Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ cầm lái thay vì bơi chèo (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ cầm lái thay vì bơi chèo (*)

(TBKTSG) – Đã đến lúc cuộc sống đòi hỏi chính phủ không phải chỉ phát hiện ra những vấn đề mới của cuộc sống đang đòi hỏi, mà còn phải nhìn nhận, xử lý những vấn đề cũ, quen thuộc thường ngày bằng tư duy mới, giải pháp xử lý mới.

Nói chung, chính phủ tư duy theo lối truyền thống thường bỏ nhiều công sức, tiền của để giải quyết những vấn đề phức tạp của đất nước phát sinh trong quá trình điều hành, mà những vấn đề phức tạp luôn phát sinh thiên hình vạn trạng. Để giải quyết tình trạng bệnh tật thì tăng kinh phí để mở bệnh viện, mua sắm thiết bị y tế, thuốc men. Giải quyết tội phạm thì tăng kinh phí cho lực lượng cảnh sát, mở thêm trại giam, trung tâm cải tạo… Giải quyết nạn hỏa hoạn thì tăng kinh phí mua xe vòi rồng…

Nhìn chung, tư duy như vậy không sai nhưng cũ và kém hiệu quả.

Ở đây có vấn đề về nhận thức vai trò của chính phủ: chính phủ tập trung vào “bơi chèo” hay “cầm lái”. Chính phủ tập trung vào bơi chèo sẽ không thấy được một cách bao quát hải trình sắp đi qua, phải đi qua để tránh bãi cạn, đá ngầm, vùng nước xoáy…

Cũng như vậy, để cho những vấn đề xã hội trở nên xấu đi, như tăng người vô gia cư, dịch bệnh, tệ nạn xã hội… rồi mới tập trung vào việc tăng lực lượng cảnh sát, tăng trợ cấp, cứu trợ, tăng chi phí giúp đỡ y tế. Đó là cách chữa bệnh theo triệu chứng chứ không phải chữa nguyên nhân.

Gần đây Chính phủ quả là bận rộn, gần như “tả xung hữu đột”. Ngoài việc tập trung hết tâm sức để chống chọi với ảnh hưởng của cơn bão tài chính toàn cầu, Chính phủ còn phải lo đối phó với những vấn đề trọng đại như ô nhiễm môi trường, sữa có melamine, tồn đọng lúa trong dân, cá ba sa, cá tra ở ĐBSCL, giá xăng dầu biến động, giá nông sản cà phê, cao su, lúa gạo sụt giảm nghiêm trọng, thiên tai dồn dập…

Thời đại ngày nay sự thay đổi diễn ra một cách nhanh chóng và ngày càng phức tạp, dồn dập. Chính vì vậy đòi hỏi phải có một chính phủ với tư duy tiên liệu phòng ngừa. Nếu chỉ chú tâm vào giải quyết những vấn đề trước mắt mà không tiên liệu trước viễn cảnh tương lai là một thiếu sót lớn. Theo điều tra khảo sát, người ta nhận thấy rằng nhiều chính phủ theo tư duy truyền thống chi cho cứu hỏa nhiều gấp trăm lần chi cho phòng cháy chữa cháy.

Với tư duy cầm lái, chính phủ chi cho việc xây dựng hoàn chỉnh các luật lệ xử phạt nghiêm những hành vi thiếu thận trọng với lửa, tạo thói quen thận trọng, xây dựng hệ thống bảo hiểm hỏa hoạn hoàn chỉnh, những quy định nghiêm ngặt về xây dựng để đề phòng hỏa hoạn, lắp đặt hệ thống phun nước báo cháy tự động… Về chăm lo sức khỏe thì chuyển kinh phí ưu tiên cho phòng bệnh thay vì chữa bệnh, chi cho phụ nữ có thai để mong có những công dân khỏe mạnh sau này, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi nghĩa là tập trung chăm sóc sức khỏe ban đầu. Mục tiêu là làm cho mọi người được mạnh khỏe để khỏi phải chữa bệnh.

Về bảo vệ môi trường, để phòng ngừa ô nhiễm, hướng sản xuất vào việc làm sao để giảm chất gây ô nhiễm, tìm kiếm công nghệ sạch, năng lượng sạch… Tóm lại, đó là một chính phủ có tầm nhìn xa và dự liệu trước tương lai. Nhưng muốn như vậy thì chính phủ phải xây dựng chương trình mục tiêu, đó là một quá trình có tính hệ thống, tức là xác định phải làm gì, có công cụ gì để làm. Chính phủ như vậy phải thiết lập kế hoạch hóa chiến lược.

Đã đến lúc cuộc sống đòi hỏi chính phủ không phải chỉ phát hiện ra những vấn đề mới của cuộc sống đang đòi hỏi, mà còn phải nhìn nhận, xử lý những vấn đề cũ, quen thuộc thường ngày bằng tư duy mới, giải pháp xử lý mới.

DIỆP VĂN SƠN

(*) Nhân đọc bài “Quản lý nhà nước đừng như… cha với con”, TBKTSG số ra ngày 5-3-2009.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới