Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chiến lược nào cho đầu tư giáo dục?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chiến lược nào cho đầu tư giáo dục?

Mai Lan

Chuyện gì đang xảy ra trong đầu tư giáo dục khi tiền tăng gấp 10 lần, nhưng số học sinh nhìn chung vẫn đứng yên và chất lượng lại bỏ ngõ? Ảnh: Minh Khuê.

(TBKTSG) – Trong giai đoạn 2001-2011, ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục – đào tạo đã tăng gấp 10 lần, chưa kể đầu tư của người dân và nguồn vốn vay quốc tế cũng tăng rất cao, nhưng chất lượng giáo dục vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng. Do đó, trong những năm tới, ngành giáo dục cần nhanh chóng xây dựng chiến lược đầu tư để đào tạo ra nguồn nhân lực đủ khả năng đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa của đất nước.

Đầu tư cho giáo dục ngày càng nhiều

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII đã thông qua dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2011 là 725.600 tỉ đồng; trong đó 20% được dành cho giáo dục – đào tạo và dạy nghề (khoảng 145.120 tỉ đồng). Trong đó, chỉ riêng phần dự toán chi sự nghiệp giáo dục – đào tạo là 110.130 tỉ đồng. Con số này lớn hơn rất nhiều so với năm 2001 (chỉ có 15.609 tỉ đồng) và năm 2006 (66.770 tỉ đồng). Điều này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước với giáo dục – đào tạo và dạy nghề.

Bên cạnh đó, theo đề án “Quy hoạch phát triển xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2005-2010” của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tháng 6-2005, nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước cũng bằng khoảng 25-30% tổng nguồn tài chính đầu tư cho lĩnh vực giáo dục; trong đó học phí và đóng góp xây dựng trường khoảng 25%. Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực giáo dục – đào tạo giai đoạn 1988-2010 đạt 388,5 triệu đô la Mỹ với 133 dự án. Đó là chưa kể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 1998-2009 tổng giá trị hiệp định ODA về giáo dục – đào tạo được ký kết đạt hơn 1.375,47 triệu đô la Mỹ, trong đó vốn vay khoảng 953,11 triệu đô la Mỹ, viện trợ không hoàn lại khoảng 422,36 triệu đô la Mỹ. Như vậy, có thể thấy ngành giáo dục – đào tạo không đến nỗi thiếu tiền.

Số trẻ em tăng dần nhưng học sinh phổ thông lại giảm

Theo Tổng cục Thống kê, nếu năm 2000 cả nước có khoảng 2.212.000 học sinh mầm non, 17.776.100 học sinh phổ thông, 899.500 sinh viên cao đẳng – đại học và 25.400 học sinh trung học chuyên nghiệp thì đến năm 2009-2010 đã tăng lên khoảng 2.909.000 học sinh mầm non, khoảng 14.912.100 học sinh phổ thông, 1.796.200 sinh viên cao đẳng – đại học và 699.700 học sinh trung học chuyên nghiệp. Như vậy, số học sinh – sinh viên không có sự gia tăng đột biến trong 10 năm qua. Chuyện gì đang xảy ra trong đầu tư giáo dục khi tiền tăng gấp 10 lần, nhưng số học sinh nhìn chung vẫn đứng yên và chất lượng lại bỏ ngỏ?

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 của Tổng cục Thống kê, mức sinh trong vài năm trở lại đây giảm không nhiều, trong khi số phụ nữ trong độ tuổi có mức sinh cao tăng mạnh làm cho số sinh tuyệt đối trong năm năm gần đây (2004-2009) không những không giảm mà còn tăng lên so với năm năm trước đó. Đây là điểm cần chú ý khi nhận định về sự tăng, giảm của số học sinh phổ thông. Số học sinh phổ thông đột biến giảm dần kể từ năm 2003 tới nay, có thể lý giải do số sinh những năm trước đó giảm; nhưng năm năm trở lại đây số sinh đã tăng dần lên, nếu học sinh phổ thông vẫn tiếp tục giảm, thì cấp thiết ngành giáo dục – đào tạo phải xem lại tình hình.

Những dự báo phục vụ cho đầu tư 10 năm tới

Căn cứ theo cơ cấu dân số qua các cuộc điều tra, Tổng cục Thống kê dự báo trong 10 năm tới số lượng học sinh tiểu học sẽ vẫn tiếp tục xu hướng tăng lên. Phải tới sau năm 2019 xu hướng mới giảm dần và đến năm 2029 sẽ xuống dưới mức như hiện nay. Ngược lại, với bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, số lượng học sinh đang có xu hướng giảm dần, kéo theo là giảm dần nhu cầu về lớp học và số giáo viên cho các bậc học này.

Trong năm 2009, có 24,7% dân số từ 5 tuổi trở lên của Việt Nam đang tham gia học tập trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đáng chú ý là mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa điều kiện kinh tế của hộ gia đình và cơ hội giáo dục được thể hiện rất rõ: hộ có điều kiện kinh tế càng cao thì tỷ lệ đang đi học càng cao và tỷ lệ chưa bao giờ đến trường càng thấp.

Nhìn dân số ở góc độ đào tạo nghề nghiệp chuyên môn, kết quả phân tích cho thấy tỷ lệ dân số có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao tương đối thấp, chỉ có 1,6% tốt nghiệp cao đẳng, 4,2% tốt nghiệp đại học và 0,21% tốt nghiệp thạc sĩ trở lên. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của nhóm dân số nam cao hơn so với nữ ở tất cả các mức, trừ bậc cao đẳng (tỷ lệ tốt nghiệp cao đẳng của nữ là 1,8% so với tỷ lệ của nam là 1,4%). Tỷ lệ dân số nông thôn tốt nghiệp cao đẳng thấp hơn hai lần so với thành thị, nhưng thấp hơn tới sáu lần ở trình độ đại học và tới 20 lần ở trình độ trên đại học.

Hiện nay, cơ cấu dân số của Việt Nam được đặc trưng bởi tỷ số phụ thuộc thấp (nhỏ hơn 50%), tỷ lệ dân số trẻ và dân số trong độ tuổi lao động cao. Đây được xem là “dư lợi dân số” hay “cơ cấu dân số vàng”. Tuy nhiên, muốn khai thác được lợi ích của cơ cấu dân số này thì nhóm dân số trẻ tuổi và những nhóm thuộc độ tuổi có năng suất lao động cao nhất cần phải được trang bị đầy đủ kiến thức và các kỹ năng chuyên môn.

Theo tiêu chuẩn quốc tế, từ 25 tuổi trở lên được coi là độ tuổi mà mỗi cá nhân đã trải qua tất cả các bậc giáo dục cơ bản cũng như đào tạo nghề hay đại học. Việt Nam mặc dù đã thực hiện tương đối tốt việc phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ nhưng vẫn đang phải đối mặt với một thách thức lớn trong việc đào tạo các kỹ năng chuyên môn, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu hiện tại.

Những dự báo sĩ số học sinh, sinh viên cũng như phát triển các cơ cấu bậc học chắc đã được Tổng cục Thống kê nghiên cứu khá kỹ. Vấn đề còn lại là liệu ngành giáo dục – đào tạo có đủ năng lực phân bổ và sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và xã hội để – cùng với thời cơ “dân số vàng” hiện nay – đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng đủ sức đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa đất nước hay không mà thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới