Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chỉ mới bố trí được 29% vốn cho chương trình phát triển thủy sản bền vững

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chỉ mới bố trí được 29% vốn cho chương trình phát triển thủy sản bền vững

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Tổng nguồn vốn cần để thực hiện chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 là 49.248 tỉ đồng. Thế nhưng, tổng nguồn lực đã bố trí và huy động được trong giai đoạn này chỉ mới đạt 14.470 tỉ đồng, tương ứng hơn 29%.

Chỉ mới bố trí được 29% vốn cho chương trình phát triển thủy sản bền vững
Khu ươm giống tôm của một doanh nghiệp tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội nghị “Sơ kết chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 và xây dựng chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” được tổ chức vào hôm nay, 26-10, tại TP Cần Thơ, ông Phạm Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình nêu trên là 49.248 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 4.300 tỉ đồng; vốn ODA là 1.600 tỉ đồng và huy động khác là 43.348 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Toản, tổng nguồn lực đã bố trí và huy động trong giai đoạn 2016-2020 là 14.470 tỉ đồng, trong đó, vốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 5.200 tỉ đồng và nguồn từ UBND các tỉnh, thành phố quản lý là 9.270 tỉ đồng.

Theo ông Toản, với số vốn đã bố trí như nêu trên trong giai đoạn 2016-2020, chương trình đã thực hiện đầu tư hoàn thành 148 dự án trong phạm vi cả nước. Trong đó, đã đầu tư 21 cảng cá với sản lượng cá qua cảng tăng thêm 352.000 tấn/năm; khu neo đậu tránh trú bão là 45 dự án với công suất tăng thêm 24.900 tàu neo đậu khi có gió bão.

Ngoài ra, chương trình cũng đầu tư 65 dự án vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích tăng thêm 37.500 héc ta; đầu tư 15 vùng sản xuất giống thủy sản, trại sản xuất giống, vùng sản xuất giống tập trung và đầu tư hai dự án tăng cường năng lực quản lý ngành trong công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm và quan trắc cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản.

Theo ông Toản, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản 2016-2019 đạt bình quân 6%/năm, đạt mức chỉ tiêu theo kế hoạch; tổng sản lượng thủy sản năm 2019 đạt 8,15 triệu tấn, trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,77 triệu tấn, nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn. “Dự kiến, năm 2020 đạt 8,2 triệu tấn, vượt mức chỉ tiêu chương trình đề ra là đạt 6,5 đến 7 triệu tấn”, ông Toản cho biết. 

Còn về giá trị xuất khẩu thủy sản, theo ông Toản, giá trị xuất khẩu năm 2019 đạt 8,6 tỉ đô la Mỹ và kế hoạch năm nay là 10 tỉ đô la Mỹ, vượt chỉ tiêu chương trình đề ra là 8-9 tỉ đô la Mỹ.

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, với bối cảnh mới ở cả trong nước và quốc tế, nhất là khi Việt Nam đã tham gia 13 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội trong việc mở rộng xuất khẩu thủy sản. “Thế nhưng, cũng cần thấy rằng, song song với cơ hội, thì các FTA sẽ dựng lên nhiều hàng rào kỹ thuật”, ông nói.

Mặt khác, theo ông Tiến, với tình hình trong nước, thì biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn được dự báo sẽ ngày càng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nuôi trồng thủy sản.

Cũng theo ông Tiến, hạ tầng thủy sản trong nước hiện đang rất yếu kém; chế biến chưa chế biến sâu; hạ tầng kho bãi, công nghệ chế biến thì chưa cập nhật. “Trong bối cảnh như vậy, ngành thủy sản lại muốn phát triển phát triển nhanh, bền vững, tăng cả sản lượng và giá trị gia tăng”, ông cho biết và nói rằng, cần phải đặt ra mục tiêu tổng thể và cụ thể cho từng đối tượng trên cơ sở tổng kết giai đoạn 2016-2020. “Chúng ta phải tính cho mục tiêu tổng quát và cụ thể cho từng đối tượng như: cá tra, tôm, ngành nuôi biển và cả khai thác để có căn cứ thực tiễn và khoa học cho mục tiêu năm 2030, tầm nhìn đến 2045”, ông Tiến nhấn mạnh.

Theo ông Tiến, để đạt mục tiêu đề ra, thì phải có hệ thống giải pháp chặt chẽ và căn cơ trên cơ sở huy động nguồn lực của Trung ương và xã hội hóa nhằm đầu tư phát triển ngành thủy sản đạt mục tiêu đề ra, trong đó, phải nhấn mạnh đầu tư ngân sách cho hạ tầng thủy sản. “Đầu tư công cho hạ tầng, khai thác và kể cả nuôi biển là một trong những giải pháp đột phá để đạt được mục tiêu trong những năm tới”, ông Tiến nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới