Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chênh vênh mục tiêu 6,5 tỉ đô la xuất khẩu thủy sản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chênh vênh mục tiêu 6,5 tỉ đô la xuất khẩu thủy sản

Sao Mai

(TBKTSG Online) – Năm 2012, ngành thủy sản đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 6,5 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, mục tiêu này khó có thể hoàn thành khi hiện 2 trong số 3 sản phẩm chủ lực của thủy sản  là tôm và cá tra đang đối diện với nhiều khó khăn.

Chênh vênh mục tiêu 6,5 tỉ đô la xuất khẩu thủy sản
Tôm chết trên diện rộng đang gây thiệt hại và hoang mang cho người nuôi – Ảnh : Sao Mai

Nỗi lo tôm chết

Theo báo cáo của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khu vực ĐBSCL, tôm đang bị chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Nếu người dân tiếp tục thả nuôi, tôm sẽ bị chết cấp tính 100%.

Tính đến hết tháng 2/2012, tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi 1.200 héc ta tôm thẻ chân trắng nhưng diện tích thiệt hại đã lên đến hơn 500 héc ta. Riêng tôm sú vụ nghịch thả vào tháng 1 và 2/2012 hơn 3.000 héc ta cũng bị thiệt hại hơn 30%.

Tại tỉnh Trà Vinh, vụ tôm năm 2012 toàn tỉnh mới thả nuôi 400 triệu con giống trên diện tích khoảng 6.000 héc ta tôm nuôi theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến. Tuy nhiên chỉ mới hơn 1 tháng, tôm đã bị chết khoảng 600 héc ta do dịch bệnh và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở Cà Mau. Đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 3.800 héc ta tôm nuôi bị chết, chiếm tỷ lệ trên 30% tổng diện tích nuôi thả giống. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, dịch bệnh tôm đang diễn biến phức tạp, thiệt hại về năng suất chiếm khoảng từ 15 – 50%.

Trong khi nông dân ở ĐBSCL đang điêu đứng vì tôm sú và tôm thẻ chân trắng chết hàng loạt, thì tại miền Trung người dân cũng thiệt hại hàng trăm tỉ đồng vì tôm hùm liên tục chết. Điều đáng báo động là dù người nuôi đã sử dụng nhiều cách để cứu tôm nhưng tình trạng tôm chết tràn lan vẫn chưa dừng lại.

Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, Viện Môi trường Nông nghiệp và Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT đã lên tiếng cảnh báo, tôm sẽ còn chết nhiều nữa trong các tháng tới khi vào vụ nuôi chính tôm công nghiệp, bởi nguồn nước trong môi trường tự nhiên đang bị ô nhiễm bởi dư lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật ở mức nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Khởi – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng đánh giá: “Nguy cơ tôm chết hàng loạt vì dịch bệnh trong vụ mùa năm nay thiệt hại sẽ không thua kém gì so với năm 2011”.

Bấp bênh cá tra

Cá tra là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam. Xuất khẩu cá tra liên tục tăng cao qua các năm, đặc biệt trong năm 2011, đạt trên 1,8 tỉ đô la, tăng 26,5% so với năm 2010.

2 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 264,4 triệu đô la, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ tính riêng trong tháng 2/2012, xuất khẩu cá tra đã tăng tới 75%, tương ứng với 148,4 triệu đô la.

Mặc dù xuất khẩu cá tra có mức tăng trưởng khá tốt tuy nhiên, nhìn chung ngành công nghiệp cá tra Việt Nam vẫn phải đối diện với không ít khó khăn đang trở thành rào cản đối với xuất khẩu cá tra trong năm 2012.

Thách thức lớn nhất đó là vấn đề về vốn, cả doanh nghiệp lẫn nông dân đều thiếu vốn, đây là mối lo lớn hiện nay. Doanh nghiệp và người nuôi khó tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng, bởi dư nợ còn tồn đọng từ những năm trước, và hiện các ngân hàng lại đang siết chặt cho vay nuôi cá tra do rủi ro cao.

Cùng với bài toán về vốn, sản xuất cá tra giống cũng đang trở thành thách thức lớn làm ảnh hưởng đến chất lượng cá tra xuất khẩu. Hiện, chất lượng cá giống chưa đảm bảo, hầu hết các doanh nghiệp không đầu tư cho sản xuất giống mà việc sản xuất giống chủ yếu là của các cơ sở nhỏ lẻ của dân, vì thế chất lượng đàn cá bố mẹ bị thoái hóa, không đảm bảo.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây một số thông tin về những khó khăn của một số doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đã khiến nhiều người nuôi cá tra hoang mang và ồ ạt bán cá tra nguyên liệu. Điều này đã khiến giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh từ mức 27.500 – 28.000 đồng/kg xuống còn 24.000 – 25.000 đồng/kg.

Song song với những khó khăn về vốn, chất lượng con giống, giá cả bấp bênh thì chi phí thức ăn tăng cao… cũng là thách thức không nhỏ đối với ngành cá tra của Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới