Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng thấp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng thấp

Minh Tâm

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng thấp
Tháng này, nhóm giao thông biến động giá cả hai chiều: tăng và giảm nên chỉ số giá của nhóm này tăng không đáng kể, không đẩy CPI tăng mạnh như tháng trước. Ảnh: Minh Tâm.

(TBKTSG Online) – Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của cả nước được cơ quan thống kê ghi nhận là tăng thấp, 0,13% so với tháng 6 khi không có mặt hàng nào tăng giá đột biến.

Số liệu thống kê vừa được Tổng cục Thống kê công bố hôm nay, 24-7, cho thấy, tháng này có 10/11 nhóm hàng trong rổ tính CPI tăng giá nhưng mức tăng dưới 0,3% và 1 nhóm hàng giảm giá nên tính chung, CPI cả tháng chỉ tăng ở mức 0,13% như đã nói ở trên.

Cụ thể, tăng cao nhất trong tháng này là nhóm may mặc-mũ nón-giày dép với mức tăng 0,25%; kế đến là nhóm vật liệu xây dựng-nhà ở-điện nước-chất đốt (0,22%); đồ uống thuốc lá (0,18%)… so với tháng 6.

Nhóm chiếm quyền số lớn nhất (khoảng 40%) trong rổ tính là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng này tăng 0,15% so với tháng 6 sau khi đã giảm rất nhẹ vào tháng trước, trong đó, lương thực tiếp tục giảm 0,38% còn thực phẩm tăng 0,24% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,1%.

Nhóm giao thông, nhóm đã tăng giá rất mạnh trong tháng trước, được ghi nhận chỉ tăng 0,16% so với tháng 6 khi giá của mặt hàng nhiên liệu, thành tố quan trọng trong nhóm có tăng có giảm trong chu kỳ lấy giá (xăng tăng 280 đồng/lít rồi giảm 330 đồng/lít hôm 4-7 còn các mặt hàng dầu đã có hai lần giảm giá liên tiếp).

Ở chiều hướng ngược lại, tháng này chỉ có một nhóm hàng giảm giá là bưu chính viễn thông với mức giảm rất nhẹ là 0,02% so với tháng 6.

Tính chung, CPI tháng 7 tăng 0,13% so với tháng 6; tăng 0,68% so với tháng 12-2014 và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Qua 7 tháng, CPI tăng bình quân 0,86% so với cùng kỳ.

Lạm phát cơ bản (loại trừ yếu tố tăng giá của mặt hàng lương thực, năng lượng và mặt hàng do nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục) của tháng 7 được ghi nhận tăng 0,13% so với tháng 6, và tăng 2,04% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua 7 tháng, mức tăng là 2,22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng này, mức độ tăng giá ở khu vực thành thị thấp hơn nông thôn, lần lượt là 0,12% và 0,14% so với tháng trước.

Xét theo tỉnh thành, trong tháng này, chỉ số giá tại tất cả các địa phương đều tăng. Trong đó, tăng cao hơn mức trung bình của cả nước có Hà Nội (tăng 0,18%); Khánh Hòa (tăng 0,17%); Đà Nẵng (0,32%)…

Tháng trước, CPI tăng 0,35% so với tháng 5 do tác động của việc tăng giá xăng và các sản phẩm liên quan.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới