Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chỉ bằng hai đoạn tweet, ông Trump nhấn chìm chứng khoán toàn cầu vào sắc đỏ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chỉ bằng hai đoạn tweet, ông Trump nhấn chìm chứng khoán toàn cầu vào sắc đỏ

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Tổng thống Donald Trump vừa dội một gáo nước lạnh vào những kỳ vọng lạc quan về các tiến triển trong đàm phán, hướng đến một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khi đe dọa tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc trừ phi Bắc Kinh thúc đẩy đàm phán nhanh hơn. Chỉ bằng hai đoạn tweet, ông Trump đã nhấn chìm các thị trường chứng khoán trên toàn cầu vào sắc đỏ.

Gây sức ép tối đa với Bắc Kinh

Chỉ bằng hai đoạn tweet, ông Trump nhấn chìm chứng khoán toàn cầu vào sắc đỏ
(Từ trái sang) Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc chụp hình lưu niệm trước khi bước vào vòng đàm phán thương mại ở Bắc Kinh hôm 1-5. Ảnh: Reuters

Tổng thống Donald Trump hôm 5-5 viết trên Twitter: “Trong 10 tháng qua, Trung Quốc đã trả thuế 25% cho 50 tỉ đô la hàng hóa công nghệ cao và 10% cho 200 tỉ đô la Mỹ hàng hóa khác bán sang Mỹ. Các khoản thuế này phần nào dẫn đến các kết quả kinh tế tuyệt vời của chúng ta. Mức thuế 10% trên sẽ tăng lên 25% vào thứ Sáu tới. Thêm 325 tỉ đô la hàng hóa mà Trung Quốc bán sang chúng ta vẫn chưa bị đánh thuế nhưng chỉ trong thời gian sớm thôi, chúng sẽ bị đánh thuế 25%… Đàm phán thỏa thuận thương mại với Trung Quốc sẽ tiếp tục nhưng quá chậm chạp”.

Theo kế hoạch, Phó Thủ tướng Trung Quốc phụ trách chính sách kinh tế Lưu Hạc, người đóng vai trò trưởng đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc, sẽ đến Washington vào ngày 8-5 để tham gia vòng đàm phán được xem là cuối cùng trước khi Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận thương mại.

Tại cuộc họp báo hôm 6-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết đoàn đàm phán Trung Quốc vẫn đến Washington nhưng từ chối xác nhận chuyến đi diễn ra khi nào và liệu ông Lưu Hạc có góp mặt hay không.

Lu Xiang, một chuyên gia nghiên cứu quan hệ Mỹ-Trung ở Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng ông Trump đang theo đuổi chiến lược gây sức ép tối đa đối với Trung Quốc.
Ông nói: “Nếu Trung Quốc hủy bỏ chuyến đi, ông Trump sẽ đổ lỗi Trung Quốc cho thất bại đàm phán thương mại”.

Tờ South China Morning Post dẫn một nguồn tin cho biết ông Lưu Hạc có thể rời Bắc Kinh vào ngày 9-5 tới để đến Washington đàm phán. Một nguồn tin khác nói rằng hai bên vẫn cam kết hướng đến một thỏa thuận cuối cùng nhưng lời đe dọa tăng thuế của ông Trump đang đặt đoàn đàm phán Trung Quốc vào thế khó vì bất cứ thỏa thuận thương mại nào với Mỹ vào thời điểm này có thể bị dư luận trong nước xem là một thỏa ước “đầu hàng” Mỹ.

Tăng thuế vì Trung Quốc rút lại các cam kết?

Trong khi đó, các quan chức thương mại Mỹ bao gồm Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tiết lộ Tổng thống Trump tuyên bố tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc vì Bắc Kinh rút lại các cam kết quan trọng đã đạt được trong các cuộc đàm phán trước đó với Mỹ.

Ông Mnuchin nói: “Họ (các nhà đàm phán Trung Quốc) đang tìm cách rút lại nội dung đã được đàm phán xong trước đó và điều này có nguy cơ khiến thỏa thuận thương mại thay đổi rõ ràng. Toàn bộ đội ngũ cố vấn kinh tế đồng lòng đề xuất tổng thống tiến hành tăng thuế nếu chúng tôi không thể đạt được thỏa thuận vào cuối tuần này”.

Ông Lighthizer nhấn mạnh việc rút lại các cam kết là “điều không thể chấp nhận được”.
Mỹ đang yêu cầu Trung Quốc thay đổi sâu rộng các chính sách kinh tế bao gồm cam kết bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ tốt hơn, chấm dứt ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ và ngăn chặn nạn ăn cắp các bí mật thương mại của Mỹ thông qua các vụ tấn công mạng. Washington cũng muốn Bắc Kinh cho phép các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận sâu vào các thị trường rộng lớn của Trung Quốc, dừng các chính sách trợ cấp công nghiệp, tăng mua hàng hóa của Mỹ.

Một nguồn tin nắm rõ các cuộc đàm phán Mỹ-Trung tiết lộ hục hặc gần nhất xảy ra khi phía Trung Quốc muốn xử lý các thay đổi chính sách thông qua các biện pháp hành chính và quản lý, chứ không thông qua các thay đổi pháp luật như đã đồng ý trước đó với phía Mỹ.

Nguồn tin này nói: “Điều này làm suy yếu cấu trúc cốt lõi của thỏa thuận thương mại” vì các nhượng bộ của Trung Quốc, nếu không được luật hóa, sẽ khó xác minh và bắt buộc Trung Quốc tuân thủ.

Tờ South China Morning Post dẫn các các nguồn tin cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bác bỏ các nhượng bộ bổ sung mà trước đó, các nhà đàm phán Trung Quốc đã đưa ra với Mỹ.

Một nguồn tin nói: “Ông Tập nói với họ (các nhà đàm phán Trung Quốc) rằng: “Tôi sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả hậu quả có thể xảy ra”” . Sau đó, các nhà đàm phán Trung Quốc đã đưa cho Washington một đề xuất cứng rắn hơn.

Lời đe dọa tăng thuế của ông Trump cho thấy ông đang mất kiên nhẫn vì các nhượng bộ không đầy đủ của Trung Quốc.

Giới quan sát kỳ vọng chuyến thăm Washington của ông Lưu Hạc trong tuần này để dự vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung lần thứ 11 sẽ giúp kết thúc cuộc chiến thương mại đã làm nền kinh tế toàn cầu chao đảo trong gần một năm qua.

Thông báo tăng thuế của ông Trump đang làm khó cho ông Tập, vốn đang trông chờ một thỏa thuận thương mại với Mỹ để giúp cỗ máy tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục vận hành suôn sẻ. Bắc Kinh giờ đây phải cân nhắc liệu chấm dứt đàm phán hay “đầu hàng” trước sức ép của Mỹ và đưa ra nhiều nhượng bộ hơn.

Ông Tập sẽ đối mặt với các khó khăn nội bộ khi ứng phó lời đe dọa mới của Trump. Vị thế của ông Tập có nguy cơ bị suy yếu nếu ông bị xem là “hàng phục” trước các yêu cầu của Mỹ, đặc biệt là ở những lĩnh vực mà nhiều người dân Trung Quốc muốn thấy sự tiến bộ, chẳng hạn công nghệ.

Các nỗ lực giảm nợ trong nền kinh tế Trung Quốc cùng với những tổn thương về sản xuất và niềm tin của người tiêu dùng do các đòn thuế của Mỹ đã khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trì trệ vào năm ngoái. Trong những tháng gần đây, nhờ hàng loạt biện pháp kích thích, nền kinh tế Trung Quốc dường như ổn định trở lại. Triển vọng về một thỏa thuận thương mại với Mỹ cũng giúp phục hồi niềm tin của giới đầu tư và người tiêu dùng, khiến nhiều nhà kinh tế dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ cải thiện.

Song quyết định tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc, nếu được Mỹ áp dụng vào ngày 10-5 tới, có thể làm đổ gãy đà phục hồi mong manh của kinh tế Trung Quốc.

Tao Wang, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Trung Quốc ở ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), viết trong thư gửi cho các nhà đầu tư: “Nếu thuế áp vào hàng hóa Trung Quốc tăng vào thứ Sáu này và các đòn thuế mới sớm được thực hiện sau đó, tác động tiêu cực lớn nhất sẽ xuất hiện trong vài tháng tới”.

Bà cảnh báo một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện với Mỹ có thể khiến tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc mất khoảng 1,6-2 điểm % trong vòng 12 tháng tới.

Theo New York Times, Reuters, SCMP

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới