Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chiếc đồng hồ đá ở Bạc Liêu  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chiếc đồng hồ đá ở Bạc Liêu  

TS Trần Thuận, nguyên giáo viên Trường cao đẳng Sư phạm Bạc Liêu, giới thiệu cách xem giờ trên đồng hồ đá. Ảnh: PKiều

(TBKTSG) – Có lẽ cái đồng hồ đầu tiên đã xuất hiện ở Trung Hoa vào thời nhà Đường, nhà Tống. Đó là chiếc đồng hồ nước (lậu hồ), rồi sau đó người ta dùng cát thay cho nước (sa lậu). Mãi đến thế kỷ 15, phương Tây mới chế tạo đồng hồ máy chạy bằng dây thiều (dây cót), quả lắc… Ở Việt Nam thì có đồng hồ đá, có lẽ là duy nhất, đang được gìn giữ tại Bạc Liêu.  

Chiếc đồng hồ đá này do kỹ sư Lưu Văn Lang chế tạo vào đầu thế kỷ 20. Trong một bài viết đăng trên tạp chí Xưa & Nay (số 136, tháng 3-2003), tác giả Nguyễn Minh Mẫn cho biết: Tỉnh bạc Liêu ở vị trí 9 độ 38 vĩ độ Bắc, và 105 độ 51 phút 54 giây kinh độ Đông, bác vật Lang dùng công thức lượng giác để tính ra độ lồi của mặt nghiêng; đó là 130 độ để chọn điểm thiết kế chiếc đồng hồ này.

Đồng hồ xây bằng gạch tàu và xi măng cao khoảng 1m, rộng 0,8m, mặt quay về phía Đông, gồm 3 phần. Phần giữa hình chữ nhật đứng, nhô ra phía trước; hai mặt hai bên xây hình vuông, mỗi mặt khắc 6 chữ số La Mã theo hình vòng cung, biểu thị số giờ. Ánh nắng chiếu xuống phần hình chữ nhật tạo ra vệt sáng tối. Con số nào nằm giữa hai vệt này là số giờ lúc ấy. Nhược điểm của đồng hồ này là không “vận hành” được khi trời râm, mưa và đêm tối.

Hiện nay đồng hồ đá nằm trong khuôn viên (phía sau dãy nhà giữa) Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bạc Liêu (số 84 đường Hai Bà Trưng, thị xã Bạc Liêu), được Bảo tàng tỉnh tôn tạo, giữ gìn theo tinh thần bảo vệ di tích lịch sử văn hóa. Đây là điểm tham quan vừa được Công ty Du lịch Bạc Liêu đưa vào chương trình tour của họ. Từ chợ đêm tới đồng hồ chỉ cách một đoạn đường.  

PHƯƠNG KIỀU  

Bác vật Lưu Văn Lang sinh ngày 5-6-1880 (mất ngày 3-8-1969) tại Tân Phú Đông, Sa Đéc (Đồng Tháp). Ông học trường Chasseloup Laubat, năm 17 tuổi đậu tú tài 2 của Pháp với số điểm xuất sắc, được học bổng sang Pháp học École Centrale de Paris – nơi đào tạo kỹ sư lớn nhất nước này.

Năm 1904, ông tốt nghiệp kỹ sư hạng ưu (đứng thứ 3 trong số 250 người) là kỹ sư đầu tiên của Nam bộ thời bấy giờ. Về nước, ông được nhà cầm quyền cử sang Vân Nam (Trung Quốc) tham gia xây dựng tuyến đường xe lửa nối Trung Quốc với Đông Dương. Ông thường xuống Bạc Liêu theo dõi các công trình xây dựng.

Nhiều người kể, khi cầu Long Thạnh do người Pháp xây dựng sắp xong, ông lấy gậy gõ vào thành cầu rồi tuyên bố rằng một tháng nữa cầu sẽ sập. Viên kỹ sư Pháp hết sức phẫn nộ nhưng rồi lại vô cùng bái phục sau khi cây cầu sập đúng như ông nói. Từ đó cầu Long Thạnh được gọi là cầu Sập.

Trước sự việc này, viên tỉnh trưởng Bạc Liêu thời đó rất khâm phục Lưu Văn Lang nên đối đãi ông rất hậu hĩ. Để đáp lại tình cảm đó, Lưu Văn Lang xây tặng viên tỉnh trưởng chiếc đồng hồ đá này.        

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới