Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chỉ số giá tháng 10 tăng 0,49%

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chỉ số giá tháng 10 tăng 0,49%

Minh Tâm

(TBKTSG Online) – Không có nhóm hàng nào tăng giá đột biến, chỉ số giá ở các địa phương đều tăng ở mức vừa phải nên tính chung chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 trên địa bàn cả nước được ghi nhận tăng 0,49% so với tháng 9.

>> TPHCM: Đà tăng CPI chậm lại

Chỉ số giá tháng 10 tăng 0,49%
Diễn biến của chỉ số giá từ đầu năm đến nay. Đồ họa theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Số liệu thống kê vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 24-10 cho thấy 9/11 nhóm hàng tăng giá trong tháng 10 và không có nhóm hàng tăng giá đột biến lên hàng chục phần trăm như nhóm giáo dục của tháng trước.

Tăng cao nhất trong tháng 10 là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với 0,86%. Trong đó, cả ba nhóm mặt hàng của nhóm này đều tăng giá. Lương thực tăng 0,91%; thực phẩm tăng 1,04% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,25% so với tháng 9.

Đợt bão lũ liên tiếp vừa qua tác động mạnh lên giá lương thực, thực phẩm ở một số địa phương, nằm trong thời gian lấy số liệu của chỉ số giá tháng 10 nhưng chỉ số giá của các nhóm hàng này lại được ghi nhận tăng không quá lớn.

Chẳng hạn, tại Đà Nẵng, địa phương gánh hai cơn bão số 10 và 11 liên tiếp, hàng ăn và dịch vụ ăn uống được ghi nhận tăng 1,19% so với tháng 9 với lương thực tăng 0,38%; thực phẩm tăng 1,9% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,24%. Tương tự, các chỉ số này tại Thừa Thiên Huế, một địa phương khác chịu ảnh hưởng của bão lũ lần lượt là 1,15%; 1,12%; 1,28% và 0,72%.

Trở lại với số liệu thống kê, do hàng ăn và dịch vụ ăn uống là nhóm có quyền số lớn nhất (chiếm trên 40%) trong rổ hàng hóa tính CPI nên với mức tăng 0,86% như đã nói ở trên là tác nhân chính đẩy CPI trung bình tháng này tăng 0,49%.

Bởi lẽ, các nhóm hàng hóa được ghi nhận tăng giá còn lại có mức tăng khá thấp, dao động từ 0,1 đến 0,5%. Ví dụ, đồ uống- thuốc lá tăng 0,12% so với tháng 9; may mặc- mũ nón- giày dép tăng 0,35%; nhà ở- vật liệu xây dựng, điện nước tăng 0,5%…

Điều đó phần nào phản ánh sức mua trên thị trường, sau những dịp như khai giảng năm học mới, nghỉ lễ Quốc khánh… có phần chững lại.

Ngay cả hai nhóm đã có mức tăng đột biến trong các tháng trước là giáo dục và thuốc, dịch vụ y tế  thì trong tháng này cũng được ghi nhận chỉ tăng lần lượt là 0,53% và 0,1% so với tháng 9. Tại từng địa phương cũng không ghi nhận con số nào đột biến.

Hai nhóm hàng hóa giảm giá trong tháng này tiếp tục là giao thông và bưu chính viễn thông. Mức giảm lần lượt là 0,17% và 0,03%.

Như vậy, qua 10 tháng, chỉ số giá đã tăng 5,14%. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng là 5,92%.

Tính theo khu vực, thành thị có mức tăng chỉ số giá thấp hơn nông thôn khi CPI tính chung ở hai khu vực lần lượt là 0,42% và 0,54%.

Còn xét theo địa phương, tháng này các tỉnh, thành phố có mức tăng chỉ số giá khá đồng đều và đều dưới mức 1%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới