Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chiếc bánh thị trường bán lẻ 50 tỉ đô la Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chiếc bánh thị trường bán lẻ 50 tỉ đô la Mỹ

Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức) là một trong những nhà đầu tư nước ngòai đầu tiên tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Trong ảnh là siêu thị Metro An Phú – Ảnh: LÊ TOÀN

(SGTO) – Doanh số ngành bán lẻ Việt Nam đạt mức 36 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái và ước sẽ đạt trên 50 tỉ đô la Mỹ vào năm 2010. Các nhà đầu tư nước ngoài đang nỗ lực chen chân vào thị trường vốn được đánh giá là tiềm năng lớn thứ hai tại châu Á và thứ tư trên thế giới hiện nay.

Hội chợ Đầu tư Vùng Kinh tế trọng điểm các tỉnh phía Nam diễn ra tại Dinh Thống Nhất, TPHCM mới đây có hàng chục chủ đề bàn luận về phát triển kinh tế của vùng; nhưng nóng và sôi động nhất là chủ đề về thị trường phân phối của Việt Nam.

“Đại gia” chờ tín hiệu

Trong hai ngày hội chợ, các nhà đầu tư nước ngoài đã ngồi chật cứng hội trường, sẵn sàng đặt câu hỏi với các nhà diễn thuyết và các bộ ngành có liên quan về vấn đề chính sách của Việt Nam áp dụng cho thị trường bán lẻ. Mặc dù ông Vũ Bá Phú, Vụ phó Vụ Kế hoạch và Đầu tư thuộc Bộ Công Thương đã nhiều lần thông tin rằng theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kể từ ngày 1.1.2009, Việt Nam sẽ chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường cho các công ty kinh doanh bán lẻ 100% vốn nước ngoài.

Thế nhưng tại hội nghị, nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có đại diện của Tập đoàn CP Thái Lan, vẫn đặt câu hỏi và yêu cầu ông Phú tái khẳng định lại thời điểm chính xác để họ có bước chuẩn bị cho việc lập công ty 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam. Các nhà đầu tư nói rằng họ đã chờ đợi để được vào thị trường này khá lâu, nhưng không biết chính xác khi nào được phép kinh doanh.

Có lẽ thông tin Việt Nam xếp thứ tư thế giới về độ hấp dẫn đầu tư bán lẻ (theo bản xếp hạng của AT Kearney GRDI, sau Ấn Độ, Nga và Trung Quốc), đã làm cho nhiều nhà đầu tư thêm nôn nóng.

Ông Rik Mekkelholt, Trưởng phòng phụ trách Tư vấn kinh doanh bán lẻ của Công ty CBRE Việt Nam, cho biết hiện có ít nhất ba “đại gia” bán lẻ hàng đầu thế giới là Tesco, Wal-Mart và Carrefour đang sẵn sàng tham gia thị trường khi Việt Nam chính thức cho nhà đầu tư nước ngoài bước vào lĩnh vực này.

“Hiện những tập đoàn này đã có kế hoạch lập văn phòng đại diện và tìm địa điểm để chuẩn bị cho việc kinh doanh khi Chính phủ “bật đèn xanh”,” ông Rik nói.

Là một doanh nghiệp quản lý và tư vấn phát triển các dự án bất động sản, CBRE Việt Nam ghi nhận tại nhiều dự án bất động sản lớn ở TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng, trong đó có các khu thương mại, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã “xí chỗ”, sẵn sàng cho việc kinh doanh. Có doanh nghiệp đã đặt vấn đề với CBRE Việt Nam tìm giúp một mặt bằng trung tâm thương mại rộng 40.000 mét vuông để kinh doanh, trong khi cả thành phố hiện chỉ có khoảng 140.000 mét vuông mặt bằng trung tâm thương mại và siêu thị. 

Sức hút của thị trường Việt Nam

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và sự gia nhập vào WTO của Việt Nam gần đây đã bắt đầu thu hút sự chú ý của nhiều nhà kinh doanh bán lẻ quốc tế.

Việt Nam là một trong những thị trường kinh doanh bán lẻ đầy hứa hẹn của thế giới nhờ vào quy mô thị trường, sự gia nhập WTO gần đây, sự phát triển ổn định của nền kinh tế, các loại hình giải trí đang phát triển và mức thu nhập thực tế tăng cao. 

Sự gia tăng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), quá trình đô thị hóa, Chíng phủ thực thi các chính sách hỗ trợ đầu tư nước ngoài… sẽ góp phần tạo nên sự lạc quan về thị trường kinh doanh bán lẻ của Việt Nam. 

Theo thống kê, đến năm 2011 có 69% dân số Việt Nam sẽ nằm trong độ tuổi từ 15 đến 64, và môi trường kinh doanh bán lẻ của Việt Nam dự đoán sẽ trưởng thành cùng với thế hệ những người tiêu dùng trẻ, tạo nên cuộc cách mạng về thị trường kinh doanh bán lẻ tại khắp các khu vực thành thị của Việt Nam.  

Theo khảo sát của CBRE Việt Nam, nhân tố chính củng cố sự lạc quan của các nhà kinh doanh bán lẻ chính là tình hình nhân khẩu học của Việt Nam. Có khoảng 70% dân số Việt Nam hiện đang trong độ tuổi dưới 35 và Việt Nam có một số lượng lớn những công dân thành thị trẻ tuổi có thu nhập tăng đều và thị hiếu tiêu dùng một ngày sành điệu hơn. Hiện nay, Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 8,2% trong năm 2006, dự đoán trong năm nay sẽ đạt 8,4% và mới đây Chính phủ đã công bố chỉ tiêu của năm 2008 là 8,7%.

Sự quan tâm chú ý của các nhà đầu tư càng tăng mạnh sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào cuối năm 2006 với cam kết từng bước mở cửa thị trường bán lẻ để các nhà đầu tư nước ngoài được trực tiếp kinh doanh.

Từ tháng 1/2007, các nhà đầu tư nước ngoài đã được phép thành lập các công ty liên doanh phân phối hàng hóa, trong đó phía nước ngoài được phép chiếm giữ 49% số vốn. Đến năm 2009, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường cho các công ty kinh doanh bán lẻ 100% vốn nước ngoài.

Bên cạnh đó, các chuyên gia CBRE phân tích rằng Việt Nam đang nhanh chóng chuyển mình từ nền văn hóa khắc kỷ sang một nền văn hóa có phần thoải mái hơn, với những biểu hiện ngày một rõ ràng hơn là các ngôi chợ truyền thống đang dần nhường chỗ cho các trung tâm thương mại, xe đạp thay bằng các loại xe tay ga của Ý và thay trang phục thông thường bằng thời trang hàng hiệu.

Tại khu vực thành thị, số hộ gia đình có thu nhập hàng tháng trong khỏang từ 600 đô la Mỹ đến 1.000 đô la Mỹ đang tăng lên nhanh chóng, cao hơn các thành phần dân số khác; tiếp sau đó là những hộ gia đình có thu nhập trên 1.000 đô la Mỹ.

Thu nhập tăng và văn hóa tiều dùng đang thay đổi đã thúc đẩy sức mua tăng, chi tiêu cho các lọai hàng tiêu dùng tăng 20% mỗi năm.

Nếu như năm 2000, chi tiêu cho bán lẻ tại Việt Nam chỉ đạt mức 15 tỉ đô la Mỹ thì năm 2006 đã đạt mức 36 tỉ đô la Mỹ và đến năm 2010 dự kiến con số này sẽ vượt mức 50 tỉ đô la Mỹ.

Chưa sẵn sàng hạ tầng

Theo các doanh nghiệp phân phối và bán lẻ, bên cạnh kinh nghiệm quản lý điều hành thì mặt bằng kinh doanh đóng vai trò rất quan trọng cho việc thành công. Mặc dù thị trường bán lẻ của Việt Nam được đánh giá là có chiều hướng phát triển nhanh nhưng chỉ tập trung ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng … trong khi ở khu vực tỉnh lẻ và nông thôn, loại hình kinh doanh bán lẻ hiện đại vẫn chưa đến được.

Trong khi đó, các thành phố lớn hầu như chưa sẵn sàng về hạ tầng so với tốc độ phát triển quá nhanh của thị trường bán lẻ hiện nay. Theo CBRE Việt Nam, hiện loại mặt bằng phục vụ riêng cho hoạt động kinh doanh bán lẻ đang thiếu hụt trầm trọng. Hầu hết các mặt bằng hiện hữu không đạt tiêu chuẩn quốc tế và nhiều nhà kinh doanh bán lẻ quốc tế đã phải chọn giải pháp cải tạo lại các cửa hàng mặt tiền trong khi chờ đợi những mặt bằng có chất lượng tốt.

Tại TPHCM, 13 trung tâm thương mại cung cấp cho thị trường được khoảng 140.000 mét vuông mặt bằng kinh doanh bán lẻ, trong đó Hùng Vương Plaza là trung tâm lớn nhất với diện tích 33.000 mét vuông. Tỉ lệ thuê mặt bằng tại những trung tâm này hiện ở mức 99%. Tương tự, Hà Nội có khoảng 100.000 mét vuông mặt bằng kinh doanh bán lẻ tại sáu trung tâm thương mại cũng được cho thuê hết.

Do sự mất cân đối giữa cung và cầu, nên giá cho thuê mặt bằng trong thời gian qua liên tục tăng và dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian sắp tới. Giá thuê mặt bằng trung bình tại TPHCM và Hà Nội hiện đã đạt mức 40 đô la Mỹ/mét vuông/tháng vào cuối quý 3 năm nay, riêng tại những vị trí đẹp, hoặc tại khu trung tâm thương mại giá thuê đã lên đến 200 đô la Mỹ/mét vuông/tháng.

“Đây là điều chưa từng thấy tại Việt Nam, nhưng mức giá này vẫn chỉ ở mức trung bình so với so với giá thuê mặt bằng kinh doanh bán lẻ trong khu vực,” ông Rik nói và cho biết thêm làn sóng đầu tư vào các dự án trung tâm thương mại sẽ làm giảm nhẹ phần nào nhu cầu đang ngày một tăng.

Tuy nhiên, nhu cầu về mặt bằng kinh doanh bán lẻ lớn trong khoảng thời gian chờ đợi đến thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ vào năm 2009 được dự đoán là sẽ còn tiếp tục tăng do các nhà kinh doanh bán lẻ Việt Nam và nước ngoài đang tranh nhau tìm kiếm mặt bằng có chất lượng.

Đón nhu cầu trên, nhiều dự án khu thương mại lớn đang được xây dựng tại các thành phố lớn dự kiến sẽ hoàn thành trong hai ba năm tới. Dự kiến sẽ có khoảng 350.000 mét vuông mặt bằng sẽ tham gia vào thị trường kinh doanh bán lẻ tại TPHCM vào cuối năm 2011 và 380.000 mét vuông đang được đầu tư phát triển tại Hà Nội. Nhiều dự án trong số này sẽ nằm ngoài khu trung tâm thành phố, tại các quận có những khu dân cư cao cấp đang hình thành. Do có nhiều nguồn cung góp mặt vào thị trường nên việc tăng giá có thể sẽ chậm lại. Tuy nhiên, việc giảm giá thuê mặt bằng vẫn là một viễn cảnh, theo ông Rik.  

QUỐC HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới