Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ cam kết kề vai sát cánh với doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ cam kết kề vai sát cánh với doanh nghiệp

Tư Hoàng

Chính phủ cam kết kề vai sát cánh với doanh nghiệp
VBF là diễn đàn đối thoại hàng năm giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp – Ảnh TH

(TBKTSG Online) – “Chính phủ cam kết kề vai sát cánh với doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn và có những giải pháp hợp lý bảo đảm quyền lợi chính đáng của các bạn”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói hôm nay 1-12, tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đưa ra cam kết mạnh mẽ tại tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2015 (VBF) diễn ra ngày 1-12 tại Hà Nội. Đây là diễn đàn đối thoại chính sách hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tổ chức.

Ông Ninh nói tiếp: “Tôi đề nghị các bộ, ngành Việt Nam dưới sự quản lý của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đã đặt ra như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi”.

“Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, … đây là cơ hội nhưng không ít khó khăn đòi hỏi cạnh tranh gay gắt quyết liệt hơn”, ông Ninh nói.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí trên nhiều lĩnh vực còn nhiều bất cập. Dù Chính phủ đã nỗ lực cải thiện thể chế và thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém.

“Việt Nam vẫn đang trên đường hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường nên còn rất nhiều việc phải làm, nhất là đứng trước những yêu cầu ngày càng cao hơn để hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới”, ông Vinh nhận xét.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận xét rằng cải cách thể chế vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Ông Lộc cho biết, các cuộc khảo sát gần đây của VCCI về cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan, cho thấy một tín hiệu đáng lo ngại là doanh nghiệp tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, doanh nghiệp quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều.

“Đây là một lực cản đáng kể khiến các doanh nghiệp không lớn lên được và quy mô bình quân của doanh nghiệp Việt Nam đang nhỏ dần đi theo các số liệu thống kê công bố gần đây. Chúng tôi đề nghị có biện pháp khắc phục việc này”, ông kiến nghị.

Theo ông Lộc, sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay.

Bên cạnh đó, sự chậm trễ, hiện tượng oan sai trong xét xử, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm, hiện tượng không công nhận và toà án huỷ các phán quyết trọng tài khá tùy tiện… đang phát đi những tín hiệu không tốt về môi trường kinh doanh lành mạnh.

“Do vậy, song hành với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới”, ông Lộc nói.

“Điểm nghẽn đáng quan ngại nhất của phát triển lại là khu vực giữ vai trò động lực – khu vực tư nhân trong nước. Nói một cách hình ảnh, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập, nhưng khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn cô đơn”, ông nói.

Bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), cho rằng Việt Nam rất thành công trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu nói chung và với Hoa Kỳ nói riêng.

Năm nay, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt-Mỹ tiếp tục tăng trưởng khoảng 20%, đạt 45 tỉ đô la Mỹ, và có thể kỳ vọng đạt khoảng 80 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020 nếu khuynh hướng này tiếp tục được duy trì và thậm chí có thể cao hơn khi có TPP.

Hơn thế nữa, Việt Nam đang gia tăng vị thế là nhà cung cấp hàng đầu trong khu vực ASEAN cho Hoa Kỳ. Việt Nam hiện chiếm 22% thị phần ASEAN cho Hoa Kỳ và có thể vượt 30% trước năm 2020, nếu xu hướng hiện tại được tiếp tục.

Bà cho biết, Việt Nam có thể là quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ TPP và xuất khẩu của Việt nam sẽ tăng đến 28,4% khi thực thi TPP.

Theo ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (Eurocham), năm 2015 ước tính có 40.000 người Việt Nam đã đi nước ngoài chữa trị bệnh, với chi phí tương đương khoảng 5 tỉ đô la Mỹ. Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu 90% các thiết bị y tế, và chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất 600 sản phẩm được Bộ Y Tế cấp phép.

Các doanh nghiệp hiệp hội này kiến nghị Việt Nam cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia ngang hàng với các công ty địa phương trong mua sắm công để đáp ứng nhu cầu một hệ thống chăm sóc sức khỏe phổ quát hiện đại và sáng tạo.

Bên cạnh đó, quy trình đăng ký thuốc cần phải hiệu quả hơn, loại bỏ các yêu cầu thử nghiệm lâm sàng ở địa phương, và quy trình hoàn trả tiền thuốc kịp thời là chìa khóa để giúp người bệnh cải thiện cách tiếp cận tới các sản phẩm dược sáng tạo cùng lộ trình với các nước ASEAN khác.

“Những khuyến nghị này không chỉ giúp cải thiện chất lượng sức khỏe người dân Việt Nam, mà còn giúp tiết kiệm 2 tỉ đô la Mỹ chi cho y tế – du lịch mỗi năm”, ông khẳng định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới