Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Chìa khóa” nào thúc đẩy phát triển thị trường nông sản?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Chìa khóa” nào thúc đẩy phát triển thị trường nông sản?

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Đàm phán mở cửa và hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường là hai chính sách cực kỳ quan trọng được xem là "chìa khóa" cần thiết phải đẩy mạnh để tạo lối ra cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

Người tiêu dùng nghĩ gì về lá chuối gói thực phẩm thay túi nilon?

“Chìa khóa” nào thúc đẩy phát triển thị trường nông sản?
Trong ảnh là khách hàng chọn mua rau, quả tại một siêu thị. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội nghị “Đầu tư xanh Trà Vinh 2019 – kết nối các nguồn lực đầu tư phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao định hướng thị trường trên nền tảng logistics” được tổ chức tại địa phương này vào hôm nay, 26-4, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn nhấn mạnh: “Phát triển thị trường là câu chuyện hết sức quan trọng đối với nông sản Việt Nam đã được Chính phủ quan tâm trong nhiều năm qua”.

Theo ông, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp khi có đến 50% sản lượng được sản xuất ra phải xuất khẩu, tức có khả năng cung ứng rất lớn. “Vì vậy, phải luôn tìm cách tháo gỡ, khơi thông thị trường để thu được lợi nhuận, tái đầu tư”, ông cho biết và nói rằng xuất khẩu nông sản Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều thành tích, mà cụ thể trong năm 2018 đã vượt hơn 40 tỉ đô la và nằm trong top 15 nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Trong những năm tới, khi bàn đến ngành nông nghiệp, thì câu chuyện xuất khẩu sẽ trông chờ lớn vào ba ngành, gồm rau quả, thủy sản và gỗ nội thất.

Tuy nhiên, để có được những kết quả như nêu trên, ông Tuấn cho biết, thời gian qua về mặt chính sách đã có hai nhóm công việc chính được các nhà làm chính sách và Chính phủ thực hiện, gồm thứ nhất, là đàm phán mở cửa thị trường, tháo gỡ những rào cản; thứ hai, là thực thi các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển thị trường.

Cụ thể, đối với chính sách thứ nhất, theo ông Tuấn, trong năm năm 2018, đã phải làm việc rất nhiều với Trung Quốc về mở cửa thị trường; với Liên minh châu Âu  (EU) về câu chuyện "thẻ vàng" hải sản… “Đây là việc thường xuyên đàm phán, chủ động tháo gỡ khó khăn”, ông cho biết và dẫn chứng trong năm ngoái đã tháo gỡ được 173 trên 350 điều kiện.

Còn về chính sách hỗ trợ, thì hiện có rất nhiều các chính sách thúc đẩy phát triển thị trường, thúc đẩy thương mại. “Hiện nay, có nhiều nghị định hỗ trợ của Chính phủ như Nghị định 57 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; Nghị định 98 về thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp…”, ông cho biết.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, ông Tuấn cho biết, hệ thống chính sách hiện có nhiều điểm còn chưa được đồng bộ hoặc khi đưa ra chính sách, thì nguồn lực để triển khai thực hiện lại chưa sẵn sàng ở cả cấp Trung ương và địa phương. “Hôm nay, tôi có gợi ý ví dụ với ngành rau quả, thì cùng nhau viết một chiến lược trình lên cấp cao nhất để làm sao đưa thành ngành chủ lực, tức khi hỗ trợ đầu tư thì phải hỗ trợ đồng bộ từ khâu đầu đến khâu cuối”, ông cho biết.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op dẫn số liệu tại lễ ký kết Chương trình chấp cánh hàng Việt diễn ra mới đây cho thấy, hiện mỗi ngày TPHCM tiêu thụ khoảng 1.500 tấn rau củ quả.

“Riêng với Saigon Co.op, hệ thống bán lẻ của chúng tôi hiện tiêu thụ bình quân 250 tấn rau củ quả/ngày, trong đó, rau củ là 150 tấn và các sản phẩm về quả, trái cây khoảng 100 tấn/ngày”, ông cho biết.

Theo ông Hồng, với nhu cầu của thị trường rất lớn, trong khi với vai trò là đơn vị phân phối, thì để đáp ứng được nhu cầu thị trường với yêu cầu chất lượng hàng hóa ngày càng cao, cho nên, đơn vị này phải trực tiếp đi hỗ trợ nông dân thông qua hợp tác xã ở các tỉnh/thành để có sản phẩm bán cho khách hàng. “Điều này, giúp chúng tôi kiềm soát được khâu đầu và khâu cuối, nhưng đây không phải là câu chuyện “phải làm” của nhà bán lẻ như chúng tôi”, ông Hồng nhấn mạnh.

Chính vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất sản phẩm có chất lượng như Công ty cổ phần Lavifood- một đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh rau quả – theo ông Hồng là việc làm cần thiết và đơn vị này sẵn sàng ủng hộ.

Ông Hồng cho biết, ngoài yêu cầu chất lượng trong quá trình sản xuất đã được đơn vị này đề ra ngay từ đầu, thì hiện Saigon Co.op còn yêu cầu sản phải đạt chất lượng sau thu hoạch, tức việc hình thành đơn vị chế biến, bảo quản sau thu hoạch rất quan trọng. “Ngoài ra, việc bao gói, mẫu mã sản phẩm phải phù hợp yêu cầu vừa tiện lợi, vừa đáp ứng được thẩm mỹ, nhu cầu khách hàng giai đoạn hiện nay”, ông cho biết.

Đặc biệt, theo ông, đơn vị này còn đặt ra thêm các tiêu chí khác của riêng Saigon Co.op, đó là sản phẩm vào hệ thống phải đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh, hạn chế chất thải ra môi trường. “Đây là chương trình chúng tôi đã đưa vào nghị quyết của đơn vị”, ông nhấn mạnh.

Mời xem thêm:

Lần đầu tiên Việt Nam có trung tâm hỗ trợ nông dân

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới