Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch homestay

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch homestay

Tường Vi thực hiện

Ông Haji Sahariman Hamdan – Chủ tịch Hiệp hội Homestay Malaysia – Ảnh: Tường Vi

(TBKTSG Online) – Nhân dịp Cục Xúc tiến du lịch Malaysia và Hiệp hội Homestay Malaysia giới thiệu chương trình du lịch homestay đến du khách Việt Nam, ông Haji Sahariman Hamdan, Chủ tịch Hiệp hội Homestay Malaysia, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc phát triển loại hình du lịch này với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.

>>Malaysia quảng bá du lịch homestay tại Việt Nam

>>Temerloh thanh bình

Ông Haji Sahariman Hamdan nói ông đã đến Việt Nam nhiều lần và nhận thấy Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển loại hình du lịch homestay vì có nền văn hóa đa dạng, có loại hình du lịch sinh thái, có phong cảnh đẹp và nhiều giá trị lịch sử. Theo ông, để phát triển loại hình du lịch homestay thì rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ phía Chính phủ và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

TBKTSG Online: Ông nói vai trò chính phủ rất quan trọng để loại hình du lịch này phổ biến và phát triển, ông có thể cho một ví dụ ở Malaysia, chính phủ đã làm gì cho loại hình này?

– Ông Haji Sahariman Hamdan: Loại hình du lịch homestay phát triển rộng rãi ở các vùng quê của Malaysia, ở đó đời sống của người dân rất khó khăn. Chính phủ Malaysia đã hỗ trợ tiền cho họ nâng cấp, sửa sang lại nhà cửa để đón khách du lịch muốn tham gia loại hình homestay, nhưng họ không phải đóng bất kỳ một khoảng thuế nào cho nhà nước.

Mặt khác, Bộ Du lịch còn mở các lớp huấn luyện trong vòng 7 ngày cho các hộ gia đình tham gia. Các khóa huấn luyện này giúp người dân biết cách làm vệ sinh ngôi nhà mình sạch sẽ, an ninh hơn… để phục vụ du khách, thậm chí chúng tôi còn dạy họ cách sử dụng nguồn tiền thu được từ dịch vụ homestay.

Homestay là loại hình du lịch mà du khách sẽ được ở và sinh hoạt chung nhà với người dân bản xứ như thành viên trong gia đình, để khám phá phong cách sống của người dân, trải nghiệm cuộc sống thường ngày của họ để biết được văn hóa của người dân nơi đó.

Xin ông cho biết cần có những điều kiện nào để phát triển loại hình du lịch homestay?

– Điều đầu tiên là cần phải bảo đảm an toàn cho du khách, kế đến là nhà cửa phải sạch sẽ, cơ sở hạ tầng giao thông cũng là yếu tố quyết định việc đi lại dễ dàng cho khách.

Song song đó cũng cần những người dân tình nguyện sẵn sàng làm công tác du lịch, mỗi làng cần có ít nhất 10 hộ dân tham gia làm du lịch homestay. Các hộ dân này sẵn sàng tham gia các lớp huấn luyện đào tạo để quản lý và phục vụ du khách tốt hơn. Điều đầu tiên mà chúng tôi dạy họ, tạm dịch là “Khi du khách đến – chúng ta cười, nhưng khi du khách đi – chúng ta khóc”.

Nhưng người dân được hưởng lợi gì khi tham gia, thưa ông?

– Du lịch homestay phát triển rộng rãi ở 13 bang trên toàn đất nước Malaysia với khoảng gần 3.300 hộ dân từ 230 ngôi làng khắp cả nước được Bộ Du lịch Malaysia huấn luyện, đào tạo và cấp phép tổ chức chương trình du lịch homestay.

Mỗi năm chúng tôi đón hơn 160.000 lượt du khách, trong đó có hơn 30.000 khách quốc tế chủ yếu đến từ Nhật, Hàn Quốc, Singapore… tạo ra nguồn thu nhập bình quân khoản 16 triệu đô la Mỹ/năm cho toàn bộ các hộ tham gia.

Không riêng gì Malaysia, các quốc gia khác trong khu vực châu Á hoàn toàn có thể phát triển loại hình du lịch này nhằm đáp ứng nhu cầu của khách châu Âu, khách du lịch ba lô muốn được tham gia chương trình homestay dài hạn, có khi kéo dài đến vài tháng.

Khách du lịch được gì khi tham gia loại hình du lịch này?

Chỉ với khoảng 500.000 đồng/ngày tham gia loại hình du lịch homestay, du khách sẽ trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của người dân bản địa, hiểu thêm về phong tục tập quán của mỗi dân tộc. Người dân sẽ dạy khách du lịch làm ruộng, làm đồ thủ công, học múa, học võ truyền thống, học nấu ăn, trồng cây, tham gia các trò chơi truyền thống, các tour du lịch sinh thái…, thậm chí chúng tôi còn tổ chức đám cưới cho du khách theo phương thức truyền thống của người dân Malaysia.

Tuy các hoạt động có thể giống nhau nhưng mỗi làng, mỗi dân tộc đều có sắc thái riêng như điệu múa khác nhau, cách chế biến thực phẩm cũng khác nhau…, tạo sự khác biệt để du khách không nhàm chán.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới