Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ điện tử: có đi nhưng còn chậm!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ điện tử: có đi nhưng còn chậm!

Văn Nam

Chính phủ điện tử: có đi nhưng còn chậm!
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà phát biểu tại hội thảo sáng nay 22-7 – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Ứng dụng công nghệ thông tin ở các cấp chính quyền [chính phủ điện tử] hiện nay ở trạng thái “có đi nhưng còn chậm” và đã đến lúc cần một hệ thống tổng thể để triển khai thông suốt từ trên xuống dưới, không thể để rời rạc, đôi lúc bị tắc nghẽn như hiện nay.

Đó là nhận định của ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Ủy Ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2015 diễn ra tại TPHCM sáng nay (22-7).

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo sáng nay, ông Lê Mạnh Hà cho rằng cản trở lớn nhất  trong triển khai Chính phủ điện tử chính là do một số lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan không hiểu công nghệ thông tin (CNTT), không muốn áp dụng công nghệ thông tin; hậu quả là khó cải cách hành chính, nhũng nhiễu, thiếu minh bạch trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Khảo sát về chính phủ điện tử năm 2014 của Liên hiệp quốc cho thấy Việt Nam xếp thứ 99 trên 193 quốc gia trên thế giới về chỉ số phát triển chính phủ điện tử. Kết quả khảo sát dựa vào 3 tiêu chí gồm dịch vụ trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực.

Ngoài ra, về chỉ số sẵn sàng kết nối công nghệ thông tin toàn cầu thì Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng xếp Việt Nam ở vị trí 85 trên tổng số 143 quốc gia trong báo cáo tháng 4-2015, tụt một hạng so với năm trước, theo thông cáo báo chí phát đi tại hội thảo sáng nay.

Theo ông Hà, việc thiếu minh bạch này sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế, thậm chí làm mất lòng tin của người dân; muốn mọi thứ minh bạch bắt buộc phải ứng dụng CNTT bởi CNTT sẽ giúp bộ máy cơ quan nhà nước dễ giám sát, người dân dễ giám sát và tin tưởng hơn.

Ông Hà cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Nội vụ xây dựng một nghị quyết của Chính phủ về công nghệ thông tin, đưa ứng dụng CNTT vào các dịch vụ công phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp, người dân.  

Phát biểu tại hội thảo sáng nay, ông Tất Thành Cang, Phó chủ tịch UBND thành phố cho biết TPHCM đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT để giải quyết các vấn đề cấp bách như giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, phát triển y tế, giáo dục …

Đối với dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư thì thống kê đến nay tại TPHCM đã có 12.034 hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tại nhà; công khai toàn bộ quy trình giải quyết hồ sơ đăng ký đầu tư với nhà đầu tư qua email; đăng ký đầu tư trực tuyến.

Cũng theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà thì quan trọng nhất của chính phủ điện tử chính là việc kết nối các cấp chính quyền từ xã đến quận huyện, lên đến tỉnh, thành phố và lên đến trung ương. Hiện tại TPHCM đang thí điểm và đang ở giai đoạn cuối trong kết nối giữa TPHCM lên Chính phủ qua Văn phòng Chính phủ, tuy nhiên vẫn còn bị một vài điểm nghẽn tại Văn phòng UBND thành phố nên chưa kết nối được, thông tin vẫn đổ về thành phố nhưng không đi được.

“Một thành phố lớn nhất nước mà bị tắc bởi cái ‘lô cốt’ cuối cùng tại văn phòng ủy ban như vậy là không đúng, tôi nghĩ vấn đề nằm ở chính những người làm công nghệ thông tin tại văn phòng lại không tích cực”, ông Hà nêu ví dụ về điểm nghẽn trong kết nối công nghệ thông tin giữa địa phương và trung ương.

Trên phạm vi toàn quốc, hiện nay Văn phòng Chính phủ đang đẩy mạnh việc kết nối thông tin thông suốt cả 4 cấp, đang khảo sát hiện trạng thực hiện chính phủ điện tử tại từng tỉnh thành cụ thể để có giải pháp cho từng địa phương để kết nối lên Chính phủ.

Xem thêm:

>> Chính phủ điện tử đóng trọn hai vai

>> Thủ tướng không hài lòng về cải thiện môi trường kinh doanh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới