Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Cuối cùng các cơ quan chức năng đã tìm ra thủ phạm gây ra vụ cá chết hàng loạt trên sông Trà Khúc là Nhà máy Rượu – Cồn của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi. Chất độc từ nước thải được lén lút xả ra sông đã hủy diệt thủy sản, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân làm nghề chài lưới ở hạ lưu sông Trà Khúc. Cần nói thêm, đầu năm 2009 công ty này đã bị UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định nộp phạt 1,3 tỉ đồng, buộc tháo dỡ toàn bộ hệ thống thoát nước thải ngầm gây ô nhiễm môi trường nhưng công ty không chấp hành.

Có thể nói việc lập hệ thống ngầm lén lút xả nước thải độc hại ra sông, rạch là phương thức khá phổ biến của các doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí. Hai năm trước, Công ty Vedan bị phát hiện lập hệ thống ngầm xả nước thải hủy diệt sinh vật trên 10 ki lô mét sông Thị Vải bị dư luận lên án gay gắt, nhiều cơ quan phải vào cuộc, họp hành liên miên để xử lý và cho đến nay việc thương lượng bồi thường giữa công ty và nông dân vẫn chưa xong. Dường như sự kiện “đình đám” này không làm chùn bước những doanh nghiệp muốn thu lợi nhuận tối đa, né tránh việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của cư dân sinh sống cạnh nhà máy. Tháng 4 vừa qua, Cục Cảnh sát Môi trường đã bắt quả tang Công ty Tung Kuang tại Hải Dương chuyên sản xuất nhôm thanh định hình bơm thẳng nước thải qua hệ thống ngầm ra sông Cầu Ghẽ làm nước sông bị nhiễm độc, sủi tăm như bọt xà phòng, cá tôm bị tận diệt.

Những biện pháp xử lý hiện nay không có tác dụng kiềm chế và đẩy lùi hành vi vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường từ phía doanh nghiệp. Theo Cục Cảnh sát Môi trường, trong năm 2009, đơn vị này đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, điều tra xử lý 4.545 vụ, 1.300 tổ chức, 3.128 cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, cao hơn nhiều lần so với các năm trước. Nhưng những doanh nghiệp vi phạm chỉ bị xử lý hành chính, kể cả những vụ nghiêm trọng như Vedan (Đồng Nai), Hào Dương (TPHCM)… Ngay cả vụ Tung Kuang nêu trên, công ty chỉ bị tạm đình chỉ những hoạt động sản xuất có liên quan đến xử lý nước thải cho đến khi công ty này khắc phục xong. Theo Đại tá Phan Hữu Vinh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường, thì “sở dĩ chỉ phạt hành chính vì hậu quả về hành vi vi phạm môi trường thường tích lũy theo thời gian, khó xác định được ngay. Các cơ quan tiến hành tố tụng khó có căn cứ pháp lý để định tội danh nên không xử lý hình sự được”. Ngay cả việc phạt tiền cũng rất nhẹ, từ 100.000 đồng đến 500 triệu đồng (theo Nghị định 117/2009), không có tác dụng răn đe, mặc dù đã cao gấp bảy lần mức phạt cũ (tối đa là 70 triệu đồng). Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi ông Liu Chien Liu, Phó tổng giám đốc Công ty Tung Kuang, trả lời đại diện các cơ quan chức năng rằng “xả thải không qua xử lý, công ty “tiết kiệm” được 100 triệu đồng mỗi tháng và việc này đã thực hiện gần 10 năm”.

Có hai vấn đề đặt ra: thứ nhất, cần xử lý đúng mức các cơ quan và cán bộ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường khi để xảy ra sự cố hủy hoại môi trường nghiêm trọng trên địa bàn mình quản lý. Thứ hai, cần có khung pháp lý chế tài đủ mạnh đối với những doanh nghiệp vi phạm luật môi trường theo nguyên tắc mức phạt phải cao hơn cái lợi thu được từ việc vi phạm. Có như thế mới đủ sức răn đe và ngăn chặn được việc hủy hoại môi trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới