Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chìa khóa cho sự phồn vinh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chìa khóa cho sự phồn vinh

Nguyễn Như Khuê (*)

(TBKTSG) – Việt Nam vừa được công nhận là quốc gia có thu nhập trung bình (tức có thu nhập bình quân đầu người từ 1.000-10.000 đô la/ năm). Câu hỏi được đặt ra là chừng nào chúng ta có thể trở thành quốc gia có thu nhập cao?

Đây là vấn đề không đơn giản vì hiện trong số 170 quốc gia trên thế giới thì chỉ có 47 quốc gia (27%) có thu nhập bình quân đầu người trên 10.000 đô la/năm, hơn một nửa (87 quốc gia) có thu nhập trung bình, và 21% là các quốc gia nghèo với thu nhập dưới 1.000 đô la/năm.

Nếu vào năm 1975, các nền kinh tế có dầu hỏa dẫn đầu nhóm các quốc gia có thu nhập cao như các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, Qatar hay Kuwait, thì bây giờ tài nguyên thiên nhiên không còn giúp họ giữ được vị trí đó nữa. Đó là lý do tại sao một quốc gia nhiều tài nguyên như Malaysia sau 30 năm vẫn chưa thoát ra khỏi danh sách các nước có thu nhập trung bình, trong khi những quốc gia như Séc, Ba Lan, Hungary, Slovakia chỉ trong chưa đến 15 năm đã vượt qua Malaysia để vào danh sách các nền kinh tế có thu nhập cao (xem bảng). Yếu tố then chốt ở đây chính là con người và tri thức.

Những yếu tố mới

Trong 200 năm vừa qua, nền kinh tế tân cổ điển đã thừa nhận tầm quan trọng của hai yếu tố chính trong sản xuất là sức lao động và vốn cũng như tài nguyên.

Tri thức, năng suất lao động, trình độ học vấn và chất xám được xem như là những nhân tố ngoại quan, nằm ngoài hệ thống sản xuất.

Với mô hình này, các nhà kinh tế chưa giải thích được nguyên nhân của sự tăng trưởng bền vững và lâu dài của một số nền kinh tế. Vì thế họ đã đề nghị thay đổi mô hình của nền kinh tế tân cổ điển khi công nhận công nghệ và tri thức là một phần tất yếu của hệ thống kinh tế hiện đại.

Tri thức, nền tảng của công nghệ đã trở thành yếu tố thứ ba của sản xuất trong những nền kinh tế tiên tiến. Nhắc tới công nghệ cao là nhắc tới việc sử dụng và hệ thống sản sinh ra tri thức trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Điều này giải thích tại sao có nhiều nền kinh tế, với tài nguyên và lao động giá rẻ dồi dào nhưng vẫn không trở nên giàu có.

Ở các cường quốc kinh tế hiện nay, cán cân giữa tri thức và tài nguyên đã nghiêng về phía tri thức. Tri thức đã trở thành yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng cuộc sống, hơn cả đất đai, công cụ sản xuất và sức lao động. Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, tri thức là hình thái cơ bản của vốn. Tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy qua sự tích lũy vốn tri thức.

Tri thức và công nghệ mới không chỉ có sức bật một lần, mà còn có thể tạo nên nền tảng cho những sáng tạo khác, tạo ra sự phát triển bền vững. Lợi nhuận có được qua độc quyền từ những phát minh là quan trọng trong việc khuyến khích các công ty đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Bởi thế muốn phát triển công nghệ, luật pháp cần phải nghiêm minh để đảm bảo lợi ích lâu dài cho những người đầu tư trong lĩnh vực này.

Thêm vào đó, công nghệ giúp tăng nhanh tốc độ hoàn vốn (lợi nhuận đầu tư), điều đó lý giải tại sao những quốc gia phát triển có thể tăng trưởng bền vững và tại sao những nước có nền kinh tế đang phát triển mặc dù có nguồn lao động dồi dào, nguồn vốn phong phú nhưng vẫn không thể đạt được sự tăng trưởng trên. Lý thuyết tăng trưởng hiện đại chỉ ra rằng, ảnh hưởng của tri thức trên nền tảng công nghệ sẽ dẫn đến gia tăng hơn là hạn chế lợi nhuận từ đầu tư cho công nghệ.

Nhưng tăng trưởng sản lượng quốc gia bền vững không phải muốn là được. Để có đầu tư vào công nghệ, phải có khả năng về vốn con người. Đó chính là sự giáo dục chính quy, đào tạo và phát triển tay nghề tiềm tàng trong chính đội ngũ lao động, từng bước tái cơ cấu nền kinh tế từ dựa trên lao động giá rẻ, giản đơn lên nền kinh tế tri thức.

Tìm và sử dụng tri thức

Vấn đề đặt ra cho những nước nghèo là “đào” đâu ra đội ngũ lao động có tay nghề, có tri thức?

Bốn mươi năm trước, Singapore mở cửa, tạo môi trường cho lao động tri thức nước ngoài vào “làm thầy” của mình và từng bước những bậc “thầy” này đào tạo người tiếp nối họ trở thành lao động tri thức “nội địa”. Israel sử dụng tất cả kiều bào hồi hương từ nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới… Lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc kết hợp lực lượng kiều bào và du học sinh. Trung Quốc thì kết hợp kiều bào và du học sinh hồi hương với đầu tư nước ngoài (mà số lớn là đầu tư của Hoa kiều từ Hồng Kông và Đài Loan)…

Ngày hôm nay lợi thế địa lý, nhân công rẻ và dồi dào, tài nguyên phong phú… không đủ để tạo nên kẻ chiến thắng. Chu trình sáng tạo gạn lọc những ý tưởng trong một nền kinh tế tri thức và sự hiệu quả của nó (tốc độ và chất lượng) sẽ quyết định vị trí của mỗi quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu.

Tất cả các quốc gia, lãnh thổ này đều đạt được những thành công đáng kể. Chỉ sau 20 năm độc lập, từ một hòn đảo không có tài nguyên, Singapore đã có thu nhập đầu người trên 10.000 đô la/ năm!

Không giống như vốn và sức lao động, tri thức tự thân nó là sản phẩm công cộng. Khi tri thức được khám phá và biết đến, nó được sử dụng miễn phí bởi nhiều người. Các công cụ như bảo hộ bí mật kinh doanh, bằng sáng chế, bản quyền, thương hiệu… chỉ có thể mang đến cho người phát minh một  sự bảo hộ giới hạn mà thôi.

Năng lực của một quốc gia trong việc sử dụng những ưu thế từ nền kinh tế tri thức để đi lên giàu có tùy thuộc vào tốc độ quốc gia đó trở thành “nền kinh tế tiếp thu”. Tiếp thu ở đây không chỉ là việc sử dụng công nghệ hiện đại mà còn là sử dụng nó để thông thương với những dân tộc khác trong sáng tạo, tiết kiệm thời gian và tiền bạc, không luẩn quẩn tìm tòi những điều mà nhân loại đã biết, đã đi qua.

Trong nền “kinh tế tiếp thu”, cá nhân, doanh nghiệp và quốc gia sẽ có thể tạo nên sự giàu có tỷ lệ thuận với năng lực tiếp thu và chia sẻ sáng tạo. Ở đây giáo dục chính quy cũng cần phải giảm bớt việc truyền đạt thông tin, mà cần hướng dẫn mọi người làm thế nào để tiếp thu hiệu quả nhất.

Việc chúng ta “loay hoay” với những vấn đề cũ mèm của thế giới như vận tải công cộng, môi trường, giáo dục, quản lý và phát triển công nghiệp, quản lý vệ sinh và an toàn thực phẩm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… phần nào cho thấy những người điều hành nền kinh tế thiếu khả năng tiếp thu và không sở hữu công cụ cần thiết để trao đổi.

Trong khi đó, để trở thành một tập đoàn tri thức, các công ty phải tiếp thu để nhận thức được sự biến chuyển của vốn chất xám trong lĩnh vực kinh doanh của mình và cuối cùng giá trị này sẽ được thể hiện qua trị giá công ty. Vốn chất xám của một công ty chính là tri thức của nhân viên, những bí quyết, tổ chức và quy trình sản xuất cũng như khả năng cải tiến liên tục.

Nói đến nền kinh tế tri thức không thể không nói đến vai trò của công nghệ thông tin. Vì công nghệ thông tin là phương tiện và công cụ làm thăng hoa tiềm năng sáng tạo, tư duy của con người. Công nghệ thông tin là tiền đề của sự thay đổi, nhưng tự bản thân nó không thể tạo nên sự biến đổi trong xã hội. Công nghệ thông tin được đánh giá chính xác nhất như những phương tiện của sự sáng tạo tri thức trong xã hội sáng tạo (OECD, 1996). Những nền kinh tế hiện đại nhìn nhận công nghệ thông tin không chỉ là động cơ của sự thay đổi mà là một công cụ nhằm giải phóng tiềm năng sáng tạo và tri thức tiềm tàng trong mỗi con người.

Sự cạnh tranh được thúc đẩy bởi sự bành trướng về quy mô của thị trường mở ra từ những công nghệ mới. Sản phẩm được hình thành bởi kết quả của các tri thức cao sẽ tạo nên lợi nhuận cao hơn và có tiềm năng phát triển mạnh hơn. Sự cạnh tranh và sự sáng tạo luôn song hành. Sản phẩm và quy trình có thể bị bắt chước một cách nhanh chóng và lợi thế cạnh tranh có thể bị mai một. Tri thức được phổ biến ngày càng nhanh, và để cạnh tranh, các công ty cũng như các nền kinh tế phải có khả năng đổi mới và sáng tạo nhanh hơn so với những đối thủ của mình.

Tìm con đường riêng cho mình

Đối với những quốc gia nhỏ, nếu muốn thành công và phát triển bền vững thì phải nhận thức được mình là một mắt xích của nền kinh tế dựa trên những kết quả tối ưu do mình mang lại cho mắt xích đó, với giá thành và tốc độ hợp lý nhất. Bất kỳ một quốc gia nhỏ nào không thấy được thực tế này thì sẽ bị trừng phạt bởi sự ra đi của vốn (đầu tư) và kế đó là sự mất giá tiền tệ.

Dựa vào những lợi thế trong công nghệ thông tin, những thị trường (và các công ty xuyên quốc gia dựa trên nó) hoạt động tương đối độc lập với hệ thống chính trị của riêng mỗi nước. Điều này dẫn đến toàn cầu hóa tư bản. Vốn đầu tư luôn chạy quanh để tìm những cơ hội đầu tư tốt nhất. Công nghệ thông tin làm tăng tốc quá trình này và giúp nó thành công hơn.

Ngày hôm nay lợi thế địa lý, nhân công rẻ và dồi dào, tài nguyên phong phú… không đủ để tạo nên kẻ chiến thắng. Chu trình sáng tạo gạn lọc những ý tưởng trong một nền kinh tế tri thức và sự hiệu quả của nó (tốc độ và chất lượng) sẽ quyết định vị trí của mỗi quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu. Những nơi đầu tư nhiều cho sáng tạo đi kèm với một hệ thống quản lý hiệu quả và minh bạch sẽ càng có vị trí cao trong bảng điểm đầu tư toàn cầu.

Để tiến lên vị trí những quốc gia có thu nhập cao và cạnh tranh bền vững trong nền kinh tế tri thức, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần gấp rút có chính sách và phải bài bản hơn trong việc sử dụng vốn lẫn chất xám. Chúng ta phải thực tâm rà soát lại những sản phẩm, những quy trình công nghệ, con người, tài sản và làm sinh sôi thêm những tri thức đang có, tiếp thu nhanh chóng tri thức của nhân loại để giải quyết những vấn đề mà nhân loại tiến bộ đã đi qua. Chúng ta phải giải phóng những giá trị tài sản còn tiềm ẩn như tài năng của người lao động, quan hệ tốt với khách hàng, và tri thức tập thể tiềm ẩn trong dân tộc, trong quy trình, trong văn hóa của chúng ta.

____________________

(*) Giám đốc Công ty TNHH RKW Lotus

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới