Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chiến lược công nghiệp 4.0, ưu tiên thể chế và động lực của khu vực tư nhân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chiến lược công nghiệp 4.0, ưu tiên thể chế và động lực của khu vực tư nhân

Nguyễn Quang Đồng (*)

(TBKTSG) – Tháng 9-2019, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết về một số chủ trương, chính sách nhằm chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xác lập tầm nhìn của Việt Nam cho giai đoạn bước ngoặt mới của sự phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ toàn cầu. Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến năm 2030 của Chính phủ đang được dự thảo chính là bước kế tiếp để cụ thể hóa tầm nhìn nói trên…

Chiến lược về cách mạng công nghiệp 4.0 về cơ bản đã cụ thể hóa được tầm nhìn. Nhưng thứ tự ưu tiên vẫn cần tiếp tục nghiên cứu thêm để tránh dàn trải và dẫn đến kém khả thi khi thực hiện sau này.

Mục tiêu và quan điểm tiếp cận được nêu trong dự thảo chiến lược nói trên là rất tham vọng và được trình bày rõ ràng. Tuy nhiên, việc lựa chọn các ưu tiên chiến lược gắn với phân bổ nguồn lực quốc gia, cụ thể hóa thành các công việc ưu tiên của Chính phủ vẫn còn rộng, tản mát, vì vậy, nên được thu hẹp để chiến lược có trọng tâm và tính khả thi cao hơn.

Trước nhất, cần xác định rằng động lực của phát triển khoa học và công nghệ, dù với thế giới hay Việt Nam, đều đến từ khu vực tư nhân. Chính sách và nguồn lực từ khu vực nhà nước chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để khu vực tư phát huy hết tiềm năng của nó.

Trên xuất phát điểm đó, chiến lược thực chất cần trọng tâm hóa vào hành động cụ thể của Chính phủ – chiến lược là dành cho Chính phủ, cho khu vực công – không nên “với” sang các công việc thuộc về khu vực tư, vừa bị “giẫm chân” vừa không có khả năng thực hiện.

Do đó, trong sáu nhóm nhiệm vụ mà chiến lược đặt ra, gồm (1) xây dựng thể chế; (2) xây dựng hạ tầng kết nối và khai thác dữ liệu; (3) phát triển nguồn nhân lực, (4) xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số; (5) phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; (6) đầu tư một số công nghệ cơ bản của cách mạng 4.0 thì ưu tiên cao nhất nên tập trung vào nhiệm vụ 1 và 3.

Với nhiệm vụ 2, lựa chọn xây dựng hạ tầng số là chính xác, tuy nhiên vai trò cơ bản vẫn là khu vực tư. Còn với riêng hạ tầng viễn thông, phục vụ cho việc tăng tốc độ kết nối và phổ cập Internet, thì thúc đẩy quan hệ đối tác công tư để thu hút thêm tư nhân là quan trọng (dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư – PPP – cũng đã tính toán và đưa lĩnh vực hạ tầng công nghệ thông tin là một lĩnh vực ưu tiên trong thu hút đầu tư).

Còn với nhiệm vụ 6, việc đầu tư công nghệ thực hiện bởi đầu tư công hay ưu tiên cho khu vực nhà nước thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ sẽ không hiệu quả, lãng phí ngân sách như nhiều chương trình đầu tư khoa học – công nghệ lâu nay. Trong bối cảnh nợ công tăng cao, ngân sách chịu nhiều áp lực trong giai đoạn tới, nên cương quyết loại bỏ đầu tư công nghệ trong chiến lược này.

Nhiệm vụ 5, thực chất là kết quả được tạo ra chủ yếu nếu thực hiện thành công nhiệm vụ 1 – có thể chế tốt, có quy định thông thoáng, năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia – nhấn mạnh lại một lần nữa, vốn là năng lực của khu vực tư, sẽ được phát huy.

Cuối cùng là nhiệm vụ 4, dù được đặt ra trong chiến lược nhưng thực chất nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử/chính phủ số đã là một ưu tiên lớn trong nhiệm kỳ này của Chính phủ và về cơ bản, Chính phủ đang đi đúng hướng trong lĩnh vực quan trọng này. Vì vậy, chiến lược nếu hoàn thành tốt hai nhóm mục tiêu về thể chế và phát triển nguồn nhân lực đã là một thành quả đáng ghi nhận.

Lựa chọn xây dựng thể chế là ưu tiên hàng đầu (xếp vào nhóm nhiệm vụ số 1) là quyết tâm đúng. Tuy nhiên các đầu mục công việc chiến lược đặt ra vẫn chưa đủ rõ ràng và thiếu một lộ trình thực hiện cụ thể. Vì thế, cần xác định trọng tâm của cách mạng công nghiệp 4.0 trước khi xác định ưu tiên thể chế.

Với nguồn lực và mức độ phát triển hiện có của Việt Nam nên ưu tiên cho công nghệ số. Cách mạng công nghiệp 4.0, vì thế nên lấy “lõi” là chuyển đổi số quốc gia và hướng tới một nền kinh tế số (thực chất khi xác định nhiệm vụ số 2 – xây dựng hạ tầng kết nối và khai thác dữ liệu cũng đã là hàm ý cho trọng tâm này). Thể chế và khuôn khổ pháp lý cho tiến trình số hóa nên tập trung vào ba nhóm giải pháp.

Nhóm thứ nhất – thể chế và pháp lý cho đổi mới, sáng tạo và bảo vệ tài sản số. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo là điểm nhấn được nhắc đi nhắc lại trong chiến lược. Nhưng sáng tạo chỉ có thể thực hiện với hai điều kiện căn bản: có môi trường cho tự do sáng tạo và khi sáng tạo thì tài sản trí tuệ đó phải được bảo hộ hợp lý. Hiện nay, Việt Nam thiếu cả hai yếu tố căn bản này.

Nhìn từ nền tảng và gốc rễ, triết lý giáo dục khai phóng, khuyến khích phản biện, tư duy tự do và sáng tạo chưa phải là triết lý nền tảng trong đào tạo nhân lực cho nền kinh tế số. Và nhìn từ hiện trạng, trong các yếu tố cấu thành hệ sinh thái số, tư duy sáng tạo – đặc biệt là về nội dung số chưa được khuyến khích do hệ thống kiểm duyệt và kiểm soát nội dung chặt chẽ và không còn phù hợp.

Dù giáo dục là dài hạn, nhưng trong 10 năm tới, hai nhóm nỗ lực pháp lý vẫn có thể thực thi để tạo lập từng bước các yếu tố nền tảng.

Đó là thay đổi cách tiếp cận, cơ chế và quy định pháp lý về kiểm soát nội dung. Trong hệ sinh thái số – sản phẩm truyền thông, thông tin, sản phẩm văn hóa (phim ảnh, âm nhạc, nghệ thuật, văn hóa) gắn chặt với thương mại điện tử, kể cả du lịch (thông qua quảng cáo và hệ sinh thái nội dung số).

Cách hiểu thiếu linh hoạt về bảo vệ văn hóa, truyền thống, thuần phong mỹ tục, lợi ích của Đảng và Nhà nước, dẫn đến quy định pháp lý mơ hồ và tạo căn cứ cho cơ quan công quyền hành xử tùy tiện như hiện nay là yếu tố cản trở nghiêm trọng tự do tư tưởng – vốn là nền tảng cho sáng tạo.

Hai yếu tố quan trọng nhất của một chiến lược đó là tầm nhìn và xác lập thứ tự ưu tiên để chọn giải pháp phù hợp.

Chiến lược về cách mạng công nghiệp 4.0 về cơ bản đã cụ thể hóa được tầm nhìn.

Nhưng thứ tự ưu tiên vẫn cần tiếp tục nghiên cứu thêm để tránh dàn trải và dẫn đến kém khả thi khi thực hiện sau này.

Tuy vậy, tự do sáng tạo và công nghệ không đi ngược lại lợi ích của Đảng và Nhà nước, mà ngược lại hoàn toàn có thể trở thành “đồng minh” – trở thành một công cụ giúp truyền thông chính sách của Đảng và Nhà nước có hiệu quả hơn. Các văn bản pháp lý chính hiện nay trong các lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, thông tin – ví dụ Bộ luật Hình sự 2015, Nghị định 72 năm 2013 về quản lý Internet cần phải điều chỉnh theo tinh thần mới của chiến lược.

Tiếp đến là xác lập căn cứ pháp lý và giải pháp bảo vệ tài sản số, trong đó bao gồm sở hữu trí tuệ với nội dung số. Không chỉ sở hữu công nghiệp, việc vi phạm bản quyền nội dung số, xâm phạm tài sản số diễn ra với quy mô nghiêm trọng như hiện nay đã làm thui chột động lực sáng tạo của người làm công việc sáng tạo.

Việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ là cần thiết theo hướng quy định thêm về bảo vệ tài sản số, bảo vệ bản quyền nội dung số. Nhưng trước đó, các triết lý về tài sản số cũng cần xác lập thêm từ điều chỉnh Bộ luật Dân sự.

Nhóm giải pháp thể chế thứ hai cần chú trọng là xây dựng các cơ chế và quy định pháp lý bảo vệ an toàn số cho người dùng. An ninh mạng và an toàn thông tin được nhấn mạnh là điểm sáng của chiến lược. Cụ thể hóa điều này cần đi kèm với các quy định bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

Cũng cần lưu ý thêm “thể chế” không có nghĩa chỉ có “luật” mới là “thể chế” còn là các cơ chế để thực thi quyền – cụ thể ở đây là các thiết chế giải quyết tranh chấp dân sự trong vấn đề an toàn thông tin – đặc biệt là vấn nạn phát ngôn thù ghét, bôi nhọ, xâm phạm lợi ích cá nhân trong môi trường số.

Nhóm giải pháp cuối cùng, đã được đề cập trong chiến lược, là khuôn khổ cho thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ. Bài toán về thuế cho dịch vụ xuyên biên giới, về chia sẻ lợi ích giữa các hãng công nghệ tạo ra nền tảng xuyên biên giới và cộng đồng sáng tạo nội dung/sáng tạo dịch vụ bản địa, xử lý tranh chấp số giữa người dùng, doanh nghiệp là những bài toán hóc búa cần tập trung giải quyết.

Hai yếu tố quan trọng nhất của một chiến lược đó là tầm nhìn và xác lập thứ tự ưu tiên để chọn giải pháp phù hợp. Chiến lược về cách mạng công nghiệp 4.0 về cơ bản đã cụ thể hóa được tầm nhìn. Nhưng thứ tự ưu tiên vẫn cần tiếp tục nghiên cứu thêm để tránh dàn trải và dẫn đến kém khả thi khi thực hiện sau này.

(*) Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới