Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ đồng ý giảm phí đường bộ cho 4 nhóm xe

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ đồng ý giảm phí đường bộ cho 4 nhóm xe

Lê Anh

Chính phủ đồng ý giảm phí đường bộ cho 4 nhóm xe
Trạm thu phí BOT mọc ở khắp các tuyến đường, người dân đi đường quốc lộ hay cao tốc đều phải đóng phí – Ảnh: Anh Quân

(TBKTSG Online) –  Bốn nhóm xe đang chịu mức phí đường bộ cao sẽ được giảm phí 10-20% trong thời gian tới.

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có văn bản đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài chính về việc giảm phí trên đường quốc lộ, cao tốc đối với 4 nhóm xe.

Cụ thể, Chính phủ đồng ý giảm 10-15% mức thu đối với các loại xe nhóm 4 (xe có trọng tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet) và nhóm 5 (xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container 40 feet) tại 29 trạm đang thu theo mức khung tối đa tại Thông tư 159.

Đồng thời, giảm 10-20% mức phí đối với các loại xe thuộc nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt), và nhóm 2 (xe từ 12-30 ghế ngồi, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) tại 5 trạm có mức thu phí cao nhất để bảo đảm tương đồng với các trạm thu phí khác.

Phó thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính kịp thời ban hành thông tư giảm phí và có hiệu lực ngay vào ngày đầu tháng hoặc đầu quí, bảo đảm thuận tiện cho việc sử dụng vé tháng, vé quí đã mua.

Như vậy, Chính phủ chỉ đồng ý giảm phí ở các trạm thu theo Thông tư 159, còn các trạm đang thu theo Thông tư 90 của Bộ Tài chính không được Chính phủ đồng ý vì mức thu đang áp dụng tại các trạm này thấp hơn.

Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện nay cả nước có 86 trạm thu phí BOT do Bộ GTVT quản lý, trong đó có 45 trạm đang thu. Trong số 45 trạm đang thu lại có 16 trạm thu theo Thông tư số 90/2004/TT-BTC và 29 trạm thu theo mức của Thông tư 159/2013/TT-BTC.

Mức thu theo Thông tư 90 đối với ô tô thấp nhất là 10.000 đồng/lượt và cao nhất là 80.000 đồng/lượt; còn Thông tư 159 quy định mức thu thấp nhất đối với ô tô từ 15.000 đồng đến 52.000 đồng/lượt, mức thu cao nhất từ 80.000 đồng đến 200.000 đồng/lượt.

Hiện nay, có 5 trạm đang áp dụng mức thu kịch trần theo khung phí của Thông tư 159, trong đó có hai trạm trên Quốc lộ 5, hai trạm trên Quốc lộ 1A.

Phó thủ tướng đề nghị tạm dừng không tăng phí trong năm 2016 với các trạm thu phí hoạt động trước năm 2014, nếu không bổ sung dự án mới.

Còn đối với trạm thu phí thuộc thẩm quyền HĐND cấp tỉnh ban hành mức thu phí, Phó thủ tướng đề nghị UBND tỉnh rà soát không tăng phí trong năm 2016, đồng thời thực hiện giảm phí theo thẩm quyền.

Đối với các dự án sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng và thu phí thì tiếp tục ban hành thông tư quy định thu phí hoàn vốn dự án. Nếu mức thu phí theo hợp đồng BOT cao hơn mức thu được điều chỉnh thì Bộ GTVT làm việc với nhà đầu tư điều chỉnh giảm phí.

Việc cho phép đầu tư ồ ạt các dự án BOT trong 5 năm qua đã khiến trạm thu phí mọc lên dày đặc. Không những trạm thu dày đặc mà mức phí còn tăng liên tục, có những trạm tăng mức kịch trần và người dân, doanh nghiệp đi đường nào cũng phải đóng phí. Phí đường bộ tăng cao đã khiến chi phí vận tải của doanh nghiệp tăng kéo giá cả hàng hóa tăng theo.

Nhận thấy sự bất hợp lý này, đồng thời để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, hồi tháng 6 vừa qua Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã thống nhất trình Chính phủ giảm phí đường bộ cho một số loại xe.

Mời xem thêm:

>> Bộ GTVT đề nghị lùi thời hạn tăng phí đường bộ

>> Nên tìm biện pháp khác thay vì tăng phí đường bộ

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới