hữu hình. Ảnh: Trung Chánh

“Chủ đề hội thảo là chế biến sâu. Vậy thế nào là sâu và trước khi sâu nó là cái gì?”, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặt câu hỏi và ví von: “Nó giống như chuyện muốn đào một cái giếng sâu, thì miệng giếng phải rộng, tức trước khi nói chế biến sâu, thì phải hiểu được bao quát giá trị của cây sen. Bởi khi đó, chúng ta mới trân quý và nhân giá trị của nó lên”.

Theo ông Hoan, trước khi làm cần phải có đảm mê cháy bỏng, mà muốn như vậy thì phải hiểu được giá trị. “Chúng ta quen ăn uống rồi, cho nên, nghĩ giá trị chỉ quanh quẩn chuyện ăn uống thôi, thế nhưng, ngoài ăn uống ra, sen còn giá trị tinh thần, văn hoá”, ông cho biết và nói rằng chính những những giá trị văn hoá, tinh thần mới là giá trị cao, chứ không phải cái chúng ta nhìn thấy.

Từ vấn đề nêu ra ở trên, ông Hoan mong muốn từ người trồng sen, chế biến sen, hội ngành hàng sen và nhà khoa học công nghệ về sen…, phải có cảm xúc dạt dào hơn để nâng cao giá trị cho cây sen.

“Tại sao chúng ta không nghĩ như cách người Nhật nghĩ, đó là làm nông như là một cái đạo?”, ông Hoan nêu câu hỏi và cho rằng khi người nông dân xem việc trồng sen cũng như là một cái đạo thì sẽ viết lên được những câu chuyện về sen để khai thác tối đa giá trị hữu hình lẫn vô hình.

Theo ông Hoan, những người ngồi ở hội thảo này đều là những người yêu sen, nhưng ông mong muốn mọi người yêu hơn nữa, say mê hơn nữa. Bởi, bán hàng không chỉ là bán hạt sen (giá trị hữu hình), mà là bán cả câu chuyện, cảm xúc về sen, tức là giá trị vô hình, là niềm tự hào của họ về sản vật quê hương. “Chính những giá trị vô hình, cảm xúc mới đem lại giá trị cao hơn”, ông nói.

1 BÌNH LUẬN

  1. Chế biến sâu cũng là một dạng đầu tư bền vững. Nghĩa là “đầu tư sâu” là quan trọng nhất, đặc biệt là đầu tư cho con người. Làm mọi thứ, cuối cùng cũng phải vì mục tiêu nâng cao thu nhập, đời sống tinh thần và vật chất cho người lao động. Một điều rất lạ ở ta, rất nhiều tổ chức, đơn vị mời gọi người nước ngoài vào làm việc, trả lương cao gấp nhiều lần so với lao động trong nước, trong khi lao động của ta cũng có trình độ tương đương chứ không hề thua kém ? Sùng ngoại quá đáng. Coi rẻ nội quá mức. Có nơi mời gọi nhân tài đất Việt rình rang, kể cả từ nước ngoài về, nhưng chỉ… dám trả 15 triệu đồng/ tháng, thì làm sao gìn giữ được lực lượng ? Suy nghĩ sâu, suy cho cùng, là điều cấp thiết nhất hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới