Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ: Có thể hoàn thành các mục tiêu đã đề ra cho năm 2018

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ: Có thể hoàn thành các mục tiêu đã đề ra cho năm 2018

Vân Ly

(TBKTSG Online) – Với kết quả đạt được của 11 tháng đầu năm nay, Chính phủ có thể khẳng định sẽ hoàn thành tất cả các mục tiêu kế hoạch đã đề ra cho năm 2018.

Chính phủ: Có thể hoàn thành các mục tiêu đã đề ra cho năm 2018
Ông Mai Tiến Dũng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ điều hành buổi họp báo. Ảnh: Chinhphu.vn

Thông tin trên do ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra tại Hà Nội vào chiều tối 3-12.

Ông cho biết, tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng tiếp tục đạt những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 giảm 0,29% (thấp nhất trong 9 năm qua), bình quân 11 tháng tăng 3,59%. Nông nghiệp phát triển tốt, đàn bò tăng 2,2%, đàn lợn tăng 2,8%, đặc biệt sản lượng thủy sản tăng 6,2%. Sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ ở mức cao, 11 tháng tăng 10,1%. Ngành công chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục tăng trưởng ấn tượng 12,2%, duy trì ở mức hai con số.

“Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 11,5%. Khách quốc tế 11 tháng đạt 14,12 triệu lượt, tăng 21,3% và Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu thu hút 15 triệu khách quốc tế trong năm 2018. Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, đạt 223,63 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,4%. Xuất siêu ở mức kỷ lục 6,8 tỉ đô la Mỹ, duy trì mức xuất siêu liên tục trong nhiều tháng qua”, ông Dũng nói.

Trong 11 tháng qua, có trên 121.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký tăng 9,1%; tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt trên 3,4 triệu tỉ đồng; gần 32.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 30,9% so với cùng kì năm ngoái.

Không để thiếu điện trong năm 2019

Tại buổi họp báo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã trả lời câu hỏi của phóng viên đặt ra về việc nhà máy nhiệt điện thiếu than trong khi ngành than kêu khó khăn khi phải khai thác ở độ sâu ngày càng lớn dẫn tới nguy cơ thiếu than cho nhiệt điện. Bộ Công Thương đã chuẩn kịch bản nào cho tình trạng này trong thời gian tới?

Ông Hải cho hay từ tháng 10 vừa qua, Bộ Công Thương đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN để xây dựng kế hoạch cung cấp điện cho năm 2019 và trong các tháng cuối năm 2018. Thực tế là nhiều hồ thuỷ điện ở miền Trung – Tây Nguyên xảy ra tình trạng khô hạn, mực nước thấp hơn mức trung bình nhiều năm, làm ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cho kế hoạch cung cấp điện năm 2019. Tuy nhiên Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN tính toán phương án cung ứng điện theo các kịch bản được tính trước.

Theo ông Hải, sản lượng điện năm 2019 sẽ đạt 242 tỉ kWh ở phương án cơ sở và 243,5 tỉ kWh ở phương án cao với tốc độ tăng trưởng tương đương tốc độ tăng trưởng dự báo trong tổng sơ đồ phát triển điện lực. Các phương án cung cấp điện đã tính toán đến khả năng cung cấp nước cho hạ du của các hồ thuỷ điện trong mùa khô 2019 mà trước mắt là cấp nước cho vụ Đông Xuân của Đồng bằng Bắc Bộ.

“Bộ Công Thương khẳng định sẽ bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh, nhu cầu của người dân. Tuy nhiên trong một số trường hợp sẽ phải huy động từ 2-7 tỉ kWh từ các nguồn điện dầu (có thể đắt hơn điện than), nhưng quan trọng nhất Bộ Công Thương khẳng định bảo đảm đủ điện trong năm 2019. Nhưng cũng mong các cơ quan xí nghiệp, người dân sử dụng điện tiết kiệm, nước trong sản xuất, sinh hoạt để bảo đảm an ninh năng lượng”, ông Hải nói.

Giải thích về việc việc giữa ngành than và ngành điện nói rằng không đủ than để cho sản xuất nhiệt điện, ông Hải cho biết theo báo cáo của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Than Đông Bắc (hai đơn vị hiện cung cấp than chính cho nhiệt điện), thì riêng năm 2018 hai đơn vị này đạt xấp xỉ cam kết cung cấp than để sản xuất điện. Dự kiến năm 2018 TKV khai thác 28,9 triệu tấn than, tăng 22% so với năm 2017. Tổng công ty Than Đông Bắc khai thác 5,8 triệu tấn than, tăng 15% so với năm 2017, đạt 98% cam kết cung cấp than cho nhiệt điện.

Song do năm 2018 lượng nước về các hồ thuỷ điện thiếu hụt làm ảnh hưởng đến thuỷ điện, trong khi giá than thế giới cao hơn trong nước nên một số nhà máy nhiệt điện không mặn mà nhập khẩu. Thời gian tới Bộ Công thương sẽ báo cáo Chính phủ, nếu trong trường hợp trong nước không đủ than thì phải nhập khẩu để luôn bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, tổng doanh thu bán điện năm 2017 của EVN là 289.954 tỉ trong đó chi phí sản xuất là 291.278 tỉ đồng, kinh doanh điện đang bị lỗ. Tuy nhiên, EVN có thêm một số khoản thu nhập như tiền gửi ngân hàng, cổ tức, lợi nhuận mà EVN có hợp tác, liên doanh trong ngành điện. Ngoài ra năm 2017, EVN có khoản chênh lệch tỉ giá 5.117 tỉ đồng, và nếu cộng tất cả nguồn thu và chi của năm 2017 thì EVN lỗ 2.219 tỉ đồng.

Về kịch bản điều hành giá điện, ông Hải cho hay năm 2018, Bộ Công Thương đã thực hiện không điều chỉnh tăng giá điện nhưng việc xây dựng kịch bản giá điện năm 2019 thì sẽ thực hiện theo Quyết định 24/QĐ-TTg và kế hoạch cung cấp điện năm 2019 do Bộ Công Thương ban hành. Bộ Công Thương sẽ xem xét kỹ và xây dựng kịch bản giá điện năm 2019 theo dúng quy định và có xem xét tác động của việc điều chỉnh giá điện. Sau khi EVN xây dựng phương án, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để thẩm tra, thẩm định; phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá ảnh hưởng các kịch bản điều chỉnh giá điện lên tốc độ tăng trưởng, GDP, chỉ số CPI, ảnh hưởng đến chi phí của các khách hàng lớn và các hộ sinh hoạt.

“Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá kịch bản điều hành giá điện năm 2019 trong tháng 12 này. Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Công Thương sẽ xem xét hoàn chỉnh các kịch bản điều hành giá điện để báo cáo Chính phủ”, ông Hải nói

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới