Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chỉ cần hành lang pháp lý minh bạch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chỉ cần hành lang pháp lý minh bạch

Tâm Dân

Xây dựng hành lang pháp lý minh bạch sẽ tạo điều kiện cho dòng vốn luân chuyển đến đúng những nơi cần thiết và góp phần hạn chế những rũi ro mang tính hệ thống. Ảnh: Minh Khuê.

(TBKTSG) – Theo quan điểm chính thống, thể hiện qua các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ phi sản xuất được xác định đó là những khoản tín dụng đầu tư vào hai lĩnh vực chủ yếu: chứng khoán và bất động sản.

Trong thực tế, việc áp dụng khái niệm phi sản xuất với nội hàm khá rộng đôi khi dẫn đến những cách hiểu chưa đồng nhất. Bởi vì trong cùng một lĩnh vực có thể có nhiều đối tượng đầu tư khác nhau, khó phân biệt giữa sản xuất hoặc phi sản xuất.

Mặt khác, nếu đánh giá trực tiếp, bản thân đối tượng đầu tư này là phi sản xuất, nhưng xét trong phạm vi nhiều mối quan hệ gián tiếp thì đây lại là lực đẩy cho các ngành nghề sản xuất khác.

Ví dụ, kinh doanh bất động sản thường kéo theo các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, trang trí nội thất… phát triển. Tiền đưa vào sàn chứng khoán có thể xem là phi sản xuất, nhưng đằng sau đó là những hệ quả phát sinh như góp phần tăng vốn sản xuất cho công ty đại chúng, cải thiện năng lực huy động vốn cho nền kinh tế…

Trong trường hợp này, mọi định nghĩa chỉ mang tính tương đối, vì vậy nên cân nhắc áp dụng sao cho đúng liều lượng, phù hợp với hoàn cảnh nếu không dễ sa vào phiến diện, dẫn đến những phản ứng tiêu cực.

Nên kiểm soát bằng hành lang pháp lý minh bạch

Lý thuyết kinh tế thị trường không áp dụng phổ biến khái niệm phi sản xuất mà chủ yếu phân tổ nền kinh tế thành hai khu vực chính: sản xuất vật chất và không sản xuất vật chất. Theo quy định pháp luật Việt Nam (QĐ số 10/2007/TTg ngày 23-1-2007), nền kinh tế được chia thành 21 phân ngành cấp I, trong đó có kinh doanh bất động sản. Riêng hoạt động môi giới chứng khoán thuộc phân ngành “hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm”.

Kinh nghiệm từ phần lớn các nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế – tài chính thời gian qua cũng cho thấy bong bóng chứng khoán hoặc bất động sản luôn là nguy cơ tiềm ẩn số một đối với bất ổn vĩ mô. Đây chính là “cái lý” để NHNN thực hiện chế tài kiểm soát dư nợ phi sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh phải kiềm chế lạm phát, chủ động phòng tránh những tác động xấu ảnh hưởng dây chuyền đến nỗ lực ổn định giá cả.

Ngoài ra, với đặc thù là một nền kinh tế còn nặng về phát triển theo chiều rộng, dựa phần lớn vào vốn, luôn khát vốn, hệ số ICOR cao, vì vậy giai đoạn hiện nay buộc phải có những biện pháp kiên quyết để tái điều chỉnh cơ cấu. Mục tiêu là cải thiện hiệu quả sử dụng vốn, tập trung vốn hướng mạnh vào sản xuất vật chất, gia tăng khối lượng sản phẩm hàng hóa cung ứng cho nội địa và xuất khẩu, góp phần tạo thêm giá trị gia tăng.

Cần thừa nhận rằng giải pháp mà NHNN đang áp dụng để kiểm soát dư nợ phi sản xuất không phải không có căn cứ, tất nhiên chưa hẳn là giải pháp căn cơ nhất. Vấn đề quan trọng hiện nay là cần giải quyết những vướng mắc để cơ chế chính sách vận hành một cách thuận lợi trong môi trường kinh tế ngày càng đa dạng, phức tạp.

Thay vì thiên về áp dụng những biện pháp hành chính có phần cứng nhắc, thiếu tính khả thi, trong khi đối tượng bị chế tài lại thường tìm cách luồn lách đối phó với cơ quan chức năng, nên tập trung xây dựng khung hành lang pháp lý minh bạch, có hiệu lực, thống nhất cách hiểu và cách làm, qua đó điều chỉnh khả năng tự ứng xử của các chủ thể trên thương trường (nhà quản lý/ngân hàng/khách hàng). Từ đó tạo điều kiện cho dòng vốn luân chuyển đến đúng những nơi cần thiết, phát huy được hiệu quả, góp phần hạn chế những rủi ro mang tính hệ thống, không gây bất lợi đến mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Đâu là giải pháp?

Có hai nhóm công việc có thể triển khai ngay. Thứ nhất, tổng rà soát và thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật còn hiệu lực, tránh tình trạng văn bản đã ban hành nhưng thực thi không đến nơi đến chốn, ý thức chấp hành không cao, chế tài xử phạt thiếu căn cứ pháp lý hoặc kém hiệu lực.

Đối chiếu với những quy định pháp luật hiện hành cho thấy nếu NHNN vận dụng tốt những công cụ sẵn có thì không nhất thiết phải áp dụng thêm chế tài tỷ lệ cho vay phi sản xuất.

Ví dụ, Thông tư 13 (quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng) khi tính toán tỷ lệ an toàn vốn NHNN yêu cầu áp dụng hệ số rủi ro cao nhất (250%) đối với khoản mục “tài sản có rủi ro” đầu tư vào hai lĩnh vực chứng khoán/bất động sản, đây chính là “giới hạn đỏ” đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải cân nhắc khi mở rộng đầu tư vào những lĩnh vực này.

Thông thường các khoản đầu tư bất động sản chủ yếu cân đối từ nguồn vốn trung, dài hạn, vì vậy nếu chạy đua tăng trưởng quá mức sẽ vi phạm Thông tư 15 (ban hành tháng 8-2009) về khống chế tỷ lệ cho vay trung, dài hạn đối với tổ chức tín dụng. Hoặc theo quy định hiện hành, các ngân hàng chỉ được phép đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán không vượt quá 3% vốn điều lệ…

Để nâng cao hiệu lực điều hành, NHNN đang có kế hoạch sửa đổi bổ sung Thông tư 13 và 15, ban hành quy định về xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng, qua đó tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý theo hướng đồng bộ, hiệu quả hơn.

Thứ hai, nghiên cứu bổ sung những tiêu chí pháp luật chặt chẽ, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp đối với lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm là bất động sản/chứng khoán. Hiện nay tình trạng lạm dụng các công cụ đòn bẩy tài chính, hạn mức vốn bổ sung từ ngân hàng mẹ cho các công ty chứng khoán trực thuộc… để mở rộng kinh doanh chứng khoán, nhất là hoạt động tự doanh, vẫn còn thoát ly sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, dễ gây ra nhiều rủi ro hệ thống.

Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, cần thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ năng lực tài chính của chủ dự án, quy định tỷ lệ vốn tự có thực có tham gia dự án tối thiểu phải đạt 30%, kiểm soát nghiêm quy hoạch, tiến độ thi công, kế hoạch giải ngân vốn tự có và vốn vay, chế độ bảo hành chất lượng công trình nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cuối. Trên cơ sở đó tiến hành sàng lọc thị trường, bảo vệ và khuyến khích phát triển đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Tất nhiên, bên cạnh các công cụ của chính sách tiền tệ thì cần phối hợp đồng bộ các công cụ khác, trước hết là chính sách thuế, các hàng rào kỹ thuật khác, hướng đến một thị trường trật tự, phát triển lành mạnh, bền vững.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới