Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,21%
Minh Tâm
![]() |
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,21% so với tháng 2. Trong ảnh: mua sắm tại một siêu thị tại quận 7, TPHCM. Ảnh: Minh Tâm |
(TBKTSG Online) – Theo ghi nhận của cơ quan thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,21% so với tháng 2 dù có 8/11 nhóm hàng tăng giá, có nhóm tăng giá tới 7,51%.
Số liệu thống kê vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng nay, 29-3 cho thấy, trong tháng có hàng loạt lực đẩy lên CPI.
Đáng kể nhất là lực đẩy từ nhóm thuốc và dịch vụ y tế khi chỉ số giá tháng 3 tăng tới 7,51% (trong đó dịch vụ y tế tăng 9,86%).
Nguyên nhân được xác định là có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế.
Mức tăng này của nhóm thuốc và dịch vụ y tế làm CPI chung tăng khoảng 0,38%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ quí 1 tăng 6,2% Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng qúi 1 năm 2017 ước tính đạt 921.100 tỉ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá thì mức tăng là 6,2% – thấp hơn quí 1 năm ngoái (tăng 7,5%). Trong số này, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 689.500 tỉ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Có nhiều ngành được ghi nhận doanh thu tăng, chẳng hạn như lương thực, thực phẩm tăng 10,4%; may mặc tăng 8,8%; phương tiện đi lại tăng 8,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,3%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 3,4%. |
Lực đẩy tiếp theo đến từ nhóm giáo dục. Việc thực hiện lộ trình tăng học phí tại Thanh Hóa đã làm nhóm này tăng 0,75% (trong đó dịch vụ giáo dục tăng 0,87%) so với tháng 2.
Nhóm giao thông trong tháng 3 được ghi nhận tăng 0,39% do tác động của đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu từ 230 đến 500 đồng/lít hôm 18-2 (nằm trong kỳ lấy số liệu của chỉ số giá tháng 3). Mức tăng này làm CPI chung tăng khoảng 0,04%.
Các lực đẩy khác đến từ nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 0,5% so với tháng 2 khi giá vật liệu tăng 0,53%; giá nước sinh hoạt tăng 0,43%; giá điện sinh hoạt tăng 0,26%); nhóm thiết bị và đồ gia đình gia đình (tăng 0,06%); văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 0,04%); bưu chính viễn thông (tăng 0,03%).
Tuy vậy, CPI chung tháng 3 lại được kéo xuống nhờ việc giảm giá của một số nhóm hàng, trong đó có nhóm chiếm quyền số cao nhất trong rổ tính là hàng ăn và dịch vụ ăn uống.
Tháng này, hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm tới 0,87% so với tháng trước khi các thành tố trong nhóm biến động giá mạnh. Trong khi lương thực tăng 0,16% thì thực phẩm lại giảm tới 1,22% và ăn uống ngoài gia đình giảm 0,49%.
Tính chung, CPI tháng 3 tăng 0,21% so với tháng 2. So với tháng 12-2016, mức tăng là 0,9% và tăng 4,65% so với cùng kỳ năm trước.
CPI bình quân quí 1 tăng 4,96% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Lạm phát cơ bản (theo thước đo CPI loại trừ nhóm lương thực – thực phẩm; năng lượng và mặt hàng do nhà nước quản lý là dịch vụ y tế và giáo dục) tháng 3-2017 không đổi so với tháng trước và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2017 tăng 1,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Xét theo khu vực, chỉ số giá tại thành thị tháng này tăng 0,13%, thấp hơn mức 0,28% của nông thôn.
Còn xét theo địa phương, hầu hết các tỉnh thành trong tháng này đều ghi nhận chỉ số giá giảm. Trong đó, TPHCM giảm 0,09%; Hà Nội giảm 0,06%; Đà Nẵng giảm 0,03%…
Xem thêm: