Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ điện tử: bắt đầu từ các đề án nhỏ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ điện tử: bắt đầu từ các đề án nhỏ

Hội nghị tham vấn về chính phủ điện tử với các tập đoàn CNTT nước ngoài diễn ra tuần qua – Ảnh: Vân Oanh

(TBKTSG Online) – Trong quá trình triển khai chính phủ điện tử (CPĐT), Việt Nam nên tránh hình thành những dự án quá lớn; bởi các dự án lớn thường hay thất bại.

Đa số các chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) đã đưa ra nhận xét như trên tại buổi tham vấn của Bộ Thông tin và Truyền thông với các tập đoàn CNTT nước ngoài, diễn ra trong tuần qua tại Hà Nội.

Với kinh nghiệm hỗ trợ triển khai CPĐT tại các nước khác và xem xét thực trạng tại Việt Nam, các chuyên gia này đề nghị, có thể chia dự án lớn thành nhiều phần nhỏ để dễ kiểm soát và quản lý. Mặt khác, cần triển khai dự án điểm để rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà.

Đại diện các tập đoàn CNTT cho rằng, cần thiết phải có kiến trúc đồng bộ cho CPĐT, đảm bảo khả năng tương thích và thông suốt từ trung ương tới địa phương. Hơn nữa, một việc rất quan trọng để phát triển CPĐT, theo đại diện các tập đoàn, là cần phải phổ cập Internet thì người dân mới có công cụ để tiếp cận CPĐT.

Ông Russell Craig, chuyên gia tư vấn cao cấp của Tập đoàn Cisco chia sẻ, để CPĐT thành công, nhà nước không chỉ chú ý đến việc cung cấp dịch vụ mà còn phải xét năng lực của chính phủ trong việc đáp ứng yêu cầu của người dân. Bởi CPĐT không chỉ là ứng dụng công nghệ vào hoạt động của chính phủ mà còn là chất lượng dịch vụ do chính phủ cung cấp cho người dân; bên cạnh đó cần đầu tư vào nhân lực, vì con người là nhân tố giúp cho phát triển CPĐT.

Vẫn theo ông Russell Craig, việc công bố thành công hay thất bại của CPĐT cũng là việc làm cần thiết, bởi đôi khi lại có thể học được nhiều qua những thất bại. Trước mắt, CPĐT ở Việt Nam có thể tập trung phục vụ các doanh nghiệp (bởi vì tỷ lệ người dân Việt Nam có khả năng kết nối Internet còn thấp), sau đó mới đến người dân; đặc biệt, tập trung vào cung cấp những dịch vụ người dân muốn chứ không phải chỉ cung cấp những dịch vụ có sẵn.

Nhận xét về đề án CPĐT của Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo, ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc Intel Việt Nam cho rằng, đây là đề án thiết thực và cần sớm triển khai. Song để triển khai thành công, đề án cần được rút kinh nghiệm sâu sắc từ các đề án trước. CPĐT có thể bắt đầu từ một đề án nhỏ sau đó nhân rộng; cần xác định loại hình dịch vụ CPĐT xong mới xây dựng hạ tầng để phục vụ cho dịch vụ.

Ông Lê Doãn Hợp, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông  cho rằng, việc triển khai CPĐT đang là đòi hỏi bức thiết để giúp người dân và doanh nghiệp hưởng các dịch vụ công thuận lợi và tăng tính hiệu quả của của bộ máy hành chính. Bộ đang hoàn thiện dự thảo đề án xây dựng CPĐT, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu. Bởi giải quyết tốt được CPĐT có thể giải quyết được nhiều vấn đề như giảm chi phí chờ đợi, giảm công sức của dân, tăng niềm tin của người dân với chính phủ.

Ông Hợp nói: “So với các nước, việc triển khai CPĐT của chúng ta chậm. Điều đó thiệt thòi cho chúng ta và cản trở quá trình đổi mới. Đã đến lúc phải đi nhanh hơn”. Theo ông Hợp, Thủ tướng đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai khẩn trương đề án ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước và tổ chức CPĐT. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên của Bộ Thông tin và Truyền Thông hiện nay là xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình CPĐT.

Kế hoạch thúc đẩy ứng dụng CNTT và CPĐT đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 sẽ trình Chính phủ vào cuối tháng 4 tới. Sau khi được phê duyệt, dự kiến tháng 6-2008, có thể Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai đề án này. Mục tiêu của đề án đề ra là phấn đấu đến 2010 sẽ cơ bản có được CPĐT với kênh thông tin đến với nhân dân, doanh nghiệp, thế giới, hộ gia đình, chính quyền các cấp.

VÂN OANH  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới