Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chênh lệch giá xăng dầu vượt 1.000 đồng/lít

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chênh lệch giá xăng dầu vượt 1.000 đồng/lít

Tâm An

(TBKTSG Online) – Tính đến thời điểm hiện tại, giá bán lẻ xăng dầu trong nước hiện đang thấp hơn giá cơ sở (tính theo giá nhập khẩu bình quân, các loại thuế, phí…) hơn 1.000 – 1.300 đồng/lít mỗi loại khi giá mặt hàng này tăng mạnh bởi ảnh hưởng của đợt tấn công nhà máy Aramco, Ả Rập Xê Út. 

Chênh lệch giá xăng dầu vượt 1.000 đồng/lít
Giá xăng dầu thành phẩm những ngày qua tăng cao nhưng cũng nhanh chóng quay đầu đi xuống. Ảnh: Thành Hoa.

Trao đổi với TBKTSG Online hôm nay, 25-9, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phía Nam cho biết, tạm tính với giá nhập khẩu từ 16-9 đến nay thì giá cơ sở của mặt hàng xăng A95 đang cao hơn giá bán lẻ hiện hành 1.300 đồng/lít. Với các mặt hàng dầu, mức chênh lệch cũng vượt 1.000 đồng/lít.

Giá chênh lệch ở mức cao nên hoa hồng cho đại lý hiện đã được các đầu mối điều chỉnh giảm mạnh, từ mức 800 – 1.000 đồng/lít (áp dụng trước kỳ điều chỉnh giá hôm 16-9) xuống mức 400 – 500 đồng/lít.

“Với tình hình này, không biết cơ quan chức năng sẽ điều hành như thế nào trong kỳ tiếp theo (dự kiến vào 1-10 – người viết). Hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hết âm quỹ bình ổn giá xăng dầu”, vị này nói.

Nhìn vào biểu đồ giá công bố trên website của Bộ Công Thương thì thấy, giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm những ngày qua lên xuống khá thất thường. Sau khi tăng hai phiên liên tiếp và vọt lên mức 84,57 đô la Mỹ/thùng vào hôm 17-9, giá xăng RON95 đã có năm phiên giảm rồi tăng và ở phiên gần nhất chốt ở mức 80,51 đô la Mỹ/thùng. Tương tự, mặt hàng DO 0,05S đã giảm về mức 79,3 đô la Mỹ/thùng sau khi lập đỉnh ở mức 83,78 đô la Mỹ/thùng…

Báo chí thế giới đưa tin, nguyên nhân khiến giá dầu mỏ quay đầu đi xuống sau khi lập đỉnh vào tuần trước, qua đó kéo giá xăng dầu thành phẩm đi xuống là do Ả Rập Xê Út tuyên bố đảm bảo nguồn cung, các nước xem xét mở kho dầu dự trữ chiến lược, trong đó có Mỹ. Đặc biệt nhất là hôm 24-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chỉ trích Trung Quốc thực hiện các hoạt động thương mại không công bằng, ăn cắp sở hữu trí tuệ, thao túng tiền tệ. Phát biểu của ông Trump ngay lập tức đã đẩy giá vàng đi lên nhưng giá dầu thì đi xuống vì làm dấy lên lo ngại chiến tranh thương mại giữa hai nước tiếp tục leo thang, làm kinh tế thế giới suy thoái, đồng nghĩa với nhu cầu dầu mỏ giảm.

Một trong những câu hỏi đang được quan tâm là với tình hình giá xăng dầu có diễn biến như vậy, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào?

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề chương trình "Step into the future – Vươn mình trong thách thức" diễn ra hôm 24-9, ông Phạm Hồng Hải, thành viên hội đồng thành viên Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, giá dầu có những biến động trong thời gian qua là một đợt nhiễu mà nền kinh tế gặp phải nhưng không cần quá lo lắng về tác động của nó. Bởi lẽ, vai trò của giá dầu hiện nay không còn quan trọng như 10 năm trước khi năng lượng tái tạo đã phát triển. Quan trọng hơn là hiện tại, tăng trưởng kinh tế thế giới đang giảm tốc dưới tác động của thương chiến Mỹ – Trung…

Bên cạnh đó, mặt bằng lạm phát thế giới đang ở mức thấp, nhu cầu mua sắm không cao, chủ yếu tập trung vào chăm sóc sức khỏe hơn là tiêu dùng, việc mua sắm hàng hóa cũng dễ dàng hơn, giá tốt hơn nhờ thương mại điện tử phát triển.

Do vậy, rủi ro của giá dầu với chỉ số giá tiêu dùng không cao, ít nhất là trong vòng 1-2 năm tới. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2019 của Việt Nam dự báo sẽ tăng ở mức 2,7% so với 2018.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới