Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chia lại vùng trời để giảm tắc nghẽn tại Tân Sơn Nhất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chia lại vùng trời để giảm tắc nghẽn tại Tân Sơn Nhất

Lê Anh

(TBKTSG Online) – Từ  7 giờ sáng nay 27-4, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam(VATM) đã chuyển đổi và phân chia lại vùng trời khu vực kiểm soát tiếp cận tại Tân Sơn Nhất nhằm giúp các máy bay có được quỹ đạo hoạt động tối ưu, chủ động biết trước thứ tự tiếp cận hạ cánh để giải quyết tắc nghẽn tại sân bay này.

Chia lại vùng trời để giảm tắc nghẽn tại Tân Sơn Nhất
Sơ đồ 2 phân khu sau khi được chia lại tại vùng trời Tân Sơn Nhất – Ảnh: VATM cung cấp

Theo thông tin từ Tổng công ty Quản lý bay Việt  Nam (VATM), vùng trời kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất được chia thành hai phân khu gồm: phân khu kiểm soát máy bay đến và phân khu kiểm soát tiếp cận.

Trong đó, phân khu kiểm soát máy bay đến có chức năng hợp nhất các tàu bay đến trong giai đoạn cuối của quá trình máy bay tiếp cận sân bay để hạ cánh, đảm bảo thứ tự và độ giãn cách tối ưu, tăng hệ số an toàn và hiệu quả hơn trước khi chuyển giao máy bay cho đài kiểm soát không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Còn phân khu kiểm soát tiếp cận có chức năng điều hành giai đoạn đầu của các máy bay đến, các máy bay đi và các máy bay khác hoạt động trong khu vực để đảm bảo phân cách an toàn giữa các máy bay đến và máy bay đi.

Đồng thời, việc điều chỉnh cũng sẽ hỗ trợ thiết lập sơ bộ thứ tự hạ cánh cho các máy bay đến; xác định giờ dự kiến hạ cánh của các máy bay theo thứ tự; phối hợp với Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh hoạch định cho các tàu bay đến bay chờ một cách hợp lý nhằm giảm tình trạng quá tải cục bộ trong vùng trời tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất.

Nói một cách đơn giản việc phân chia khu vực giữa các máy bay chuẩn bị hạ cánh và các máy bay đang bay trên bầu trời sẽ giúp việc quản lý được tốt hơn và dễ dàng điều hành bay, tránh tình trạng lộn xộn gây tắc nghẽn trên bầu trời.

Theo VATM, việc phân chia vùng trời kiểm soát tiếp cận giúp cho các máy bay có được quỹ đạo hoạt động tối ưu, chủ động biết trước thứ tự tiếp cận hạ cánh, tăng năng lực điều hành bay, góp phần giải quyết tắc nghẽn trên bầu trời Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, việc phân chia này giúp giảm cường độ làm việc cho các kiểm soát viên không lưu, giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu cho máy bay giúp tăng hiệu quả kinh tế.

Trước đó, hồi tháng 11-2016, VATM đã áp dụng phương thức điều hành bay mới tại sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giảm tắc nghẽn trên vùng trời Tân Sơn Nhất.

Ưu điểm của phương thức điều hành bay mới so với phương thức cũ là giảm yêu cầu dẫn dắt bằng rađa, khi máy bay vào vùng kiểm soát Tân Sơn Nhất, tùy theo tình hình ở mặt đất, nếu thuận lợi thì kiểm soát viên không lưu cho phép máy bay bay thẳng để hạ cánh. Trường hợp dưới mặt đất bị quá tải, kiểm soát viên không lưu chỉ thông báo một lần với cơ trưởng. Khi đó, tàu bay sẽ tự động bay theo sơ đồ đã vạch sẵn mà không cần trao đổi qua lại giữa hai bên để hạn chế tình trạng nhiễu thông tin.

Bên cạnh đó, phương thức bay mới còn hạn chế tối đa các luồng máy bay đi và đến cùng gặp nhau ở một điểm và giảm thiểu số điểm giao cắt, giúp kiểm soát viên không lưu duy trì độ giãn cách tiêu chuẩn chính xác hơn, an toàn hơn. Đồng thời tối ưu hóa năng lực, khả năng thông qua tại vùng trời và tăng năng lực tổng thể từ 10% đến 15% so với phương thức điều hành bay cũ.

Khi áp dụng phương thức bay mới các hãng hàng không cũng được hưởng lợi khi máy bay về đúng giờ, giảm tỷ lệ chậm chuyến. Và điều quan trọng là máy bay không phải bay vòng để chờ hạ cánh, giúp giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu, giảm bớt lượng khí thải phát ra môi trường và tăng hiệu quả kinh tế.

Mời xem thêm:

>> Đổi cách điều hành bay để giảm chậm chuyến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới