Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chỉ số xanh PGI góp phần ‘xanh hóa’ môi trường của địa phương ra sao?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Phát triển xanh, bền vững là xu hướng kinh tế tất yếu mà các địa phương cần phải theo. Để hạn chế các dự án đầu tư có nguy cơ gây tổn hại môi trường ngay từ các khâu tiếp nhận duyệt dự án, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã công bố Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) và xem đây như một công cụ sàng lọc, góp phần làm xanh hóa môi trường sản xuất và kinh doanh của các địa phương.

Chị Vũ Mỹ Hạnh (đeo kính), Giám đốc Công ty giải pháp môi trường REED và Green Youth Collective, giới thiệu cách trồng cây theo phương pháp hữu cơ cho các chủ doanh nghiệp. Ảnh: Nhân Tâm

Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam đang tạo ra các thách thức rất lớn về ô nhiễm môi trường, nhất là khi Việt Nam theo đuổi mục tiêu đến năm 2030 trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao và thuộc nhóm quốc gia có thu nhập cao trên thế giới vào năm 2045.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng Ban pháp chế của VCCI đã nhấn mạnh điều này ở cuộc hội thảo “Vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và giới thiệu chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI)” tại tỉnh Trà Vinh mới đây.

Đối mặt với những thách thức

Việt Nam đứng trước những thách thức liên quan đến chuyện quản trị môi trường khi mà mô hình tăng trưởng có nhược điểm chung là tiêu tốn nhiều năng lượng đầu vào trong khi các biện pháp kiểm soát chất lượng phát triển, chất lượng môi trường chưa được thực thi hiệu quả dẫn tới những sự cố ô nhiễm, như câu chuyện nhiệt điện than.

Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 và Kết luận 56 năm 2019 của Bộ Chính trị, Chính phủ cũng có nhiều chương trình, chính sách quan trọng, như Nghị quyết 136/NQ-CP năm 2020 về phát triển bền vững; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 trên cơ sở thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 đã được ban hành trước đó.

Việt Nam cũng tham gia nhiều hiệp định, các cam kết quốc tế liên quan đến bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Trong đó, Việt Nam là thành viên tích cực tham gia trong các cam kết liên quan đến giảm phát thải ròng khí nhà kính tại COP26; tham gia các cam kết để chuyển đổi năng lượng xanh…

Chính quyền địa phương cũng có thể đưa ra chính sách trong thẩm quyền và nguồn lực để hỗ trợ các dự án đầu tư theo hướng xanh hơn. PGI sẽ là tiêu chí giúp sàng lọc các dự án đầu tư để các địa phương tham khảo khi tiếp nhận dự án đầu tư.

Rõ ràng, mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là hướng đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, như ông Thạch chỉ ra rằng, chính sách của trung ương đưa ra là hết sức quan trọng, nhưng để phát huy được trên thực tế, thì phụ thuộc vào cấp địa phương, bao gồm cả cơ quan chính quyền, các cơ quan liên quan và nhất là cộng đồng doanh nghiệp.

Theo kết quả nghiên cứu thực tế của VCCI, các địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện chính sách của trung ương. Thứ nhất, chưa có đủ thông tin, dữ liệu từ thực tiễn để trên cơ sở đó xây dựng được các chương trình, kế hoạch, hành động.

Thứ hai, chính sách từ Trung ương đưa ra khá nhiều, nhưng cơ quan thực hiện ở địa phương cũng cần phải xây dựng được những chính sách mang tính tổng thể, tránh những trùng lặp về mục tiêu cũng như hành động để có thể đạt hiệu quả tốt nhất.

PGI tham gia vào “xanh hóa” môi trường

Một trong những giải pháp được VCCI kỳ vọng sẽ giúp giải quyết những khó khăn ngay tại địa phương là sáng kiến xây dựng Chỉ số Xanh cấp tỉnh PGI. Bộ chỉ số PGI – do VCCI khởi xướng và được hỗ trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) – xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam để tập trung hỗ trợ chính quyền các địa phương xử lý những thách thức đang gặp phải về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu.

Đồng thời, góp phần xây dựng mô hình tăng trưởng một cách bền vững ở Việt Nam trên cơ sở tạo ra cơ chế hợp tác giữa chính quyền cùng các bên có liên quan, nhất là cộng đồng doanh nghiệp.

Với cách tiếp cận từ thực tiễn của Việt Nam, do đó PGI được thiết kế theo hướng địa phương có thể dễ dàng lựa chọn, xác định và triển khai các biện pháp cải cách để nâng cao chất lượng quản trị môi trường.

“Các chỉ tiêu cấu thành PGI được thiết kế theo hướng dễ hành động, tương tự như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI tiến hành nghiên cứu, công bố từ năm 2005”, ông Thạch cho biết.

PGI sẽ cung cấp thông tin, dữ liệu hữu ích đối với các nỗ lực cải cách ở địa phương, giúp xác định được các thực tiễn tốt ở địa phương để lan tỏa trong quá trình thực hiện cũng như khắc phục được những yếu kém. “Đây sẽ là công cụ hữu ích, hỗ trợ chính quyền các địa phương trong các hoạt động chỉ đạo điều hành”, theo lời ông Thạch.

Còn với doanh nghiệp và nhà đầu tư, PGI cung cấp các tham khảo hữu ích trong quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh tại địa phương, giúp nắm bắt được chủ trương, ưu tiên của chính quyền. Đồng thời, với các chính sách của địa phương đưa ra được đo lường qua PGI, sẽ giúp các nhà đầu tư nắm bắt tốt hơn các cơ hội đầu tư kinh doanh.

PGI gồm có bốn chỉ số thành phần và nhiều chỉ tiêu để đo lường, đánh giá. Trong đó, bốn chỉ số thành phần, bao gồm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh và cuối cùng là chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

“Xanh hóa” môi trường: không gian của chính quyền địa phương

Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bắc Ninh, cho biết Bắc Ninh đã có kế hoạch phát triển xanh từ năm 2013 và đến nay vấn đề phát triển xanh vẫn rất quan trọng đối với địa phương này.

Theo ông Phương Bắc, có ba vấn đề địa phương đã đưa ra giải quyết, gồm: thứ nhất, thu hút đầu tư có chọn lọc, mà cụ thể từ năm 2013 Bắc Ninh đã ban hành cả danh mục không khuyến khích đầu tư vào tỉnh. “Đây là cách tiếp cận, mà nhà đầu tư khi nhìn vào danh mục dự án họ khỏi mất công đến thoả thuận, nếu không đáp ứng”, ông Bắc nói.

Thứ hai, giải quyết vấn đề môi trường với các ngành nghề truyền thống ở các khu công nghiệp bằng định hướng cho chuyển sang các khu đô thị. “Sẽ có một phần ba khu công nghiệp sẽ chuyển sang khu đô thị vào năm 2030 theo quy hoạch mới”, ông Bắc cho biết và thông tin, với các ngành nghề từng là niềm tự hào như giấy, thép cũng sẽ có đề án cho kết thúc hoạt động trong giai đoạn 2026-2030.

Thứ ba, phải có những dự án xanh thật sự để tạo hình mẫu để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham khảo khi muốn tham gia vào xu hướng này.

Cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của xu hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh nhưng bà Vũ Kim Chi, Phó trưởng ban thường trực Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh, khẳng định muốn hiện thực hóa chủ trương này đòi hỏi phải có tư duy, tầm nhìn của lãnh đạo trong việc lập quy hoạch.

Tỉnh Quảng Ninh từng là nơi đi đâu cũng thấy than, thậm chí ngay trong lòng thành phố Hạ Long cũng có rất nhiều… than. Nay thì, “trữ lượng than vẫn còn, nhưng chúng tôi đã ứng dụng công nghệ để chuyển khai thác than sạch hơn”, bà Chi cho biết và nhấn mạnh rằng kết quả này xuất phát từ tầm nhìn chiến lược của các nhà lãnh đạo địa phương.

Cụ thể, từ năm 2013, khi xác lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, thì lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã mời đơn vị tư vấn hàng đầu là Công ty TNHH Mckinsey & Company Việt Nam thuộc Tập đoàn tư vấn Mckinsey (Mỹ) triển khai, trong đó, đã xác định “chuyển dịch kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, dựa vào trọng tâm phát triển du lịch và công nghiệp chế biến, chế tạo theo mô hình kinh tế xanh trên cơ sở tham vấn của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới”, bà Chi cho biết và nói rằng, đây là cơ sở tạo dựng được thành công như hiện nay của Quảng Ninh.

Câu chuyện phát triển xanh của hai tỉnh Bắc Ninh và Quảng Ninh cho thấy chính quyền cấp tỉnh giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy các chủ trương bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế. Bởi lẽ, nếu có chính sách tốt, nhưng nếu không được tổ chức thực thi tốt thì khó đạt được hiệu quả như mong muốn.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI, các địa phương có thể làm những điều sau đây: thứ nhất, tổ chức thực thi các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như “sàng lọc” thật kỹ lưỡng các dự án đầu tư.

Thứ hai, đưa bảo vệ môi trường, phát triển bền vững thành những điểm ưu tiên trong các dự án, chương trình mua sắm công của chính quyền địa phương. Điều này rất quan trọng vì nó mang tính định hướng dẫn dắt các doanh nghiệp tại địa phương, nhà đầu tư noi theo.

Thứ ba, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hiểu rõ về chính sách bảo vệ môi trường.

Cũng theo ông Anh Tuấn, chính quyền địa phương cũng có thể đưa ra chính sách trong thẩm quyền và nguồn lực để hỗ trợ các dự án đầu tư theo hướng xanh hơn. “Chúng tôi thấy rằng, không gian của chính quyền địa phương là rất nhiều trong định hướng này”, ông Tuấn nhấn mạnh và cho rằng, PGI sẽ là tiêu chí giúp sàng lọc các dự án đầu tư để các địa phương tham khảo khi tiếp nhận dự án đầu tư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới