Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chiến lược xuất khẩu gạo: không thể bằng ý muốn chủ quan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chiến lược xuất khẩu gạo: không thể bằng ý muốn chủ quan

Trung Chánh

Chiến lược xuất khẩu gạo: không thể bằng ý muốn chủ quan
Nông dân đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Trung Quốc tiếp tục được doanh nghiệp xác định là thị trường "sống còn" trong xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian tới. Vậy, chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo phải trên cơ sở xác định được phân khúc sản phẩm tiêu thụ ở thị trường này là gì, chứ không thể bằng ý muốn chủ quan.

Tại hội nghị “Triển khai thực hiện chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030” tổ chức tại TPHCM hôm 17-10, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, tận dụng lợi thế cạnh tranh sẵn có để củng cố, phát triển thị trường gần, truyền thống có nhu cầu phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước là định hướng phát triển thị trường xuất khẩu gạo quan trọng nhất của Việt Nam thời gian tới.

Theo ông Huệ, châu Á là thị trường gần và quan trọng nhất đối với Việt Nam – nơi chiếm đến 68% tỷ trọng xuất khẩu gạo Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017; kế đến là châu Phi – chiếm 15% và tiếp theo mới là các thị trường khác.

Ông Huệ cho biết có ý kiến cho rằng việc lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc – chiếm đến 40% xuất khẩu gạo Việt Nam ở châu Á – là một sự rủi ro rất cao. “Nhưng, quan điểm của tôi, rõ ràng là họ có nhu cầu thật sự, chứ không phải là ngắn hạn. Nhu cầu của thị trường Trung Quốc là rất lớn”, ông nói.

Cùng quan điểm này, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn INTIMEX (INTIMEX Group) nói rằng, về mặt chiến lược, Bộ Công Thương cho biết Việt Nam xuất khẩu sang hàng trăm quốc gia. “Nhưng quan điểm của tôi, gạo của chúng ta không phải bán cho thị trường toàn cầu, mà là thị trường khu vực”, ông cho biết và khẳng định hai khu vực nhập khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là châu Á và châu Phi. Trong đó, Trung Quốc đóng vai trò là thị trường “sống còn” đối với xuất khẩu gạo Việt Nam.

Theo ông Nam, khi xác định xuất khẩu gạo tập trung ở thị trường khu vực, thì mới có được chiến lược tập trung để giải quyết vấn đề giữa "người mua với người bán" được ổn định và thành công.

Một thị trường khác cũng đóng vai trò quan trọng không kém đối với xuất khẩu gạo Việt Nam ở châu Á, theo ông Huệ, đó là Philippines.

Tuy nhiên, ông nói rằng việc xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường Philippines sẽ có sự chuyển đổi mạnh mẽ. “Cuối năm nay, Quốc hội Philippines sẽ thông qua luật để bỏ cơ chế hạn ngạch thuế quan, mở ra nhập khẩu theo cơ chế thuế quan", ông Huệ cho biết và nói rằng nếu giải quyết được điều này, thì tất cả các nước trong khối ASEAN (chủ yếu là Thái Lan và Việt Nam), tư nhân sẽ xuất khẩu tự do vào Philipines với mức thuế 35%, trong khi các nước ngoài ASEAN muốn xuất khẩu vào Philippines phải chịu mức thuế đến 400%.

Theo ông, với cơ chế nhập khẩu của Philippines thay đổi như nêu trên, là điều kiện thuận lợi thúc đẩy Việt Nam xuất khẩu gạo vào thị trường này nhiều hơn. “Do đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị xâm nhập thị trường này trên cơ sở các hợp đồng thương mại và chỉ cạnh tranh với Thái Lan thôi. Bởi, các nước ngoài ASEAN vô phải chịu thuế 400%”, ông Huệ giải thích và nói: “Tận dụng lợi thế cạnh tranh để phát triển các thị trường gần và truyền thống là như vậy”.

Vậy, những thị trường chiến lược được xác định như nêu trên đang nhập khẩu chủng loại gạo nào?

Theo ông Nam, hiện nay xuất khẩu vào Trung Quốc, đối với chủng loại gạo trắng thông dụng, Việt Nam không thể cạnh tranh được với Pakistan, Myanmar vì họ có giá “mềm” hơn. “Chúng tôi đưa gạo trắng thường vào Trung Quốc, khi chào giá 350 đô la Mỹ/tấn, thì Pakistan, Myanmar chào 340 đô la Mỹ, khi chúng tôi chào 340 đô la Mỹ, thì họ chào xuống 320 đô la Mỹ”, ông dẫn chứng.

Theo ông, qua tiếp xúc với thương nhân Trung Quốc, họ dự báo “cửa” để gạo trắng thông dụng của Việt Nam vào thị trường này về lâu dài cũng rất khó cạnh tranh. Thế nhưng, gạo nếp, gạo thơm và gạo tấm lại được tiêu thụ rất tốt ở thị trường Trung Quốc.

Còn ở khu vực châu Phi, theo ông Nam, tiêu thụ khá tốt đối với chủng loại gạo thơm Jasmine. Trong khi đó, với Philippines, gạo trắng thông dụng (15%, 25% tấm) là chủng loại gạo sẽ tiếp tục có lợi thế tiêu thụ ở thị trường này.

Từ những vấn đề nêu ra ở trên, rõ ràng việc định hướng phát triển thị trường xuất khẩu gạo trong thời gian tới của Việt Nam phải dựa trên cơ sở xác định thị trường chiến lược mà nước ta có khả năng khai thác tốt nhất cũng như nhu cầu chủng loại sản phẩm đang tiêu thụ nhiều ở thị trường đó, chứ không phải là một ý muốn chủ quan.

Tại hội nghị, ông Trần Xuân Long, Trưởng phòng Cục xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương đã trình bày về nội dung của chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, chiến lược xuất khẩu gạo của Việt Nam là sẽ giảm dần lượng gạo hàng hóa xuất khẩu, nhưng vẫn giữ ổn định và tăng giá trị xuất khẩu. Chẳng hạn, giai đoạn 2017-2020, lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 4,5-5 triệu tấn vào năm 2020, trị giá bình quân đạt 2,2-2,3 tỉ đô la Mỹ; giai đoạn 2021-2030, lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 4 triệu tấn vào năm 2030, trị giá đạt khoảng 2,3-2,5 tỉ đô la Mỹ.

Về chuyển dịch các mặt hàng xuất khẩu, đến năm 2020, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không quá 20% tổng lượng gạo xuất khẩu; gạo trắng cấp cao chiếm khoảng 25%; gạo thơm đặc sản, Japonica chiếm khoảng 30%; gạo nếp 20%; các sản phẩm từ gạo khoảng 5%. Đến năm 2030, tỷ trọng gạo trắng thường chiếm khoảng 25%, trong đó, gạo phẩm cấp thấp và trung bình không vượt 10% tổng lượng gạo xuất khẩu; gạo thơm, đặc sản, Japonica chiếm khoảng 40%; gạo nếp 25%; các loại gạo có giá trị dinh dưỡng, vi chất, gạo đồ…, tăng lên 10%.

Một điểm đặc biệt, đó là thị trường châu Á – thị trường được các doanh nghiệp khẳng định là “sống còn” trong tương lai, thì mục tiêu đến năm 2020 chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu và đến năm 2030 còn 50%, trong khi 9 tháng đầu năm nay chiếm gần 70% tổng xuất khẩu gạo Việt Nam.

Mời xem thêm:

Chông chênh chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo – Bài 1: Gọt chân cho vừa giày

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới