Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức

V. Dũng

(TBKTSG Online) – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đồng ý chủ trương  thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sắp xếp các quận 2, 9, Thủ Đức và đề nghị TPHCM lấy ý kiến nhà đầu tư, tập đoàn nước ngoài… khi quy hoạch.

TPHCM trên đường cụ thể hóa giấc mơ 'thành phố phía Đông'

Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức
Thành phố phía đông được tính toán sẽ đóng góp 30% GRDP của TPHCM nếu được thành lập. Ảnh minh họa: Việt Dũng

Theo Trang tin điện tử Đảng bộ TPHCM, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về Đề án thành lập thành phố (TP) trực thuộc TPHCM.

Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý thực hiện chủ trương thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM trên cơ sở sắp xếp ba quận gồm quận 2, 9 và Thủ Đức theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Việc thành lập TP Thủ Đức theo định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số.

Theo kết luận của Phó Thủ tướng, trong quá trình xây dựng đề án, TPHCM cần lưu ý các vấn đề: Qui hoạch chung, tổ chức lấy ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới về định hướng xây dựng TP Thủ Đức…

Qua đó, TP tìm hiểu các nhu cầu đầu tư, cũng như yêu cầu về cơ sở hạ tầng… để có thể tích hợp vào qui hoạch và định hướng chung của TP.

Bên cạnh đó, để thu hút đầu tư vào TP Thủ Đức, TPHCM cần làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt của TP mới, trong việc so sánh không chỉ với các TP trong nước, mà còn đối với các trung tâm tài chính, công nghệ trong khu vực Châu Á. Để làm được điều này, TPHCM cần làm việc với các Bộ, ngành để có thể tích hợp các đề án, chương trình liên quan vào định hướng phát triển của TP mới.

Qui hoạch TP Thủ Đức cần được gắn trong qui hoạch chung của TPHCM cũng như qui hoạch vùng, để tạo động lực tăng trưởng, hỗ trợ, tránh trùng lặp định hướng phát triển giữa các vùng, các khu vực và tránh tạo ra cạnh tranh nội vùng không cần thiết, dễ làm phân tán nguồn lực.

TPHCM cũng cần làm rõ hình thức huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho TP Thủ Đức. Nếu có các nguồn lực theo hình thức xã hội hóa thì cần lưu ý đến việc áp dụng hình thức đầu tư phù hợp theo qui định của pháp luật, trong bối cảnh Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hiện đã dừng hình thức đầu tư xây dựng – chuyển giao (BT).

Ngoài ra, TP cần xem xét các yếu tố an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và yếu tố liên quan tới dịch tễ, không để phát sinh lây lan dịch bệnh, nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.

Trước đó vào ngày 28-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến tại Thông báo kết luận số 192/TB-VPCP giao UBND TPHCM xây dựng Đề án thành lập TP trực thuộc TPHCM và gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo qui định.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, nếu sáp nhập 3 quận này thành Khu đô thị sáng tạo phía Đông, đây sẽ là “quả đấm kinh tế”, dự báo đóng góp đến 30% GRDP của TPHCM (4% GDP cảu cả nước). Đồng nghĩa với việc “Thành phố phía Đông” sẽ đóng góp kinh tế gấp 3 lần so với mức bình quân của toàn thành phố.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia về quy hoạch cũng đặt ra nhiều vấn đề khi đề án này được xây dựng. Cụ thể, khi xây dựng TP phải xác định trung tâm đô thị ở đâu, làm thế nào phát triển khu trung tâm này để làm nền móng vững chắc, đẩy sức bật tới các khu vực lân cận, tránh đầu tư dàn trải, vừa không đủ nguồn lực, vừa kém hiệu quả. Đồng thời, đội ngũ chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo về việc quy hoạc không chuẩn chỉnh có thể sẽ là “ốc đảo” nuôi dưỡng lợi ích bất động sản

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới