Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chiến lược năng lượng: Có mà như không

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chiến lược năng lượng: Có mà như không

Tấn Đức

Chiến lược năng lượng dự báo khá chính xác nhu cầu điện năng, ít nhất là cho đến năm 2010, nhưng lại bất cập trong việc xác định mức cung ứng của các loại nguồn điện. (Ảnh chụp nhà máy điện Nhơn Trạch 1).

(TBKTSG Online) – Những mục tiêu trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đang bị trượt dài, vì sao?

Năm 2004, khi nghiên cứu xây dựng chính sách năng lượng quốc gia, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) nhận thấy hệ số đàn hồi giữa mức tăng nhu cầu tiêu thụ điện và tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) lên đến 1,46 là quá lớn. Vì vậy, bộ đã đưa ra bản dự thảo chính sách năng lượng quốc gia dựa trên nền tảng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, với mục tiêu hạ hệ số đàn hồi xuống 0,9 vào năm 2010 và còn 0,8 vào năm 2020. Trong đó, trọng tâm nhắm vào hai ngành tiêu thụ năng lượng chính, chiếm trên 70% tổng nhu cầu của cả nền kinh tế, là công nghiệp và giao thông vận tải. Nội dung này đã được đưa vào Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Nhưng mục tiêu của Bộ Công nghiệp đặt ra khi ấy chẳng những không có được thành tựu nào, mà còn trượt thêm một khoảng khá xa.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, đến tháng 6-2011, tỷ lệ giữa mức tăng nhu cầu điện và tốc độ tăng trưởng GDP đã xấp xỉ 2 lần. Điều này đồng nghĩa hiệu quả sử dụng điện đã tụt dốc mạnh. Đây là thách thức rất lớn cho vấn đề bảo đảm nhu cầu năng lượng của nền kinh tế.

Có thể nói, thành tựu đáng kể nhất trong vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm trong hơn bảy năm qua là xây dựng hành lang pháp lý. Từ năm 2003, Chính phủ đã ban hành nghị định về tiết kiệm năng lượng và đến năm 2010, nội dung này được phát triển lên thành luật. Bên cạnh hành lang pháp lý, Bộ Công Thương và một số bộ khác còn xây dựng 10 đề án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nhưng các đề án, chương trình tiết kiệm năng lượng chủ yếu mới dừng lại ở mức vận động, khuyến khích doanh nghiệp và người dân áp dụng, nên hiệu quả rất thấp. Chúng ta đã không có bất kỳ rào cản kỹ thuật hay thuế quan nào để ngăn chặn những thiết bị rẻ tiền nhưng tiêu tốn nhiều năng lượng, những loại phương tiện giao thông vận tải có mức tiêu hao nhiên liệu lớn, nhập vào thị trường nội địa. Thậm chí, các cơ quan nhà nước, lãnh đạo các địa phương vẫn thoải mái bật đèn xanh cho những dự án có suất tiêu thụ năng lượng rất lớn của các nhà đầu tư nước ngoài…

Ngoài ra, chương trình tiết kiệm năng lượng cũng chưa toàn diện, khi nội dung của nó hầu như chỉ tập trung vào những đối tượng trực tiếp sử dụng năng lượng. Trong khi đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả lại là vấn đề có phạm vi rất rộng. Chẳng hạn như trong lĩnh vực giao thông, vận tải, hiệu quả sử dụng nhiên liệu không chỉ liên quan đến phương tiện, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ.

Bản thân chiến lược năng lượng quốc gia cũng có những bất cập. Trước đây, các giáo sư Đại học Harvard đã chỉ ra rằng, việc đầu tư quá thiên về thủy điện đã đặt Việt Nam trước rủi ro do không thể chủ động được lưu lượng nước ở thượng nguồn, dẫn đến khả năng cung ứng đủ điện cho nhu cầu trở nên bấp bênh, nhất là vào mùa khô.

Về tổng thể, chiến lược năng lượng đã dự báo khá chính xác nhu cầu điện năng, ít nhất là cho đến năm 2010, nhưng lại bất cập trong việc xác định mức cung ứng của các loại nguồn điện khi đưa ra con số lạc quan về khả năng huy động của thủy điện và hạ thấp vai trò của nhiệt điện chạy bằng than, dẫn đến tính toán sai nhu cầu than của ngành điện. Đến nay, chúng ta đã có thể khẳng định, nhu cầu than để sản xuất điện với mức dự báo 20 triệu tấn/năm vào năm 2020 là quá lạc hậu. Trong khi đó, sản lượng thủy điện thì không thể tính đơn giản bằng cách nhân công suất khả dụng với thời gian vận hành, mà còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Bên cạnh đó, khả năng khai thác than trong nước nhiều khả năng cũng không thể đạt con số 58-60 triệu tấn vào năm 2020. Những bất cập này sau đó đã được ngành điện cập nhật lại, và sửa sai bằng cách triển khai đầu tư sớm một số dự án nhiệt điện chạy than, nhưng cũng không tránh được bị thiếu điện trầm trọng trong các mùa khô năm 2009-2010.

Ngoài ra, tính đồng bộ trong việc thực thi chiến lược năng lượng quốc gia cũng là điều cần mổ xẻ. Hiện nay, ba trụ cột chính của ngành năng lượng Việt Nam là dầu khí, điện lực và than đang phát triển dựa theo những quy hoạch riêng của từng ngành. Giữa các quy hoạch này dường như đang thiếu một sợi dây xuyên suốt, nên đã xảy ra những mâu thuẫn, ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới