Chiến lược phát triển cần tập trung hơn vào con người
Thu Nguyệt
(TBKTSG Online) – Tại Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam tại Kiên Giang ngày 9-6, bên cạnh vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu kinh tế, các nhà tài trợ khuyến cáo Việt Nam nên tập trung hơn vào vấn đề xã hội, con người và môi trường để phát triển bền vững.
Các khuyến nghị này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 10 năm (2011-2020) và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 5 năm (2011-2015).
Theo ông John Hendra, điều phối viên thường trú tại Việt Nam của Liên hiệp quốc, Việt Nam cần phải đầu tư nhiều hơn vào phát triển xã hội và con người, vì các kế hoạch đề ra sẽ không thể đạt được nếu không có những công dân khỏe mạnh và có trình độ.
“Việt Nam nên ưu tiên đầu tư vào khu vực công và tăng tính hiệu quả của đầu tư này để tạo ra nguồn lực nhiều hơn cho xã hội. Chất lượng giáo dục hiện được xem là một trong những yếu tố giúp tăng năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh cho Việt Nam thay vì lao động giá rẻ”, ông Hendra nói.
Trong lúc đó, bà Deanna Horton, Đại sứ Canada cho rằng để có mô hình tăng trưởng kinh tế chất lượng cao, Việt Nam phải cải thiện kỹ năng cho lực lượng lao động thông qua giáo dục, gồm đào tạo theo nhu cầu, cập nhật các phương pháp giáo dục hiện đại, quản lý tốt hơn các thể chế giáo dục…
Theo Liên hiệp quốc, Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến những xu hướng xã hội và dân số nếu muốn có sự phát triển bền vững. Chẳng hạn, phải xem việc di dân từ nông thôn ra thành thị ngày càng tăng là một “hiện tượng tự nhiên” chứ không phải là một “vấn đề” trong quá trình phát triển. Vì vậy, cần xóa bỏ các rào cản đối với dịch vụ xã hội cho người nhập cư để họ dễ dàng tiếp cận hệ thống an sinh xã hội. Có như thế, mới phát huy đóng góp của người nhập cư và giảm thiểu tác động tiêu cực của hiện tượng này.