Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ giao Bộ GTVT điều phối tổ chức dự án vành đai 3, vành đai 4 TPHCM

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ giao Bộ GTVT điều phối tổ chức dự án vành đai 3, vành đai 4 TPHCM

Lan Nhi

(KTSG Online)- Sau 10 năm được phê duyệt, hai dự án giao thông quan trọng của TPHCM là Dự án đường vành đai 3 và vành đai 4 có tổng mức đầu tư 154.342 tỉ đồng mới thực hiện được 10-20% tùy dự án. Chính phủ đã có yêu cầu đẩy nhanh tiến độ để hai dự án này phải hoàn thành vào năm 2025.

Chính phủ giao Bộ GTVT điều phối tổ chức dự án vành đai 3, vành đai 4 TPHCM
Quy hoạch tuyến giao thông Vành đai 3 (TPHCM) được Chính phủ phê duyệt cách đây 10 năm. Ảnh: Chinhphu.vn

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa giao Bộ GTVT thực hiện chức năng điều phối tổ chức triển khai thực hiện các dự án trên tuyến vành đai 3, vành đai 4 TPHCM và phấn đấu hoàn thành 2 tuyến trên trong 4 năm tới.

Tổng mức đầu tư hai dự án là 134.342 tỉ đồng, trong đó riêng Dự án vành đai 3 có tổng mức đầu tư 55.805 tỉ đồng với tổng chiều dài 89.3 km đi qua 4 tỉnh: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An . Đây là hai tuyến đường vai đai cao tốc đô thị, kết nối các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhằm giảm ùn tắc nội đô TPHCM và thúc đẩy kinh tế phát triển lan tỏa. Phó Thủ tướng đánh giá rằng việc tổ chức triển khai rất chậm, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các địa phương có dự án, nhất là TPHCM.

Theo Quyết định phê duyệt dự án từ năm 2011 thì tại hai dự án này, UBND các tỉnh, thành có trách nhiệm chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng dự án thành phần, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất theo hình thức BT ( đổi đất lấy hạ tầng) hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công- tư (PPP). Nhưng thực tế 10 năm qua, tuyến vành đai 3 mới hoàn thành 16,3/89 km (xấp xỉ 18%) và tuyến vành đai 4 hoàn thành 11/197,6 km (5,5% toàn tuyến). Với tốc độ thi công “rùa bò” này thì khiến chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên nhiều lần, tăng chi phí đầu tư và gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế…

Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập dự án phân chia các dự án thành phần, theo hướng các tiểu dự án triển khai tối đa theo phương thức PPP. Từng địa phương sẽ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án và bố trí giải phòng mặt bằng. Phần vốn Nhà nước tham gia các dự án PPP là ngân sách trung ương và địa phương kết hợp.

Bộ Giao thông vận tải và các địa phương đầu tư hệ thống đường song hành, đường gom để khai thác giá trị đất đai, phát triển khu đô thị, cơ sở hạ tầng, du lịch, dịch vụ, các cụm công nghiệp… Đồng thời thực hiện đấu giá quỹ đất để tạo vốn đầu tư hạ tầng giao thông. Phương án thu phí đường cao tốc cần thực hiện theo hình thức không dừng để giảm chi phí đầu tư trạm thu phí, tăng hiệu quả khai thác.

Các địa phương rà soát quỹ đất trong phạm vi giải phóng mặt bằng (bao gồm cả quỹ đất hai bên đường), cương quyết thu hồi các dự án không triển khai theo tiến độ cam kết để thực hiện các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế cho các địa phương vay vốn từ Quỹ bảo hiểm xã hội, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các nguồn vốn khác để thực hiện giải phóng mặt bằng.
Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng điều phối tổ chức triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến Vành đai 3 và Vành đai 4.

Các kế hoạch này phải được báo cáo lên Chính phủ trước ngày 30/6. Chính phủ cho phép  Bộ GTVT thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 (trong đó tuyến Vành đai 3 và Vành đai 4 TPHCM), trình các cấp có thẩm quyền quyết định một số cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng chung. Phấn đấu tuyến Vành đai 4 hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới