Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chỉ còn 4 doanh nghiệp tiếp tục vụ khiếu nại Megastar

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chỉ còn 4 doanh nghiệp tiếp tục vụ khiếu nại Megastar

Nghi Lâm

Khán giả xếp hàng trước phòng chiếu phim của Megastar. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Hai trong số 6 doanh nghiệp khiếu nại Megastar đã chuyển tư cách tham gia vụ việc sang tư cách của người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

>> Chính thức điều tra vụ kiện Megastar

>> Megastar muốn hòa giải, doanh nghiệp kiện tẩy chay

>> Vụ Megastar và câu chuyện chính sách

Đó là tuyên bố mới nhất của Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương sau khi hoàn tất quá trình điều tra sơ bộ và chuyển vụ khiếu nại này sang quá trình điều tra chính thức.

Ông Cao Xuân Hiến, Trưởng ban điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh thuộc Cục Quản lý cạnh tranh, nói: “Theo điều 58 của Luật cạnh tranh, chúng tôi đã xem xét và xác định 2 doanh nghiệp có một số lý do không phù hợp với vụ việc này nên đã chuyển tư cách tham gia vụ tố tụng của họ, bởi những ai có quyền lợi ảnh hưởng trực tiếp đến vụ việc thì mới được quyền khiếu nại”.

Điều 58 về khiếu nại vụ việc cạnh tranh

1. Tổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm quy định của luật này (sau đây gọi chung là bên khiếu nại) có quyền khiếu nại đến cơ quan quản lý cạnh tranh.

2. Thời hiệu khiếu nại là hai năm, kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện.

3. Hồ sơ khiếu nại phải có những tài liệu chủ yếu sau đây:

a) Đơn khiếu nại theo mẫu của cơ quan quản lý cạnh tranh;

b) Chứng cứ về hành vi vi phạm.

(Trích: Luật cạnh tranh số 27/2004/QH11)

Theo đó, bên khiếu nại trong vụ việc này chỉ còn lại 4 doanh nghiệp, bao gồm Công ty cổ phần điện ảnh 212, Công ty cổ phần Sài Gòn điện ảnh, Công ty cổ phần phim Thiên Ngân và Công ty cổ phần truyền thông điện ảnh Sài Gòn. Hai doanh nghiệp còn lại là Công ty TNHH một thành viên điện ảnh Hà Nội và Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai sẽ tham gia vụ điều tra với tư cách của người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Lý giải cho vụ việc này, vị luật sư đại diện pháp lý của bên khiếu nại, nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: “Từ năm ngoái, Megastar đã không còn đưa phim cho 2 đơn vị kia chiếu trong “vòng đầu” (nghĩa là trong tuần đầu tiên và tuần thứ 2 cùng lúc với thời điểm Megastar phát hành) nên họ không bị ảnh hưởng bởi chính sách áp đặt giá thuê phim tối thiểu dựa trên mỗi đầu người xem là 25.000 đồng (chưa tính thuế) và thêm một vài nhân tố khác nữa nên Cục Quản lý cạnh tranh đã đưa ra quyết định như vậy”.

Hiện nay, 2 doanh nghiệp trên đang phải thuê phim từ các nhà sản xuất phim trong nước, của các nhà phân phối phim nhập khẩu khác và chỉ chiếu các phim thuê từ Megastar cho vòng 2 và 3 (nghĩa là từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 6 so với thời điểm phát hành của Megastar).

“Tuy nhiên, việc chuyển đổi tư cách này không làm ảnh hưởng đến vụ khiếu nại đang được Cục Quản lý cạnh tranh tiến hành làm rõ. Theo đó, 2 doanh nghiệp kia sẽ tiếp tục tham gia hợp tác để cung cấp các tài liệu, chứng cứ cần thiết để cục có cơ sở xử lý”, vị luật sư nói thêm.

Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai, ông Trần Cảnh Tuệ, nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: “Cục Quản lý cạnh tranh chỉ mới thông báo cho chúng tôi biết 2 doanh nghiệp đã không hội đủ các điều kiện của người khiếu nại mà chưa đưa ra bất kỳ một lời giải thích gì thêm. Chúng tôi sẽ trao đổi với cục để biết thêm lý do”.

Theo khiếu nại của các doanh nghiệp, Công ty TNHH Truyền thông Megastar lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường như áp đặt giá thuê phim tối thiểu, buộc lấy kèm phim khi thuê phim hay chỉ định phòng chiếu phim cũng như các suất chiếu…

Ngày 25-6 dưới sự chủ trì của Cục Điện ảnh đã diễn ra cuộc họp mặt giữa các bên có liên quan trong vụ khiếu kiện này, bao gồm đại diện của Megastar và 6 doanh nghiệp đệ đơn kiện, cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Vụ Pháp chế thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tại Hà Nội.

Trong buổi họp ấy, ông Lại Văn Sinh, Cục trưởng Cục Điện ảnh, nhấn mạnh vấn đề ở đây thuộc về chính sách kinh doanh, do đó Megastar cần có những điều chỉnh hợp lý. “Nhưng nếu sự việc vẫn theo diễn biến tiêu cực thì Cục Điện ảnh sẽ phải can thiệp bằng cách tham mưu cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đệ trình lên Chính phủ, Quốc hội thay đổi một số chủ trương trong chính sách cho phép doanh nghiệp có phần lớn vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh trên thị trường điện ảnh Việt Nam”, ông Sinh nói.

Quan điểm của Cục Điện ảnh trong buổi họp hôm đó là muốn đảm bảo sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam, đảm bảo quyền lợi cho khán giả, cũng như bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, vị luật sư đại diện cho bên khiếu nại, bày tỏ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới