Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chỉ dân mới “biết” chi tiêu tiết kiệm sao?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chỉ dân mới “biết” chi tiêu tiết kiệm sao?

Danh Đức

(TBKTSG) – Chưa bao giờ lại có nhiều tiếng chuông báo động về sức khỏe nền kinh tế trên các phương tiện truyền thông như lúc này.

Người đọc có thể bắt gặp những bài báo ghi nhận “chuyện thường ngày” như “Uể oải sức mua” (Thanh Niên, 1-4-2014) hoặc “Người dân đã chi tiêu hợp lý hơn” (Tuổi Trẻ, 25-3-2014) hay những bài ghi nhận thực tế vĩ mô như “Vốn FDI vào Việt Nam giảm 50%, cảnh báo thành hiện thực?” hoặc “Bẫy thu nhập trung bình gõ cửa Việt Nam” đăng ở báo Đất Việt Thanh Niên hôm đầu tuần. Thế nhưng, thật hiếm thấy thông tin tập đoàn này lãi to, ban ngành này, tỉnh thành kia tiết kiệm các hạng mục chi tiêu, đầu tư…

Làm thế nào mà chỉ người dân mới biết và mới phải tiết kiệm? Bình luận về chuyện chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 3-2014 âm 0,44%  bà Trần Thị Hằng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, có đề cập đến ý “người dân đã chi tiêu hợp lý hơn”.  Trong làn sóng cám dỗ tiêu dùng, đặc biệt là khuyến khích “cà thẻ” xài cho đã rồi trả sau vì được “ưu đãi hoàn tiền đến 6% khi thanh toán bằng thẻ tín dụng…” như nội dung trên các tờ rơi của một số ngân hàng phát hành thẻ tín dụng, thì hành vi “biết chi tiêu hợp lý hơn” quả là một điều rất đáng khích lệ. Do lẽ, khi đại đa số người dân tự phòng chống được cám dỗ xài hoang, tức phòng ngừa được nguy cơ “mất khả năng chi trả”, thì xã hội cũng giảm được nguy cơ vỡ nợ tập thể.

Trong khi theo các nghiên cứu xã hội học, hành vi tiêu dùng của người Việt Nam đã thay đổi, chi tiêu hợp lý hơn, trước chạy theo thị hiếu, vài tháng có thể mua ti vi khi có mẫu mới nhưng nay đã khác… thì trong lĩnh vực chi tiêu công lại chưa thấy một mảy may tín hiệu chi tiêu hợp lý đầy khích lệ tương tự! Cũng không thấy những chỉ đạo, đôn đốc, động viên giảm chi thường xuyên/không thường xuyên như lẽ ra đã phải thấy hô hào quyết liệt trong tình cảnh ta đang phải gánh nợ như hiện nay. Rõ ràng là rất đáng lo nếu Nhà nước không lên tiếng kêu gọi “tổng tiết kiệm” khi liên hệ đến thông tin gần đây, việc vay vốn sửa quốc lộ 20 phải được MIGA thuộc Ngân hàng Thế giới bảo lãnh rủi ro.

Bởi lẽ nếu không thức tỉnh, rằng chúng ta đã vay nợ quá nhiều, việc vay mượn ngày càng khó khăn, thì sẽ không ngăn được thói quen “phóng tay quá trán” có được từ cuối thập niên 1990 vốn là thời kỳ hoàng kim vốn ODA.

Cuối tuần rồi đọc tin sắp xây nhà hát Phương Nam tại khu Lữ Gia (Phú Thọ, TPHCM) vốn xây dựng  gần 1.000 tỉ đồng được đăng bên cạnh tin Asiad 2019 chỉ chi 3.150 tỉ đồng (?) mà không khỏi băn khoăn.

Khi  người dân đã biết chi tiêu khôn ngoan, họ cũng có quyền đòi hỏi Nhà nước chi tiêu khôn ngoan như mình vì tiền Nhà nước tiêu là tiền thuế mà dân phải đóng thêm hay phúc lợi xã hội của người dân bị cắt giảm! Không lẽ cái cỗ xe ngân sách  chỉ có chân ga mà không có chân thắng? Và chẳng lẽ ta chấp nhận tăng vị thế bằng cách đi xin “hỗ trợ” sao?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới