Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chết không vì Covid-19 cũng là tử vong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chết không vì Covid-19 cũng là tử vong

Hồ Quốc Tuấn (*)

Chết không vì Covid-19 cũng là tử vong

(KTSG Online) – Theo nền tảng chính sách hiện tại, các chỉ đạo cho thấy rõ mục tiêu cao nhất là đang cố "giảm ca nhiễm". Trong khi đó, các bệnh viện đã có dấu hiệu quá tải qua các thông tin về việc phải để F0 không có triệu chứng cách ly tại nhà và xe cấp cứu không đến được với bệnh nhân.

Điều đó đặt ra một vấn đề với nền tảng chính sách chống dịch hiện tại: giảm số ca có thể phải đánh đổi với sự gia tăng của số tử vong vì nguyên nhân khác, tạo ra sự gia tăng nhanh số người (ca) tử vong bất thường (excess death) cho dù số ca tử vong do dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

Một vài thông tin từ kinh nghiệm làm việc với các chỉ thị từ cơ quan PHE (Public Health England) suốt mười mấy tháng ở Anh và qua trao đổi với những cố vấn thuộc Sage và các nhóm cố vấn khác với chính phủ đang làm việc ở Đại học Bristol, tôi ghi nhận được một số thông tin:

Thứ nhất, số F0 không có triệu chứng có thể chuyển biến xấu rất nhanh. Trong bối cảnh thiếu xe cứu thương và người dân không thể tiếp cận taxi, taxi công nghệ, xe ôm công nghệ, hạn chế di chuyển như hiện tại, khả năng các F0 bị chuyển biến xấu này gặp rủi ro về sinh mệnh sẽ rất cao khi cần nhập viện mà không thể đến viện.

Thứ hai, số người bị bệnh hiểm nghèo (ung thư, tai biến) cần được chăm sóc y tế sẽ mất đi nguồn chăm sóc y tế.

Thứ ba, số người bị bệnh không nặng nhưng đột ngột và khẩn cấp (ruột thừa, tai nạn, chấn thương bất ngờ) có thể chuyển nặng nếu không được chăm sóc y tế hợp lý trong 24 giờ cũng sẽ tăng.

Ba nhân tố này tạo ra một rủi ro là ngoài số ca tử vong do Covid-19, sẽ có số ca tử vong khác. Và khi F0 không có triệu chứng buộc phải cách ly ở nhà, số ca tử vong cũng có thể sẽ tăng lên.

Theo bài viết mới đây "Covid-19 data – Tracking covid-19 excess deaths across countries" trên Economist(1), số ca tử vong bất thường (excess death) ngoài yếu tố Covid-19 có thể sẽ tăng mạnh ngay trong giai đoạn lockdown (phong tỏa), từ tháng 11 năm 2020 đến tháng 2 năm nay, ở Anh, Mỹ và một số nước châu Âu khác. Số ca tử vong bất thường cũng tăng mạnh ở một số nước châu Phi và Mỹ Latin có số ca tử vong do Covid-19 tương đối thấp trong năm nay. Còn ở giai đoạn dịch bệnh nặng và bắt đầu phong tỏa nền kinh tế năm ngoái, số ca tử vong bất thường ở Anh và Ý gần như gấp đôi số ca tử vong do Covid-19 được ghi nhận.

Những dữ liệu nêu trên gợi ý rằng Việt Nam cần phải quan tâm cả đến tỷ lệ tử vong bất thường nữa chứ không phải tỷ lệ tử vong và số ca bệnh do Covid-19 và dựa vào đó để đánh giá, mục tiêu chống dịch nên là như thế nào. Một người bạn tôi làm bác sĩ bảo là tử vong do Covid-19 hay do bệnh khác thì cũng là tử vong.

Ở Việt Nam, ý thức hệ đa số người dân không đòi hỏi đánh đổi giữa sinh mệnh (life) và được tự do "sống" thật sự (livelihood ) như dân ở một số nước phương Tây, vì vậy đó đã là điều may mắn.

Theo quan điểm cá nhân tôi, ở Việt Nam, khi người dân đã rất có ý thức và tự giác chống dịch hơn người dân ở một số nền kinh tế khác thì đó là một thuận lợi trong chống dịch. Và cách chống dịch của chính phủ làm “chặt” ngay từ đầu, cách ly và truy vết quyết liệt là đã đúng hơn cách chống dịch lơi lỏng của một số nền kinh tế khác.

Nhưng khi Việt Nam chúng ta đã có nhiều ca bệnh trong cộng đồng, và với quy định giãn cách chặt chẽ theo Chỉ thị 16 mà số ca bệnh vẫn tăng lên, thì nên nhìn lại một vấn đề mà thế giới đã đối mặt trong dịch: chống dịch bằng giãn cách xã hội kéo dài và quá chặt sẽ có nguy cơ làm tăng số người tử vong bất thường vì người bệnh khác không tiếp cận được chăm sóc y tế, hỗ trợ lương thực, vì tự tử do trầm cảm…

Nó tương tự như câu chuyện khi ta đã đạp đúng mức phanh cần thiết để chiếc xe dừng lại trước một mối nguy, thì ta cần kiên nhẫn với nó để nó dừng lại đúng lúc, đạp phanh quá mức có thể làm hỏng chiếc xe và phản tác dụng.

Giải pháp lúc này nên là gì?

Theo tôi, là trong quá trình thực hiện các biện pháp chống dịch và giãn cách xã hội, dù là ngặt nghèo nhất, phải đảm bảo hai nhóm hoạt động thiếu yếu sau có thể vận hành thông suốt:

Thứ nhất, chăm sóc y tế cộng đồng, bệnh nhân phải nhận được chữa trị y tế, tư vấn y tế từ xa và có thể được cấp cứu khẩn cấp.

Thứ hai, những hoạt động thiết yếu như cung cấp bữa ăn phải được đảm bảo. Không có ăn uống đầy đủ thì lấy sức khỏe nào mà chống dịch?

Nếu một trong hai yếu tố này đứt gãy, cố gắng giảm số ca bệnh Covid-19 có thể không hiệu quả, vì khi đó chúng ta đã có người tử vong vì lý do khác có khi còn lớn hơn cả số ca bệnh.

Trong dịch, ở Anh tất cả những hoạt động thiết yếu như siêu thị, tiệm ăn giao tại nhà, bếp ăn từ thiện đều hoạt động dưới hướng dẫn cụ thể và chi tiết về phòng tránh Covid-19.

Khi chính phủ ở Anh và Mỹ biết rằng trong giai đoạn giãn cách xã hội và tạm dừng nền kinh tế, họ không thể cung cấp được hết tất cả suất ăn cho lực lượng chống dịch tiền tuyến và người ngoài, họ đã để các nhà hàng làm chuyện đó. Tất nhiên là các nhà hàng này phải tuân thủ biện pháp phòng dịch.

Có những câu chuyện về nhà hàng ở Anh cung cấp 1.500 suất ăn miễn phí cho bệnh viện mà nhiều người đã biết qua các kênh truyền thông hoặc mạng xã hội(2). Trong giai đoạn dịch bệnh, nước Anh có hàng ngàn điểm như thế này.

Hay chẳng hạn có nhà hàng ở Mỹ cung cấp 80.000 suất ăn như vậy cho nhân viên tuyến đầu (frontline workers) ở Mỹ(3).

Tất nhiên, không thể đảm bảo 100% rằng không có sự lây nhiễm Covid ở các nhà hàng này, nhưng ban cố vấn y tế của chính phủ Anh hiểu một điều là Covid-19 lẩn khuất trong cộng đồng thì không thể có cách nào 100% an toàn không Covid-19, trong khi người dân vẫn cần thức ăn, bác sĩ vẫn cần những bữa ăn tươi và nóng hổi để có sức chống dịch. Chúng ta đánh đổi nhiều thứ để giảm số ca Covid-19, nhưng không đánh đổi sinh mạnh để giảm số ca bệnh.

Điều đó không có nghĩa là có thể mở toang và rồi mọi thứ sẽ như Ấn Độ hay Indonesia. Mà là một sự điều chỉnh cách thực thi chiến lược chống dịch lại cho phù hợp.

Chúng ta phải hiểu, khi virus còn trong cộng đồng, không phải cứ giãn cách xã hội 1-2 tuần thật chặt là số ca sẽ về 0. Mở cửa trở lại số ca lại tăng lại. Dù là làm chặt chẽ như Úc, New Zealand, Singapore hay Trung Quốc, số ca bệnh vẫn xuất hiện trở lại.

Vậy phải có một chiến lược hợp lý hơn.

Đó chính là tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội chặt chẽ để khống chế số ca bệnh, nhưng phải mở ra các hoạt động thiết yếu về giao thức ăn, về tiếp cận y tế, để các nhóm hoạt động hỗ trợ xã hội được vận hành với những chỉ dẫn y tế về giữ an toàn với Covid-19.

Nói cách khác, chiến lược siết chặt đến mức các hoạt động thiết yếu cũng bị đứt gãy như hiện tại không bền vững. Nó giống như núp vào một căn phòng không có một lỗ thoát khí nào để trốn Covid-19. Sớm muộn sẽ bị chết ngạt. Cần phải tạo ra một số lỗ thông hơi để thở.

Vì vậy chiến lược chống Covid-19 phải được điều chỉnh sao cho dân phải "sống" được đã.

Nếu cả các hoạt động thiện nguyện cung cấp thức ăn cho bệnh viện, bệnh nhân và bác sĩ cũng không thực hiện được, chúng ta đang đi vào con đường không bền vững và phá sản chiến lược là một rủi ro rất rõ ràng, như chuyện đóng cửa các chợ vậy.

Vậy nên khôi phục các hoạt động thiết yếu đó. Và trên hết tất cả, các tuyến đầu như các nhân viên y tế, chống dịch, giao hàng, thiện nguyện, đều phải được tiêm vaccine để bảo vệ. Nếu nói kinh tế trực tuyến (online) là nền tảng để đảm bảo "trái tim" của TPHCM còn có thể đập thì đội ngũ “shipper” chính là mạch máu của nó.

Việc đẩy nhanh tiêm vaccine cho nhóm tuyến đầu này cũng như người già cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng. Đến nay tiến trình tiêm vaccine của Việt Nam bị đánh giá là chậm và vì vậy phải có cách đẩy nhanh, nhất là trong tuyến đầu chống dịch.

Tuyến đầu phải định nghĩa là tất cả cái gì có thể đảm bảo xã hội vận hành được ở mức thiết yếu tối thiểu. Thiết yếu là gì thì có thể tham khảo cách làm của ngay nước láng giềng Singapore. Họ định nghĩa thiết yếu theo ngành kinh doanh chứ không phải xem ổ bánh mì hay chai sữa, rau củ, có phải hàng thiết yếu không.

Danh sách tham khảo các dịch vụ thiết yếu của Singapore (dịch vụ xã hội, y tế, và thức ăn đứng đầu, rồi gồm cả vận chuyển, logistics, ngân hàng)(4).

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

 

————————————————————————–

(1) https://www.economist.com/graphic-detail/coronavirus-excess-deaths-tracker?fbclid=IwAR0cL_1JYpPC7ILbqcYHpbrEZwxsy6Hg4ydC8N1DZDp5DwyiFmV00oiJkL8

(2) https://www.youtube.com/watch?v=nX-rL4FOlF8

(3) https://www.youtube.com/watch?v=0dU5lWhonyQ&t=39s

(4) https://www.channelnewsasia.com/news/singapore/covid-19-essential-businesses-stay-open-most-workplaces-close-12607020

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới