Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chile tuyên bố quốc hữu hóa ngành công nghiệp lithium

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tổng thống Chile Gabriel Boric vừa tuyên bố kế hoạch nhà nước nắm cổ phần kiểm soát trong ngành công nghiệp lithium mà một số nhà phân tích xem đây là hành động “quốc hữu hóa”. Ông Boric lý giải nhà nước cần kiểm soát nguồn cung lithium, kim oại thiết yếu của pin xe điện và các công nghệ xanh khác, để thúc đẩy kinh tế và bảo vệ môi trường.  Kế hoạch này làm dấy lên lo ngại đối với công ty khai khoáng đang hoạt động ở đất nước nắm giữ trữ lượng lithium lớn nhất thế giới.

Xe tải chở muối lithium tại mỏ lithium Albemarle ở sa mạc Atacama của Chile. Ảnh: AP

“Đây là cơ hội tốt nhất để chúng ta chuyển tiếp sang một nền kinh tế phát triển và bền vững. Chúng ta không thể lãng phí”, Tổng thống Boric nói trên truyền hình vào tối 20-4 khi đề cập đến kế hoạch nói trên.

Ông cho biết các dự án khai thác lithium mới ở Chile chỉ được chấp thuận với điều kiện nhà nước nắm cổ phần kiểm soát.  Theo đó, tất cả các công ty muốn khai thác lithium ở Chile sẽ phải hợp tác Công ty lithium quốc gia sắp được thành lập. Công ty này sẽ nắm cổ phần kiểm soát trong các dự án khai thác lilithum mới.

Các hợp đồng khai thác lithium hiện tại vẫn được tôn trọng. Nhưng nhà nước sẽ tìm cách thương lượng để mua cổ phần trong các hợp đồng khai thác lithium ở bình nguyên muối Salar de Atacama của hai công ty khai khoáng tư nhân SQM và Albemarle trước khi giấy phép của họ hết hạn lần lượt vào năm 2030 và 2043.

“Bất kỳ công ty tư nhân nào, dù là nước ngoài hay trong nước, muốn khai thác lithium ở Chile đều phải hợp tác với nhà nước”, Tổng thống Boric nhấn mạnh.

Kể từ khi nắm quyền vào tháng 3 năm ngoái, ông Boric đã nỗ lực cân bằng giữa thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm quyền kiểm soát nhà nước đối với nguồn cung lithium.

Kế hoạch trên cần phải được quốc hội Chile thông qua. Năm ngoái, quốc hội Chile đã bác bỏ đề xuất trao cho nhà nước độc quyền khai thác khoáng sản bao gồm lithum,

Chile là nước mới nhất trong số 16 nước tăng cường kiểm soát đối với các nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng. Mexico quốc hữu hóa lithium hồi năm ngoái. Zimbabwe cấm xuất khẩu lithium chưa qua chế biến. Trong khi đó, Indonesia hạn chế xuất khẩu quặng thô bao gồm quặng nickel, một thành phần quan  trọng của pin xe điện.

 

Việc ông Boric tuyên bố nhà nước sẽ nắm quyền kiểm soát trong các liên doanh khai thác lithium, khiến một số nhà phân tích gọi đây là hành động “quốc hữu hóa” ngành công nghiệp này. Dù vậy, các nhà phân tích khác không hoàn toàn đồng ý với nhận định này.

Nicolás Saldías, nhà phân tích cấp cao của Economist Intelligence Unit , nói: “Gọi quốc hữu hóa thì hơi quá nhưng có thể xem đây là hành động “bán quốc hữu hóa” khi sân chơi của ngành công nghiệp lithium  sẽ ngả theo hướng có lợi cho nhà nước”.

“Đây không phải là hành vi tước đoạt giấy phép khai thác lithium của khu vực tư nhân. Chile chỉ đột ngột thay đổi quy tắc kinh doanh chứ không phải đột ngột phá vỡ chúng”, Emily Hersh, Giám đốc điều hành của Luna Lithium, công ty khai thác lithium có các dự án ở châu Mỹ, nói

Chile là nhà sản xuất lithium lớn thứ hai và nắm giữ trữ lượng kim loại này lớn nhất thế giới. Nhu cầu lithium dự kiến ​​ tăng cao trong bối cảnh thế giới tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và phát triển triển các mẫu xe điện chạy bằng pin lithium-ion.

Albemarle (Mỹ) và SQM (Chile) là hai công ty khai sở hữu các mỏ lithium lớn nhất ở Chile.  Cổ phiếu phiếu của hai công ty này giảm vào hôm 21-4 sau tuyên bố trên của Tổng thống Boric.

Ricardo Mewes, người đứng đầu Liên đoàn sản xuất và thương mại, một hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Chile, nói: “Chúng tôi khá bối rối trước thông báo của Tổng thống Boric”.

Theo Mewes, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã kỳ vọng khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò lớn hơn trong lĩnh vực lithium nhưng giờ đây,  nhà nước sẽ là bên kiểm soát.

Một số nhà phân tích cho rằng những lo ngại này có thể quá mức.

Saldías của Economist Intelligence Unit, đánh giá kế hoạch mới thực sự mang lại cho khu vực tư nhân nhiều cơ hội hơn vì họ có nhiều khả năng tham gia vào các dự án lithium mới hơn so với hiện tại.

Tuy nhiên, ông cảnh báo những quy định khắt khe hơn về bảo vệ môi trường và yêu cầu tham vấn nhiều hơn với cộng đồng địa phương có thể dẫn chi phí kinh doanh gia tăng cao hơn ở Chile.

Bộ trưởng Tài chính Chile Mario Marcel kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp bình tĩnh. Ông nói, theo kế hoạch, các công ty khai thác lithum sẽ góp vốn, kiến ​​thức công nghệ và kinh nghiệm, trong khi nhà nước hẫu thuẫn tài chính, đồng thời bảo vệ các điều kiện môi trường của các bãi muối và khu vực liên quan.

Tổng thống Boric cũng cho biết chính phủ sẽ không chỉ tham gia khai thác lithium mà còn thúc đẩy phát triển các sản phẩm tinh chế từ lithium để trở thành nhà sản xuất lithium hàng đầu thế giới.

Emily Hersh, Giám đốc điều hành của Luna Lithium, nhận định kế hoạch của ông Boric phù hợp  với xu hướng hiện nay của các nước có dồi dào tài nguyên.

Bà nói: “Nỗ lực tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn ở những nước có nguồn khoáng sản dồi dào để cải thiện doanh thu là xu hướng có thể hiểu được trong dài hạn”.

Theo Financial Times, AP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới