Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chi phí nhập khẩu và giữ giá trị tiền tệ bào mòn dự trữ ngoại hối của khu vực kinh tế mới nổi

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tốc độ “đốt” dự trữ ngoại hối của các nền kinh tế mới nổi tăng nhanh nhất kể từ năm 2008 khi chính phủ của họ phải sử dụng nhiều đô la Mỹ và các ngoại tệ khác để trả chi phí nhập khẩu nhiên liệu và thực phẩm đang tăng cao cũng như để bảo vệ giá trị tiền tệ của họ trước sự trỗi dậy của đồng bạc xanh. Điều này làm gia tăng rủi ro vỡ nợ khắp các nền kinh tế dễ tổn thương nhất thế giới.

Ngân hàng trung ương Sri Lanka về cơ bản đã hết nguồn dự trữ đô la. Ảnh: newscutter.lk

Dự trữ ngoại hối của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển giảm 379 tỉ đô la  trong năm nay, tính đến tháng 6, theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nếu không tính đến ảnh hưởng của biến động tỷ giá hối đoái và mức nắm giữ ngoại hối lớn của Trung Quốc và các nước xuất khẩu dầu mỏ vùng Vịnh, các thị trường mới nổi đang chứng kiến ​​dự trữ ngoại hối giảm mạnh nhất kể từ năm 2008, theo Ngân hàng JPMorgan Chase.

Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang sử dụng dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng tiền của họ trước sự tăng giá mạnh mẽ của đồng đô la Mỹ và để trang trải các hóa đơn nhập khẩu thực phẩm và nhiên liệu, vốn đang đắt đỏ hơn. Trong khi các thị trường mới nổi lớn hơn như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil có vị thế tốt để vượt qua cơn
bão nhờ kho dự trữ ngoại hối khổng lồ, các nền kinh tế mới nổi khác đang chứng khiến dự trữ ngoại hối của họ cạn kiệt qua mỗi ngày.

Sri Lanka, quốc gia không trả được nợ trái phiếu ở nước ngoài vào tháng 5, về cơ bản đã hết nguồn dữ trữ đô la Mỹ mà họ cần để trả cho nhiên liệu và các mặt hàng nhập khẩu cơ bản khác. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), tình trạng thiếu ngoại tệ trầm trọng cũng đang diễn ra ở Nigeria, nơi ngân hàng trung ương đã chặn các hãng hàng không nước ngoài chuyển 464 triệu đô la về nước họ trong nỗ lực tiết kiệm đô la Mỹ.

Các nhà kinh tế cảnh báo Pakistan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Ghana có nguy cơ xảy ra khủng hoảng tiền tệ tương tự.

Brad Setser, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) và là cựu cố vấn của Đại diện Thương mại Mỹ, cho biết: “Có một rủi ro ngay trước mắt ở một số nền kinh tế mới nổi. Đây là những nước không có đủ dự trữ ngoại hối ngay từ đầu. Họ đang sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối của mình vì họ đã mất khả năng tiếp cận các nguồn tài chính. Rõ ràng là họ đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tiền tệ hoặc khủng hoảng nợ nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài”.

Trong suốt năm nay, các nhà đầu tư nói rằng họ ít thấy nguy cơ xảy ra khủng hoảng lan rộng, với căng thẳng chỉ tập trung ở một số nền kinh tế mới nổi có các vấn đề kinh tế và chính trị kéo dài dai dẳng.

Nhưng sức ép dường như đang lan ra bên ngoài những nền kinh tế này. Chẳng hạn, Cộng hòa Czech đã sử dụng 15% dự trữ ngoại hối trong năm nay và Hungary cũng ghi nhận dự trữ ngoại hối giảm 19%, theo nhà cung cấp dữ liệu kinh tế CEIC. Cả hai nước này đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của chiến sự tại Ukraine và việc Moscow cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt sang châu Âu. Tiền tệ của Hungary đã giảm gần 30% so với đồng đô la trong năm nay.

Các ngân hàng trung ương lưu trữ đô la Mỹ, euro, yen và các ngoại tệ mạnh khác như công cụ bảo vệ an toàn tài chính. Họ có thể bán những khoản dự trữ đó khi muốn nâng cao giá trị đồng tiền của họ hoặc sử dụng chúng để giúp các công ty trong nước thanh toán hàng nhập khẩu hoặc thanh toán nợ trái phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Alejandro Arevalo, trưởng bộ phận nợ các thị trường mới nổi tại Công ty Jupiter Asset Management, cho biết các nước mới nổi đang chứng kiến nhiều khó khăn ập đến cùng một lúc.

Đồng đô la Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 20 năm, buộc các ngân hàng trung ương phải bán dự trữ ngoại hối trong nỗ lực ngăn chặn sự mất giá của đồng tiền của họ. Các ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi cũng tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm qua, nhưng điều đó không ngăn được dòng tiền ngoại tệ tháo chạy, gây áp lực lên đồng tiền của họ.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu toàn cầu trên thực tế đã “đóng băng” đối với nhiều quốc gia đang phát triển, cắt họ khỏi một kênh quan trọng để huy động vốn. Arevalo nói: “Khu vực châu Phi cận Sahara đối mặt rủi ro lớn nhất, bởi vì nhiều nước ở khu vực này có dữ trự ngoãi hối ở mức thấp”. Ông cho biết thêm rằng nhu cầu mạnh mẽ trước đây từ các nhà đầu tư nước ngoài đối với các khoản nợ ở thị trường mới nổi có rủi ro cao hơn đã cạn kiệt.

Sự gia tăng giá hàng hóa làm trầm trọng thêm tổn thương ở các quốc gia nghèo và khiến các ngân hàng trung ương của họ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn về cách sử dụng nguồn dự trữ ngoài hối còn lại ít ỏi của họ.

Nhà nghiên cứu Setser nói: “Các quốc gia như Ai Cập và Pakistan không rơi vào tình trạng khủng hoảng tệ hại như Sri Lanka, nhưng cả ha nước đều đang sử dụng nguồn dự trữ hạn chế còn lại của mình để thanh toán cho thực phẩm và nhiên liệu nhập khẩu”.

Dự trữ ngoại hối của Ai Cập giảm 26% trong năm nay, xuống còn 24 tỉ đô la vào cuối tháng 7, theo dữ liệu của CEIC. Số tiền đó chỉ đủ để chi cho hơn 3 tháng hóa đơn nhập khẩu. Ai Cập đang chịu áp lực phá giá tiền tệ lần thứ hai trong năm nay. Các nhà kinh tế cho biết ngân hàng trung ương của Ai Cập đang kiểm soát giá trị của đồng nội tệ, thay vì thả nổi, một thực hành chính sách ngày càng trở nên tốn kém khi đồng đô la Mỹ tăng giá. Chính phủ Ai Cập đang đàm phán với IMF về một khoản vay nhưng cho đến nay dường như không muốn cho phép đồng nội tệ giảm giá thêm.

Theo David Hauner, nhà kinh tế thị trường mới nổi tại Ngân hàng Bank of America, các nước nhập khẩu thực phẩm và năng lượng lớn không muốn tỷ giá hối đoái suy yếu vì điều này rất nhạy cảm về mặt chính trị. Ông nói: “Lạm phát đã quá cao, và việc phá giá đồng nội tệ sẽ khiến hàng nhập khẩu đắt hơn”.

Pakistan và Ghana đang đàm phán các gói giải cứu với IMF khi dự trữ ngoại hối của họ lần lượt giảm 33% và 29% trong năm nay, theo CEIC. Setser cho biết: “Sri Lanka là một ví dụ minh họa cho rủi ro khủng hoảng nợ khi tiếp cận IMF quá muộn, có thể khiến một nước đi đến mức hoàn toàn không còn nguồn dự trữ ngoại hối để sử dụng”.

Theo WSJ

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới