Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ điện tử dưới góc nhìn công – tư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ điện tử dưới góc nhìn công – tư

Quế Sơn

(TBVTSG) – Ngành CNTT-Truyền thông trong nước (ICT Outlook ‘09) và Chính phủ điện tử (e-Gov) đang ở đâu trong nền kinh tế Việt Nam là những chủ đề chính của các buổi hội thảo diễn ra song song với Vietnam Computer Electronics World Expo lần thứ 14 – sự kiện do IDG, Hội Tin học TPHCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.

Chỉ khi nào xem hệ thống công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước là một mô hình dịch vụ thì lúc đó chính phủ điện tử mới hoạt động có hiệu quả. Đó là ý kiến của nhiều đại diện doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế tại cuộc hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử lần thứ 7, diễn ra trong hai ngày 16 và 17-7 vừa qua.

Việc hợp tác theo mô hình công – tư (public private partnership – PPP) trong việc cung cấp dịch vụ sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ công và chính quyền điện tử. Theo ông Suhas S. Hiwale, Giám đốc Công ty Sequen Infosystems, các chính phủ đang dành nhiều sự quan tâm cho người dân và nỗ lực cải thiện chất lượng các loại hình dịch vụ công.

Điều này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và công nghệ, nhưng với nguồn ngân sách có hạn, nhà nước không thể đáp ứng được mọi yêu cầu về đầu tư. Hơn nữa, nếu các dự án không được quản lý chặt chẽ và chuyên nghiệp sẽ khó đạt được những mục tiêu mong muốn.

Xem hệ thống CNTT là dịch vụ

Để tận dụng khả năng và nguồn vốn từ khu vực tư nhân, một xu hướng đang được áp dụng phổ biến tại các nước trên thế giới, đó là mô hình hợp tác công – tư.

Năm 2009, theo bảng đánh giá xếp hạng về chính phủ điện tử do Viện Nghiên cứu chính phủ điện tử Đại học Waseda (Nhật) thực hiện, Việt Nam xếp thứ 31 trong 34 quốc gia được xếp hạng (bằng với vị trí năm 2008).

Còn theo báo cáo xếp hạng chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc năm 2008, Việt  Nam xếp thứ 91 trong tổng số 192 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong mô hình này, đối tác công nghệ cung cấp dịch vụ, phát triển cơ sở hạ tầng để bảo đảm thành công cho dự án. Doanh nghiệp góp vốn, công nghệ, quản lý và vận hành dự án, doanh thu được phân chia theo cơ sở thống nhất. Những dự án áp dụng mô hình này thành công nổi bật trong các lĩnh vực như vận tải công cộng, thuế, hóa đơn hay cải thiện hạ tầng kỹ thuật.

Theo ông Trần Lương Sơn, Tổng giám đốc Công ty Phần mềm Việt, PPP là mô hình ngày càng phổ biến trong việc xây dựng hạ tầng nói chung và hệ thống CNTT nói riêng. Phương thức này hiện chưa được áp dụng nhiều tại Việt Nam. Việc thiếu vắng các mô hình PPP làm cho các hệ thống sở hữu của nhà nước thiếu hiệu quả và nhiều khi là nguyên nhân của sự thất bại của các dự án.

Theo ông Sơn, môi trường công nghệ phát triển nhanh chóng đòi hỏi phải có sự hợp tác công-tư dưới hình thức nhà nước thuê khoán cho khối tư nhân. Phải đặt mối quan hệ này dưới khía cạnh quan trọng của việc thuê khoán ra bên ngoài là nhu cầu về “phần mềm như một dịch vụ” (SaaS), hiện đang trở thành xu hướng. Phương thức mua phần mềm truyền thống cũng là cách duy nhất để nhà nước sở hữu hệ thống CNTT. “Chúng ta xem không chỉ phần mềm là dịch vụ mà toàn bộ hệ thống CNTT là dịch vụ. Có như vậy các hệ thống CNTT nhà nước mới đạt hiệu quả và thành công,” ông Sơn nói.

Có nhiều vấn đề đang tồn tại trong thực tế đầu tư CNTT như các tổ chức đầu tư phần cứng không tương xứng với phần mềm và ứng dụng; trong khi đó, phần mềm chạy trên nền tảng đóng, không thể mở rộng hay tích hợp với các hệ thống khác, không thể vận hành liên thông…

Là một nhà doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm cung cấp dịch vụ CNTT cho hành chính công, ông Sơn cho rằng việc đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực CNTT đang có những bước chuyển đổi mạnh mẽ, vì vậy các quy định tài chính của nhà nước cũng cần được thay đổi cho phù hợp. Cần giảm thiểu và tiến tới chấm dứt việc phát triển dịch vụ CNTT bằng tài nguyên của chính cơ quan nhà nước. “Mục tiêu của mối quan hệ PPP là nâng cao hiệu quả đầu tư tại các cơ quan nhà nước đồng thời tạo lập một thị trường để doanh nghiệp CNTT phát triển,” theo ông Sơn.

Ông Shuhei Anan, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đồng Tâm, cho rằng việc xây dựng hệ thống dịch vụ công toàn quốc bắt nguồn từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu. Xét ở khía cạnh thị trường, những công nghệ ứng dụng trong nền hành chính công phải đạt hiệu quả và có chất lượng cao ngay cả ở vùng nông thôn. Theo kinh nghiệm, tại Nhật dân số của nhiều huyện, nhiều xã đang tăng trưởng âm nên cần hỗ trợ cho hệ thống chăm sóc người cao tuổi. “Một hệ thống chính phủ điện tử thành công cần dựa trên những quy định và hệ thống có tính mở, những nhà lãnh đạo và nhân viên hiểu rõ tầm quan trọng của CNTT và truyền thông.”

Cần “cơ chế mạnh”

Theo Cục Ứng dụng CNTT, Bộ Thông tin – Truyền thông, ở các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ có 80% cán bộ công chức được cung cấp hộp thư điện tử công vụ, nhưng chỉ 47% thường xuyên sử dụng. Ở các địa phương, chỉ 43% cán bộ công chức được cấp hộp thư công vụ nhưng chỉ có 24% trong số này thường xuyên sử dụng. Tỷ lệ tổ chức họp trực tuyến tại các bộ, ngành là 63%; các địa phương là 38%.

Hiện cả nước vẫn còn hai bộ chưa xây dựng cổng thông tin là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an; ba tỉnh chưa có trang tin điện tử là Hòa Bình, Ninh Bình và Đắk Nông. Hiện nay còn 10% các bộ ngành và cơ quan ngang bộ, 21% các địa phương chưa trang bị phần mềm ứng dụng. 72% các bộ ngành và 63,2% địa phương trang bị phần mềm nhưng chỉ ứng dụng trong việc quản lý văn bản.

TP.HCM là địa phương được xem là thành công trong việc triển khai các ứng dụng phục vụ dịch vụ hành chính công. Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông TP.HCM, cho rằng mấu chốt để triển khai ứng dụng thành công là phải có một cơ chế mạnh từ cấp lãnh đạo.

TPHCM đã giao quyền và cấp đủ kinh phí để sở triển khai ứng dụng với điều kiện “miễn sao có hiệu quả”. “Trong khi các sở khác còn đang loay hoay xin giao quyền và kinh phí, như vậy sẽ khó có thể thực hiện tốt công việc của mình. Hiện chưa có địa phương nào trong cả nước có được một cơ chế mạnh như TP.HCM,” ông Hà cho biết.

Theo ông Hà, chính phủ điện tử chỉ có thể thành công khi các nhà lãnh đạo xác định rằng nó phải xuất phát từ nhu cầu quản lý của chính quyền địa phương và mục tiêu là phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Kinh nghiệm của TPHCM cho thấy, việc triển khai ứng dụng cần kế thừa những thứ đã có, trên cơ sở đó chọn lọc cái tốt nhất để triển khai và thực hiện theo cách mới. TP.HCM xác định xây dựng mô hình và quy trình trước, việc triển khai bắt đầu từ những dự án nhỏ, từng bước và đồng bộ từ cơ sở thí điểm sau đó mới nhân rộng.

“Bắt đầu từ dự án nhỏ, triển khai nhanh để rút kinh nghiệm và giảm thiểu rủi ro, nhất là đối với sản phẩm đặc thù như phần mềm, nếu có sai sót thì không còn cơ hội sử dụng lại,” ông Hà nói.

Trong khi đó, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Đà Nẵng, cho rằng có rất nhiều văn bản chỉ đạo thúc đẩy việc ứng dụng CNTT nhưng đến địa phương lại không được thực thi triệt để và gặp nhiều trở ngại.

Chẳng hạn Luật CNTT có quy định các địa phương phải đầu tư 2% GDP cho CNTT nhưng trên thực tế rất khó khăn để có được sự đồng thuận của các sở và ủy ban nhân dân. Đà Nẵng phải vận dụng nhiều nguồn vốn khác nhau để thực hiện công việc này, từ vốn của trung ương, địa phương, ODA đến vốn của đối tác. Tuy vậy, vẫn chưa giải quyết được khó khăn về năng lực quản lý các dự án CNTT của nhà nước do nhân lực “mỏng” và cơ chế lương thiếu linh hoạt.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng quá trình tin học hóa quản lý hành chính nhà nước trong những năm qua có những thành công nhất định nhưng cũng để lại những bài học nặng nề. Cho đến nay việc triển khai ứng dụng CNTT tại các địa phương vẫn gặp nhiều trở ngại, nhiều trưởng ban chỉ đạo ứng dụng CNTT lại chưa hiểu về CNTT. Chưa kể nhiều vấn đề cần phải giải quyết như mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật về quản lý đầu tư và việc mua sắm, đầu tư thiết bị CNTT. Trong khi các thiết bị, phần mềm thay đổi nhanh chóng thì các văn bản quy định về đầu tư lạc hậu đã làm ách tắc quy trình đầu tư tại các địa phương.

Dù Việt Nam dự kiến là trong mười năm sẽ xây dựng thành công chính phủ điện tử nhưng rõ ràng chính phủ điện tử trong thời gian qua vẫn còn là một công việc mới mẻ với các cấp, các ngành; việc triển khai ứng dụng CNTT còn chậm và lạc hậu; tính phân tán, tính địa phương còn tồn tại, ngành nghề thì rộng nhưng lại đòi hỏi tính thống nhất và bền vững cao.

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh việc ứng dụng CNTT không phải đợi khi có tăng trưởng GDP cao mới làm, mà từng đơn vị cần học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương đã làm tốt, rút kinh nghiệm áp dụng ngay cho mình. “Việc ứng dụng CNTT thành công hay thất bại là tùy thuộc vào việc các nhà lãnh đạo địa phương có quan tâm đến CNTT hay không,” Phó thủ tướng nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới