Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ Ðức dự trù 400 tỉ euro đảm bảo các khoản vay ngân hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ Ðức dự trù 400 tỉ euro đảm bảo các khoản vay ngân hàng

Một nhà kinh doanh chứng khoán đang theo dõi bài phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Đức trên truyền hình ngày 13-10 ngay tại sàn giao dịch Frankfurt – Ảnh: Reuters 

(TBKTSG Online) – Hôm thứ Hai (13-10), Chính phủ Ðức đã công bố dự trù 400 tỉ euro để trợ giúp các ngân hàng ở Ðức đảm bảo các khoản vay, đồng thời dự trù 80 tỉ euro hỗ trợ trực tiếp các ngân hàng gặp khó khăn.

Với “kiện hàng” tiền tệ này, Chính phủ Ðức muốn tăng cường lòng tin của khách hàng vào các ngân hàng trước việc khủng hoảng tiền tệ trên thế giới hiện nay.

Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau khi quyết định này được công bố, thị trường chứng khoán ở Frankfurt DAX tăng lên hơn 11% và tương tự các thị trường chứng khoán khác trên thế giới cũng tăng theo, thị trường chứng khoán Mỹ Dow Jones tăng gần 1.000 điểm, hơn 11%.

Thủ tướng Angela Merkel, thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa (CDU) cùng Bộ trưởng Tài chính Peer Steinbrück và Bộ trưởng Ngoại giao Frank-Walter Steinmeier đều thuộc đảng Dân chủ xã hội (SPD) đã thống nhất về các biện pháp hỗ trợ nền tài chính trên vào tối Chủ nhật.

Theo đó, Chính phủ Ðức sẽ giúp trực tiếp một số ngân hàng tăng vốn và đảm bảo số tiền do các ngân hàng trao đổi nhau, có thể lên đến 400 tỉ euro.

Ðây là một yếu tố tâm lý rất quan trọng trong tình hình khủng hoảng tiền tệ, vì vào thời kỳ này các ngân hàng không còn “tin tưởng“ lẫn nhau nên việc trao đổi tiền tệ giữa các ngân hàng để điều hoà lượng tiền chi thu trên thị trường bị gián đoạn.

Với biện pháp này Chính phủ Ðức muốn nối thông trở lại “động mạch” tiền tệ giữa các ngân hàng. Ðây là một “kiện hàng” tiền hỗ trợ của chính phủ lớn nhất đối với ngân hàng kề từ sau thế chiến thứ hai. Nó sẽ được đưa ra quốc hội Ðức quyết định trong tuần này và sẽ có giá trị cho đến cuối năm 2009.

Trước đó, Thủ tướng Angela Merkel đã thông báo và thống nhất với Tổng thống Ðức Horst Köhler – người sẽ phải ký tên vào quyết định của Chính phủ Ðức, về gói giải pháp trên.

Theo Bộ Tài chính, 400 tỉ euro là số tiền Chính phủ Ðức dự trù bảo trợ để ngân hàng có điều kiện cho các công ty hay cá nhân vay mượn, như vậy biện pháp này không nhằm bảo vệ quyền lợi ngân hàng, như nhiều chuyên gia chỉ trích mà để bảo vệ dân chúng. Hơn nữa, theo bộ này, một hệ thống tiền tệ cơ động sẽ có lợi cho lao động và việc làm.

Ngoài ra, Chính phủ Ðức còn dự trù bỏ ra 80 tỉ euro để hỗ trợ trực tiếp cho các ngân hàng và các hãng bảo hiểm bị suy sụp, tuy nhiên nhà nước sẽ dùng số tiền này mua lại các cổ phiếu hay tài sản của các ngân hàng cần giúp đỡ này.

Bộ Tài chính Ðức cho rằng, chi phí dự trù cho các biện pháp cứu trợ có thể lên đến 20 tỉ euro; số tiền này sẽ được Chính phủ Ðức đưa vào ngân sách thiếu hụt hằng năm. Vì vậy, Bộ trưởng Tài chánh Steinbrück yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo một chính sách tiền tệ vững chắc và ông còn muốn giới hạn tiền lương các giám đốc ngân hàng và các thành viên trong hội đồng quản trị.

Song song với quyết định của Ðức, chính phủ của các nước châu Âu khác đã đưa ra nhiều biện pháp cứu hệ thống ngân hàng ở nước mình để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay; khởi đầu là Anh quốc với hơn 600 tỉ euro, Pháp với 360 tỉ, Tây Ban Nha với hơn 100 tỉ…

Horst Köhler, từng là Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế  IMF (International Monetary Fund) cho rằng, châu Âu may mắn có cùng đồng euro và với các biện pháp tiền tệ này sẽ vượt qua các khó khăn tài chính. Trong khi đó, Dominique Strauss-Kahn, Giám đốc Quỹ tiền tệ, tin tưởng hệ thống kinh tế thế giới sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay và rất tán thưởng các biện pháp của chính phủ 15 nước sử dụng đồng tiền chung euro với các chính sách chống khủng hoảng tiền tệ.

Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng, các biện pháp hiện nay của chính phủ châu Âu và Mỹ là cần thiết và đồng thời cảnh cáo, không được quên các nước nghèo cũng bị cuộc khủng hoảng tài chính ảnh hưởng.

TRANG QUAN SEN (Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới