Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ đề nghị xem xét tăng giờ làm thêm với người lao động

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào chiều 10-3, đại diện Chính phủ đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng giờ làm thêm của người lao động trong bối cảnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.

Ảnh công nhân đang lao động tại một nhà máy. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Tờ trình của Chính phủ, đại dịch Covid-19 xảy ra liên tục trong 2 năm qua đã làm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, lao động không có việc làm và thất nghiệp tăng, sự dịch chuyển lao động lớn gây thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật ở nhiều địa phương…

Thực tế, các quy định về giới hạn làm thêm trong tháng, trong năm tại Điều 107 của Bộ luật Lao động cần điều chỉnh trong giai đoạn ngắn để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, người lao động có việc làm và thêm thu nhập, ổn định lại cuộc sống. Do đó, Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép nâng số giờ làm thêm trong 1 tháng và số giờ làm thêm trong 1 năm của người lao động, được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, công việc.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nghị quyết về giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động với nội dung cơ bản như sau: nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng, quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động, khi người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc làm thêm giờ từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ và tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong 1 năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động. Các quy định giới hạn giờ làm thêm theo ngày và việc nghỉ ngơi (nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca…), tiền lương tuân thủ theo Bộ luật Lao động nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Về thời gian áp dụng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo nghị quyết được xây dựng trong bối cảnh đặc biệt và cấp bách. Theo đó, về nguyên tắc, việc thực hiện chính sách tại dự thảo nghị quyết chỉ nên thực hiện trong một thời gian ngắn, thích hợp để giải quyết những vấn đề cấp bách, cấp thiết.

Vì vậy, thời gian áp dụng chính sách này kể từ thời điểm nghị quyết được ký ban hành đến thời điểm các biện pháp quy định tại Điểm 3 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV hết hiệu lực thi hành.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, đây là yêu cầu cấp thiết và khách quan từ thực tiễn cuộc sống. Nhiều doanh nghiệp rất căng thẳng khi đơn hàng khẩn trương mà nhân lực không đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Người lao động sẽ tính thời gian làm thêm như các ngày lễ, tết và làm thêm ban đêm.

Trình bày báo cáo thẩm tra về vấn đề trên, bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng dịch Covid-19 đã để lại ảnh hưởng tiêu cực lớn đến nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động – khi chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng cùng hàng loạt đơn hàng bị đứt gãy, đình trệ… tác động mạnh tới người lao động, đẩy người lao động vào hoàn cảnh khó khăn do phải giãn việc, ngừng việc, nghỉ việc, mất việc làm. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, để nhất quán thực hiện chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thì việc tăng thời giờ làm thêm trong thời điểm hiện nay được nhìn nhận và đánh giá như một giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất, khắc phục những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra cho người lao động và người sử dụng lao động, góp phần cho quá trình phục hồi kinh tế-xã hội của đất nước là rất cần thiết.

Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhất trí với Chính phủ về sự cần thiết mở rộng các ngành, nghề, công việc được áp dụng tối đa 300 giờ một năm.

Ông Nguyễn Khắc Định, Phó chủ tịch Quốc hội, cho rằng thực tế từ 27-4-2020 đến nay nhiều lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống Covid-19 như y tế, công an, quân sự làm việc gần như 24/24 giờ. Đối với những người đã đi làm thêm thực tế lên 72 giờ/tháng trong thời gian vừa qua thì cũng được truy lĩnh, khi nghị quyết này có hiêu lực thi hành.

Ông Định cho rằng, đây là bối cảnh đặc biệt, cần có tư duy mới để đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh, trả công cho người lao động xứng đáng với việc đã làm thêm trên thực tế. Một số hiệp hội nghề nghiệp ở Nhật Bản còn đề xuất làm đến 400 giờ/năm.

Cũng tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành việc ban hành nghị quyết này. Cần có giải pháp thiết thực để doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và thực tiễn quá trình phục hồi kinh tế, phù hợp với nhu cầu của người lao động sau một thời gian bị giãn cách xã hội. Song ông đề nghị Chính phủ rà soát chế độ tiền lương trong thời giờ làm thêm sao cho tương xứng với công sức của người lao động bỏ ra, không áp dụng với mọi ngành nghề và một số đối tượng như người chưa thành niên, người khuyết tật, hoặc phụ nữ mang thai.

Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật cho rằng, qua tham khảo ý kiến người lao động, Tổng Liên đoàn thống nhất với dự thảo nghị quyết này. Đồng thời cần nghiên cứu bổ sung các biện pháp để bảo đảm phúc lợi cho người làm thêm để có sức khoẻ tái sản xuất.

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, cho rằng đây là giải pháp cấp thiết trong bối cảnh hiện nay là phục hồi kinh tế. Đa số ý kiến đồng tình đề xuất nâng thời gian làm thêm và chỉ áp dụng khi được người lao động tự nguyện, bảo đảm đúng chế độ tiền lương, tiền công, sức khỏe và an toàn đối với người lao động.

Được biết, ngày 24-3 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo nghị quyết này sau khi được các cơ quan tiếp thu, giải trình.

1 BÌNH LUẬN

  1. Trước khi tăng giờ làm thêm thì nên tăng mức tiền lương tối thiểu lên, ít nhất 1 triệu đồng mỗi khu vực. Bão dịch, rồi đến “bão giá”, bây giờ đến “bão giờ” nữa thì lấy gì mà chống chịu cho nổi ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới