Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chi phí vận chuyển container từ Á sang Âu lần đầu tiên vượt 10.000 đô la

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chi phí vận chuyển container từ Á sang Âu lần đầu tiên vượt 10.000 đô la

Khánh Lan

(KTSG Online) – Chi phí vận chuyển hàng hóa trên tàu container từ châu Á sang châu Âu lần đầu tiên tăng vọt lên mức hơn 10.000 đô la Mỹ, cho thấy mức độ tổn thương lớn của các nhà xuất khẩu và nhập khẩu vốn đang chật vật ứng phó với tình trạng căng cứng của các chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Chi phí vận chuyển container từ Á sang Âu lần đầu tiên vượt 10.000 đô laHôm 27-5, Công ty tư vấn Drewry Shipping Consultants công bố chỉ số giá cước vận chuyển container thế giới cho thấy, chỉ số giá cước vận chuyển container tổng hợp của 8 tuyến đường biển chính của thế giới tăng 2% so với tuần trước, lên mức 6.257 đô la, cao hơn 293% so với cách đây một năm.

Riêng cước phí vận chuyển container 40 foot từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến  Rotterdam (Hà Lan) tăng lên mức 10.174 đô la Mỹ, cao hơn 3,1% so với tuần trước và nhảy vọt 485% so với cách đây một năm. Cả hai con số giá cước trên đều đang ở mức cao nhất trong lịch sử.

Dữ liệu của Công ty tư vấn Drewry Shipping Consultants cho thấy cước phí vận chuyển container ở 8 tuyến đường biển chính của thế giới đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Hellenic Shipping News

Theo dữ liệu của Drewry Shipping Consultants, trong giai đoạn 2016-2020, chỉ số giá cước vận chuyển container thế giới chưa bao giờ vượt quá 3.000 đô la.

Tại Mỹ và nhiều nơi khác, nhiều chủ hàng cũng phải trả hơn 10.000 đô la để thuê vận chuyển một container trên thị trường giao ngay vốn đang thắt chặt, nơi các hợp đồng với các hãng tàu bao gồm những khoản phụ phí lớn để bảo đảm giao hàng đúng thời gian.

Dữ liệu của hãng tư vấn thị trường vận tải biển Xeneta cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2021, cước phí vận chuyển container của tất cả các tuyến vận tải biển chính đều tăng. Giá cước vận tải container tăng vọt vì nhu cầu vượt xa lượng container 20 và 40 foot có sẵn để vận chuyển hàng hóa.

Giữa lúc nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng phương Tây tăng cao, các doanh nghiệp chạy đua bổ sung kho hàng, hàng loạt gián đoạn hàng hải từ vụ kênh đào Suez bị nghẽn hồi tháng 3 cho đến tình trạng tắc nghẽn ở các cảng lớn đã gây ra các trì hoãn giao hàng, khiến chi phí tăng lên đối với các chủ hàng, nhưng lại giúp lợi nhuận của các hãng vận tải biển tăng vọt.

Các hãng vận tải biển chứng kiến lợi nhuận tăng vọt nhờ cước phí vận chuyển container cao kỷ lục. Ảnh: Ajot

Hôm 27-5, Michael O’Sullivan, Giám đốc điều hành hãng bán lẻ thời trang Burlington Stores, có trụ sở ở bang New Jersey (Mỹ) cho biết: “Các bất lợi về chi phí trong chuỗi cung ứng và vận tải biển tiếp tục nghiêm trọng hơn và điều này có thể gây sức ép cho biên lợi nhuận hoạt động của chúng tôi”.

Trong khi đó, cổ phiếu của hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, Maersk (Đan Mạch) tăng lên mức kỷ lục trong tuần này. Trong quí 1, Maersk ghi nhận mức lợi nhuận ròng 2,7 tỉ đô la, gần bằng mức lãi ròng 2,9 tỉ đô la của cả năm 2020.

Cổ phiếu của ZIM Integrated Shipping Services (Israel), một trong 20 hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, đang giao dịch ở mức giá 46,4 đô la, cao gấp 3 lần so với mức giá chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của hãng này vào hồi đầu năm.

Patrik Berglund, Giám đốc điều hành hãng tư vấn thị trường vận tải biển Xeneta nhận định, khi các nước dần thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 và các hãng tàu, các cảng cải thiện công suất, cước phí vận tải biện sẽ giảm. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng trong ngắn hạn, các hãng tàu vẫn cầm trịch thị trường.

Berglund cho rằng tình trạng thiếu công suất vận tải biển và tác động của đại dịch Covid-19 cùng với các sự kiện khó lường như vụ tắc nghẽn kênh đào Suez đang bóp nghẹt các chuỗi cung ứng. Điều này khiến các chủ hàng bị lép vế hoàn toàn trong các cuộc thương lượng với các hãng tàu. Và ngay cả khi hợp đồng đã được ký kết, hàng hóa cũng có thể không được bốc lên tàu như kế hoạch do thiếu công suất hoặc do các hãng tàu sẵn sàng phá vỡ hợp đồng để tận dụng mức giá cước cao ngất ngưỡng trên thị trường giao ngay.

Hiệp hội vận tải biển quốc tế Bimco cho biết cước phí vận tải biển tăng cao đã thúc đẩy các hãng tàu đặt đóng hàng loạt tàu mới trong 5 tháng đầu năm nay với tổng công suất vận tải 2,2 triệu TEU (TEU đơn vị đo sức chứa hàng hóa tính theo container 20 foot chuẩn với 1 TEU tương đương 1 container 20 foot). Con số này tăng hơn 12 lần so với tổng công suất 184.245 TEU của những tàu được đặt đóng trong 5 tháng đầu của năm ngoái và cao hơn 60% so với mức kỷ lục được thiết lập vào năm 2015.

Theo Maritime-Executive, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới