Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chết người vì hố ga, miệng cống: Người dân có quyền kiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chết người vì hố ga, miệng cống: Người dân có quyền kiện

Anh Quân thực hiện

Ông Trương Trọng Nghĩa – Ảnh: Anh Quân

(TBKTSG Online) – Liên tiếp trong những ngày vừa qua, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra các vụ tai nạn đối với người đi đường do va phải hố ga hoặc bị nước cuốn vào cống, đồng thời một loạt sự cố ô tô lưu thông bị sụp mặt đường gây tử vong và thiệt hại cho người dân.

>> TPHCM: Yêu cầu sửa nhanh nắp hố ga trên đường

>> TPHCM: Thêm tai nạn vì sụp hố trên đường

Vấn đề này đã được dư luận lên tiếng nhiều lần nhưng sự việc vẫn cứ tiếp diễn. Khi các thiệt hại về người xảy ra do cơ sở hạ tầng yếu kém hay tắc trách của nhà quản lý chuyên ngành, người dân có quyền kiện cơ quan chức năng hay không? Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã phỏng vấn luật sư Trương Trọng Nghĩa, Văn phòng luật sư YKVN xung quanh vấn đề này.

TBKTSG Online: Những vụ tai nạn chết người do va phải hố ga và cống thoát nước xảy ra ở TPHCM vừa qua thì người dân có quyền khởi kiện hay không, thưa ông?

– Ông Trương Trọng Nghĩa: Trước hết, khi xảy ra tai nạn thì phần lớn phải có người chịu trách nhiệm. Luật pháp cũng quy định, những người bị thiệt hại nếu họ không có lỗi mà lỗi do người khác gây ra có quyền khởi kiện. Đối với những tai nạn mà người gây ra thiệt hại đến mức vi phạm bộ Luật Hình sự thì sẽ bị khởi tố hình sự (trừ trường hợp không thể kiện được, đó là tai nạn gây ra do những nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai hay những việc không thể tiên liệu trước được…).

Mọi thiệt hại đều xác định được nguyên nhân và trách nhiệm của người gây thiệt hại và truy cứu trách nhiệm. Truy cứu trách nhiệm ở đây, ít nhất là bằng hành chính, như cách chức, buộc thôi việc, hay khởi kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại… Theo tôi, trong trường hợp người dân bị thiệt mạng do va phải hố ga và nước cuốn vào cống như ở Thủ Đức, thì gia đình nạn nhân đều khởi kiện được.

Vậy trong trường hợp này thì người dân khởi kiện đơn vị nào và họ phải làm gì để khởi kiện?

– Thứ nhất, cơ quan nào chịu trách nhiệm thi công về đường cống của khu vực đó thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trước tiên. Thứ hai, nếu thi công đã bàn giao thì cơ quan nào đang quản lý về hệ thống đường cống này cũng phải chịu trách nhiệm, bởi vì hệ thống phải được an toàn, nếu có sự cố thì phải có biển báo, cảnh báo, rào chắn để đảm bảo an toàn. Nếu họ không làm được như vậy thì trước hết là kiện đơn vị chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Trong trường hợp các đơn vị đùn đẩy trách nhiệm cho nhau thì người dân có thể kiện cả hai. Khi đó tòa sẽ phân xử bên chính, bên phụ hay một bên phải chịu trách nhiệm.

Khi khởi kiện, trong đơn khởi kiện, gia đình nạn nhân phải nêu rõ thiệt hại, ví dụ như chết người, thương tích hay tổn thất về tinh thần, vật chất như thế nào. Trong đơn phải ghi rõ là kiện ai, kiện đơn vị nào.

Đối với những hành vi vi phạm pháp luật gây ra chết người có thể phải khởi tố hình sự và việc khởi tố là trách nhiệm của công an và viện kiểm sát. Trong trường hợp cụ thể này chưa thể nói được trách nhiệm hình sự đến đâu nhưng ít nhất người dân cũng có thể khởi kiện dân sự.

Là đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, đại diện cho nhân dân thì ông có đề nghị gì đối với cơ quan chức năng để tình trạng này không tiếp tục tái diễn?

– Tôi đề nghị, UBND TPHCM phải có ngay một chỉ thị, yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát lại tính an toàn của các công trình giao thông đang thi công hoặc đã nghiệm thu nhưng không đảm bảo an toàn. Trong thời gian vừa qua việc mặt đường bị sụp, người dân va phải hố ga mà thiệt mạng, rõ ràng là một sự tắc trách và sai sót trong việc thi công và nghiệm thu, bàn giao. Những công trình thi công dở dang hay có sự cố phải có biển báo hay rào chắn rõ ràng, ngay cả khi trời mưa nước ngập, nếu trong trường hợp không có biển báo phải cử người đứng đó túc trực.

Thứ hai, các cơ quan chức năng phải rà soát lại các sự cố gây ra thiệt hại, xem đã xử lý‎ thích đáng hay chưa, đặc biệt là thiệt hại chết người trong thời gian vừa qua. Khi có sự cố xảy ra trên địa bàn nào thì lãnh đạo chính quyền của địa bàn đó phải đến ngay để xử lý và cứu giúp, hỗ trợ nạn nhân và xử lý trách nhiệm. Nếu không xử lý được phải báo cáo lên chính quyền cấp trên để giải quyết, vì chức năng hiến định của chính quyền là bảo vệ quyền lợi của nhân dân và bảo đảm thực thi pháp luật trên địa bàn của mình.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới