Chỉ cần làm tốt một phần là đủ…
(TBKTSG) – Nếu nhà có nuôi cá, bạn bỏ mồi xuống nước và quan sát sẽ thấy hầu hết các con cá bơi nhanh đến, giành nhau mồi. Thế nhưng, không ít miếng mồi to ngon rơi xuống đáy, chẳng có con nào đếm xỉa đến! Bạn chuẩn bị quẹo phải. Bạn bật đèn tín hiệu. Chắc chắn sẽ có nhiều chiếc xe khác, thay vì nhường cho bạn quẹo phải, lại cố giành vượt lên ngáng đường bạn…
Bản năng của cá hay động vật khác, trong một chừng mực nào đó, cũng không khác bản năng của con người. Đó là chỉ “chăm bẳm” giành giật miếng mồi mà quên đi một điều là đôi khi không cần giành giật vẫn có thể đạt được mục tiêu.
Đọc bài “Việt Nam ở đâu trong ngành truyện tranh châu Á?” (TBKTSG số 51-2008, ra ngày 11-12-2008) tôi thấy cách tư duy của Công ty McKids sáng suốt. Vì biết Việt Nam không thể cạnh tranh được với những quốc gia “trùm” về truyện tranh như Hàn Quốc, Nhật Bản và tương lai là Trung Quốc và Ấn Độ, nên đã chọn một cách tiếp cận khác. Đó là phát triển nhân vật để nhượng quyền. Và khi đi vào hướng này thì họ chấp nhận thuê những công ty khác vẽ gia công – có thể là công ty Trung Quốc và Ấn Độ.
Ngày nay, khi mà Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới” trong nhiều ngành hàng, thì các quốc gia khác cần phải xác định một phần nào đó mà họ có thể làm tốt hơn là cố gắng làm ra toàn bộ chuỗi giá trị. Lý luận này đã được chiến lược gia về cạnh tranh Michael Porter nhắc đi nhắc lại trong buổi hội thảo quốc tế gần đây.
Trở lại chuyện của McKids. Việc họ xác định phần giá trị này – khoan nói là có làm được tốt hay không – cho phép sử dụng được những thế mạnh mà Việt Nam có thể có như phát triển kịch bản hay; thực hiện các hoạt động quảng bá tiếp thị cho nhân vật và cuối cùng là tìm kiếm cơ hội nhượng quyền. Những công việc này không phải là dễ nhưng ít ra còn dễ hơn là phải trông chờ vào nguồn nhân lực truyện tranh thiếu hụt và không được đào tạo bài bản.
Nhượng quyền ở Việt Nam cũng như ở những thị trường khác là một ngành kinh doanh sinh lợi. Do chi phí phát triển thương hiệu, cụ thể là truyền thông ngày càng đắt đỏ, chưa nói rủi ro thất bại là rất lớn nên các nhà sản xuất/chuỗi cửa hàng bán lẻ thường vay mượn các tên tuổi hiện đang nổi tiếng để làm vừa nhanh và vừa an toàn. Dễ thấy qua việc dầu gội, sữa tắm HapiKids (ICP), nước tinh khiết Sapuwa, chuỗi bánh tươi ABC sử dụng hình ảnh Disney (Mickey, Winnie The Pooh, Princess).
Việc quảng bá cho các nhân vật ngày nay không còn mất nhiều thời gian, cũng như tốn nhiều nguồn lực như trước đây do sức mạnh của Internet. Chính ông Philip Kotler trong chuyến viếng thăm Việt Nam vào năm rồi đã luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các công cụ trực tuyến, mạng truyền thông xã hội. Đây là những công cụ rất hiệu quả, mở ra cho tất cả các doanh nghiệp lớn nhỏ và cả những nhân vật mới.
Nhượng quyền nhân vật (character licensing) là một lĩnh vực mới và mong TBKTSG có thêm nhiều bài viết về vấn đề này để các doanh nghiệp hiểu sâu và có thể tìm kiếm cơ hội làm ăn.
NGUYỄN THẠC TUẤN (*)
(*) Giám đốc Công ty Quảng cáo Savvy