Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ chấp nhận cho ‘xóa sổ’ vùng sản xuất mía không hiệu quả

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ chấp nhận cho ‘xóa sổ’ vùng sản xuất mía không hiệu quả

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Chính phủ chấp nhận cho chuyển đổi một số vùng sản xuất mía không hiệu quả và cơ cấu lại các nhà máy đường thua lỗ, yếu kém theo quy luật thị trường. Điều này, đồng nghĩa với việc Chính phủ chấp nhận cho “xóa sổ” các vùng sản xuất mía không hiệu quả.

Giá mía xuống thấp, nông dân ‘tháo chạy’

Chính phủ chấp nhận cho ‘xóa sổ’ vùng sản xuất mía không hiệu quả
Nông dân Hậu Giang thu hoạch mía. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin nêu trên được thể hiện trong chỉ thị 28/CT-TTg về “triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới” do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký ban hành vào hôm nay, 14-7.

Theo đó, quan điểm của Chính phủ trong thời gian tới đối với ngành mía đường là chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế một cách bình đẳng với tinh thần độc lập, tự cường; chấp nhận chuyển đổi một số vùng sản xuất mía không hiệu quả và cơ cấu lại các nhà máy đường thua lỗ, yếu kém theo quy luật kinh tế thị trường; hình thành vùng nguyên liệu mía gắn với nhà máy sản xuất đường đảm bảo hoạt động hiệu quả, đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Chỉ thị nêu trên yêu cầu ngành mía đường cần tận dụng triệt để các lợi thế để phát huy năng lực, bao gồm về việc tổ chức lại sản xuất, nâng cao hiệu quả trồng mía, giảm giá thành sản xuất đường; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đường trên thế giới dự báo vẫn còn tăng; sản xuất điện, phân bón, ethanol, thức ăn chăn nuôi từ các phụ phẩm mía đường.

Bên cạnh đó, ngành mía đường cần nhìn nhận, phân tích các thách thức, yêu cầu đang đặt ra để có các giải pháp nhằm cơ cấu thực chất hoạt động sản xuất, kinh doanh; tập trung cải thiện năng suất, chất lượng mía nguyên liệu; nâng cao năng lực chế biến và khả năng cạnh tranh của các nhà máy sản xuất đường; phát triển ngành mía đường phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Với quan điểm chỉ đạo trên, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định "đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp"; ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hàng năm cho công tác nghiên cứu giống mía mới và hỗ trợ triển khai dự án giống mía ba cấp ở vùng sản xuất mía trọng điểm; đẩy mạnh cơ giới hóa, thủy lợi hóa vùng mía tập trung; nghiên cứu sản xuất, chế biến để đa dạng hóa các sản phẩm từ cây mía và từ phế phụ phẩm trong sản xuất đường.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương và nhà máy đường xây dựng các mô hình cánh đồng mía lớn được cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng trồng mía tập trung gắn với phát triển hợp tác xã nông nghiệp; rà soát, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan; nghiên cứu đề xuất bổ sung cây mía vào nhóm cây trồng thuộc đối tượng hỗ trợ bảo hiểm khi xảy ra thiên tai có ảnh hưởng đến người nông dân trồng mía.

Đối với Bộ Công Thương, chủ động theo dõi, kịp thời đề xuất việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế; hình thành cơ sở dữ liệu đồng bộ, chính xác về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất trên cơ sở thông tin do các cơ quan chức năng cung cấp để sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tư vấn, chuẩn bị hồ sơ phòng vệ thương mại.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý liên quan đến hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu sản phẩm đường phù hợp với tình hình mới; phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ xem xét sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định "xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP, trong đó, nghiên cứu đề xuất nâng mức phạt tiền có tính răn đe cao và hình thức phạt bổ sung đối với các trường hợp vận chuyển mặt hàng đường nhập lậu…

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên dành nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận tín dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mía đường; xem xét thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, chỉ thị nêu trên cũng giao những yêu cầu cụ thể khác cho các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, UBND các địa phương trực thuộc Trung ương và Hiệp hội mía đường Việt Nam trong việc triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới.

 

Điều tra chống bán phá giá đường lỏng từ Trung Quốc và Hàn Quốc

 

Trong một diễn biến khác có liên quan đến ngành mía đường, Bộ Công Thương vừa có quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột bắp (còn gọi là đường lỏng HFCS- High- Fructose Corn Syrup) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo đó, ngày 21-5 vừa qua, Cục phòng vệ Thương mại của Bộ Công Thương nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột bắp có các mã là HS 1702.60.10 và 1702.60.20 (hàng hóa bị điều tra) có xuất xứ từ hai quốc gia như nêu trên.

Cụ thể, bên yêu cầu là đại diện của ngành sản xuất đường tinh luyện trong nước với 6 đơn vị, gồm Công ty cổ phần mía đường Sơn La, Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ, Công ty TNHH MK Sugar Việt Nam và Công ty cổ phần mía đường La Ngà.

Sau khi đối chiếu với các điều luật liên quan, Bộ Công Thương đã quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Theo quy định pháp luật, sau khi khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá các nội dung cáo buộc gồm, thứ nhất, hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc; thứ hai, thiệt hại của ngành sản xuất đường tinh luyện của Việt Nam và thứ ba là mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất đường tinh luyện trong nước.

Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào kết quả điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời để ngăn chặn hành vi bán phá giá tiếp tục gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương sẽ thực hiện việc thẩm tra, xác minh lại các thông tin do các bên liên quan cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức về vụ việc. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức tham vấn công khai để các bên liên quan trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm về vụ việc trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Bộ Công Thương khuyến nghị tất cả các tổ chức, cá nhân đang xuất nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra đăng ký làm bên liên quan và cung cấp các thông tin cần thiết tới Bộ Công Thương để đảm bảo quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương có thể áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa bị áp thuế trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời. Vì vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra cần lưu ý về khả năng áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời và thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới