Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ: dành tất cả những gì tốt nhất cho TPHCM phòng chống dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ: dành tất cả những gì tốt nhất cho TPHCM phòng chống dịch

Vân Ly

(KTSG Online) – Chỉ đạo hoạt động chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với TPHCM là một quyết định rất khó khăn nhưng cần thiết và phù hợp trong lúc này, đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Thủ tướng cũng yêu cầu dành tất cả những gì tốt nhất cho TPHCM trong công cuộc phòng chống dịch.

Chính phủ: dành tất cả những gì tốt nhất cho TPHCM phòng chống dịch
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo tất cả vì TPHCM chống dịch tại phiên họp ngày 8-7. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục sát cánh hàng ngày chống dịch, các Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo các nhiệm vụ trong lĩnh vực được giao để TPHCM thực hiện bằng được ưu tiên cao nhất lúc này là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, chống dịch hiệu quả, dứt khoát không để ai thiếu ăn, thiếu mặc và các nhu cầu tối thiểu, thiết yếu.

Thông tin trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính nói khi chủ trì cuộc họp trực tuyến với TPHCM vào ngày 8-7.

Nhận 8,7 triệu liều vaccine trong tháng 7, sẽ ưu tiên cho TPHCM

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong tháng 7 này, sẽ có 8,7 triệu liều vaccine Covid-19 về Việt Nam và sẽ ưu tiên cho TPHCM, các tỉnh lân cận có dịch; ưu tiên lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế.

Theo đề nghị của Thành phố, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý quyết định áp dụng biện pháp mạnh hơn, thực hiện Chỉ thị 16 giãn cách TPHCM 15 ngày để ngăn chặn, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh tại TPHCM. Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện giãn cách xã hội nhưng làm sao cuộc sống của nhân dân không bị đảo lộn, bảo đảm an ninh trật tự, đặt sức khoẻ, tính mạng của nhân dân lên trên hết. TPHCM phải ưu tiên cho phòng, chống dịch Covid-19.

Cuộc họp về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, sau khi Thành phố đề xuất và Thủ tướng đồng ý áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn thành phố từ 0  ngày 9-7.

Báo cáo tình hình, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhìn nhận, việc phòng chống dịch tại TPHCM không chỉ đơn thuần cho thành phố này mà còn quyết định thành công trong phòng chống dịch của cả nước, nhất là các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Bộ Y tế sẽ cử lực lượng (khoảng 10.000 cán bộ y tế) giúp Thành phố lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị… và thiết lập 24 đoàn công tác  hỗ trợ.

Ông Long khuyến nghị TPHCM áp dụng 3 hình thức giãn cách: toàn Thành phố áp dụng theo Chỉ thị 16; một số khu vực nguy cơ cao thực hiện phong tỏa; khu vực vùng lõi áp dụng cơ chế như cách ly tập trung. Với vùng lõi nên tiến hành xét nghiệm 3 ngày/lần, với khu vực nguy cơ cao thì 5-7 ngày/lần, với khu vực khác thì tầm soát, lấy mẫu gộp, lấy mẫu theo hộ gia đình.

Ông Long cho  biết, trong tháng 7 này, sẽ có 8,7 triệu liều vaccine về Việt Nam và sẽ ưu tiên cho TPHCM, các tỉnh lân cận có dịch. Ưu tiên lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế, ưu tiên người trên 65 tuổi và có bệnh lý nền. Việc tiêm chia thành nhiều điểm nhỏ và chia theo khung giờ thay vì tập trung điểm lớn, bố trí 30 xe tiêm chủng lưu động cho một số khu vực dân cư.

Trước kiến nghị chi viện nhân lực của TPHCM, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết TPHCM thiếu bao nhiêu nhân lực y tế, Bộ sẽ hỗ trợ bấy nhiêu. Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ, trao đổi rất cụ thể với Thành phố mang tên Bác để chi viện, tăng cường lực lượng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ.

Cũng tại buổi họp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngành công thương xác định nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là phối hợp cung ứng đầy đủ hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người dân TPHCM và các tỉnh phía Nam. Ngay chiều 7-7, theo chỉ  đạo của Thủ tướng, Bộ đã lập Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này do một Thứ trưởng đứng đầu. Ông Diên cũng cam kết với Chính phủ, Thủ tướng, Bộ này sẽ phối hợp cùng các địa phương cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống.

Còn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về phân luồng, phân tuyến bảo đảm lưu thông hàng hóa và phòng chống dịch. Bộ này đã có các hướng dẫn cụ thể như cấp phù hiệu ưu tiên cho các xe vận tải theo hình thức trực tuyến bất kể ngày đêm, tạo “luồng xanh” không dừng nhưng lái xe phải đáp ứng quy định phòng, chống dịch, tiền kiểm tại nơi xuất hàng, hậu kiểm tại nơi nhận hàng, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các lái xe; ứng dụng công nghệ để giám sát hành trình, truy vết khi có vấn đề xảy ra…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong bối cảnh ngân sách gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, Bộ đang tích cực phối hợp, chỉ đạo các cấp, các cơ quan triển khai nhanh nhất các khoản chi thực hiện chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; bổ sung hơn 7.650 tỉ đồng mua thêm 61 triệu liều vaccine…

Còn thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn khẳng định lực lượng công an đã tính toán các phương án, tình huống bảo đảm an ninh trật tự khi dịch kéo dài, tác động mạnh nhiều mặt tới đời sống xã hội và sẽ phối hợp tốt nhất với các cơ quan, địa phương trong công tác này.

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, các phần mềm phục vụ công tác chống dịch đã tích hợp vào hồ sơ sức khỏe điện tử, trong đó khâu nhập dữ liệu và trả kết quả xét nghiệm đã bắt đầu chạy từ sáng 8-7. Hiện có gần 100 kỹ sư công nghệ thông tin tại Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia hỗ trợ TPHCM 24/24h. Một số ứng dụng đã nhanh chóng được phát triển để hỗ trợ TPHCM và coi phát triển công nghệ chống dịch cho TPHCM để sau này dùng cho toàn quốc. Đây là cơ hội tốt để hoàn thiện công nghệ cho nên các kỹ sư đã làm việc ngày đêm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khuyến nghị TPHCM áp dụng 3 hình thức giãn cách: Toàn Thành phố áp dụng theo Chỉ thị 16; một số khu vực nguy cơ cao thực hiện phong tỏa; khu vực vùng lõi áp dụng cơ chế như cách ly tập trung.

Với vùng lõi nên tiến hành xét nghiệm 3 ngày/lần, với khu vực nguy cơ cao thì 5 đến 7 ngày/lần, với khu vực khác thì tầm soát, lấy mẫu gộp (Bộ Y tế khuyến nghị lấy mẫu gộp 5), lấy mẫu theo hộ gia đình.

TPHCM chuẩn bị 50.000 giường điều trị, bố trí riêng các khu điều trị tập trung cho bệnh nhân không có triệu chứng (chiếm khoảng 70% tổng số ca nhiễm). Tất cả các bệnh viện trên toàn Thành phố sẵn sàng điều trị bệnh nhân nặng. Khu cuối cùng là điều trị bệnh nhân nguy kịch, gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới