Thứ năm, 7/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp giúp tránh được “lạm phát đình đốn”

Hoàng Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lạm phát dự kiến ở mức 1,9% trong năm 2021 sẽ giúp Việt Nam sẽ tránh được nguy cơ “lạm phát đình đốn” - kinh tế đi xuống trong bối cảnh lạm phát đi lên.

Tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2021, dự báo và xây dựng phương án điều hành giá năm 2022, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, trưởng nhóm giúp việc – cho biết dịch Covid-19 dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng, vấn đề địa chính trị giữa các quốc gia, sự thiếu hụt nguồn nguyên nhiên vật liệu và chất bán dẫn nửa cuối năm đã ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng thế giới năm 2021.

Nhưng nhờ chủ động, linh hoạt trong điều hành, lạm phát dự kiến được kiểm soát ở mức 1,9%, hoàn thành mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra là kiểm soát lạm phát dưới 4% còn lạm phát cơ bản năm 2021 dự báo khoảng 0,8-0,9%.

Giá lương thực không tăng mạnh như giai đoạn trước dịch giúp lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức thấp. Ảnh: Thiện Võ.

Tương tự dự báo của nhóm giúp việc, bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán SSI - cho rằng lạm phát năm nay chỉ trong khoảng 1,8-2%, mức thấp nhất trong 5 năm vừa qua.

Theo bà Phương, dường như lạm phát chưa đến Việt Nam khi nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố, cũng như ước tính cả năm chênh lệch khá lớn so với CPI với các quốc gia trên thế giới.

Trước đó, CPI tháng 11-2021 tại Việt Nam chỉ tăng 0,32% so với tháng trước. Còn CPI bình quân 11 tháng năm 2021 tăng 1,84% so với cùng giai đoạn năm trước, mức tăng bình quân 11 tháng thấp nhất kể từ năm 2016.

Tại Anh, CPI tháng 11 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn nhiều so với mức 4,2% trong tháng 10, theo CNBC. Đây là mức cao nhất trong một thập niên qua và cao hơn 2 lần so với mục tiêu của ngân hàng trung ương ước này.

Tại Mỹ, CPI tháng 11-2021 tăng lần lượt 0,8% so với tháng 10 và 6,8% so với cùng kỳ năm 2020 - mức tăng cao nhất kể từ năm 1982, theo Bloomberg. Đáng lưu ý, lạm phát tại quốc gia này đã duy trì mức tăng trên 5% liên tục trong nửa năm qua.

Lý giải kết quả, nhóm giúp việc cho biết đã thực hiện tốt cơ chế phối hợp, làm cơ sở công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng và Phó thủ tướng những chủ trương, định hướng lớn về quản lý, điều hành giá trong từng thời kỳ để dự báo và xây dựng kịch bản điều hành giá trong ngắn, trung và dài hạn.

Ngoài ra, công tác tổng hợp, phân tích, dự báo ngày càng có vai trò quan trọng nhất là việc tính toán, xây dựng kịch bản lạm phát, kịch bản điều hành giá phù hợp, làm cơ sở cho việc đưa ra các đề xuất, kiến nghị điều hành phù hợp trong từng thời điểm từng giai đoạn.

Về phía các chuyên gia, bà Hoàng Việt Phương cho biết cấu trúc rổ hàng hóa của Việt Nam để tính CPI mang tính chất đặc thù khi hàng hoá và dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng hơn 35%, trong khi rổ hàng hóa của quốc gia phát triển với nhà ở và giao thông chiếm tỷ trọng gần 60%, còn hàng hoá và dịch vụ ăn uống chỉ chiếm hơn 15%.

Ngoài ra, con số giải ngân thực tế của các gói hỗ trợ chỉ ở mức 2% GDP - thấp hơn khoảng 8% so với các quốc gia khác - cũng khiến mức tăng của chỉ số lạm phát thấp hơn.

Bên cạnh đó, sự mạnh lên của đồng Việt Nam trong năm 2021 cũng góp phần hạn chế việc nhập khẩu lạm phát.

Còn TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV - cho rằng có 4 nguyên nhân khiến giá cả trong nước tăng chậm so với thế giới.

Thứ nhất, sức sản xuất, sức cầu của nền kinh tế còn yếu khiến áp lực chi phí chậm chuyển thành áp lực lạm phát. Cụ thể, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh 10 tháng đầu năm 2021 tăng 16%, tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2020 dù đã so với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2020.

Thứ hai, xu hướng tăng chậm lại của cung tiền. Theo đó, M2 hết 10 tháng đầu năm 2021 so với đầu năm ước tăng khoảng 7% so với mức tăng 9,5% cùng kỳ.

Còn vòng quay tiền chỉ ở mức 0,6 lần - tương đương năm 2020, thấp hơn mức 1 lần ở thời điểm cuối năm 2016.

Thứ ba, nhóm hàng hóa thiết yếu ngoài lõi gồm lương thực, thực phẩm, điện nước, nhà ở và vật liệu xây dựng không tăng mạnh như giai đoạn trước dịch, một số mặt hàng còn giảm nhẹ nhờ nguồn cung dồi dào.

“Đây là tác động trực tiếp khiến lạm phát tổng thể khó tăng mạnh. Trong điều kiện bình thường, sự tăng giá của nhóm hàng hóa ngoài lõi sẽ tác động trực diện, tác động vòng 2,3 khiến lạm phát tổng thể tăng mạnh, nhất là nhóm giao thông”, ông Lực phân tích.

Thứ tư, dù giá nguyên liệu đầu vào tăng khá mạnh, nhưng giá bán (đầu ra – PV) chưa thể tăng tương ứng do sức cầu yếu. Theo đó, nhiều doanh nghiệp, người bán hàng sẵn sàng giữ nguyên hoặc giảm giá để kích cầu, chấp nhận biên lợi nhuận giảm.

Ông Lực cho rằng, CPI tăng thấp trong bối cảnh tăng trưởng GDP năm 2021 dự báo cũng ở mức thấp (khoảng 2% - PV), Việt Nam sẽ tránh được nguy cơ “lạm phát đình đốn” - kinh tế đi xuống trong bối cảnh lạm phát đi lên.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng dự báo Việt Nam sẽ chịu áp lực lạm phát lớn trong năm 2022 khi độ trễ tác động của chính sách tiền tệ - tài khóa nới lỏng giai đoạn 2020-2021 sẽ rõ nét hơn.

Điều này, theo ông Lực, khiến khả năng điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá điện, nước, y tế, giáo dục có thể xảy ra, tạo áp lực tăng lạm phát đáng kể đối với Việt Nam.

Ngoài ra, việc triển khai Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 cũng sẽ là một tác nhân tăng cung tiền và gia tăng lạm phát 2 năm đó và có thể cả năm tiếp theo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới