Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ lo ngại lạm phát cao hơn tăng trưởng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính phủ lo ngại lạm phát cao hơn tăng trưởng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: “Khó kiềm chế tốc độ tăng giá thấp hơn GDP” – Ảnh: TRẦN VIỆT

(TBKTSG Online) – “Sẽ khó giữ lạm phát thấp hơn tăng trưởng kinh tế”, đó là phát biểu thẳng thắn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều ngày 28-2 tại Hà Nội.

Người đứng đầu ngành tài chính đã bày tỏ nỗi lo âu tại phiên họp với hàng loạt vấn đề nóng bỏng được đặt ra như các chính sách chống lạm phát, điều hành tiền tệ và giải quyết mục tiêu tăng trưởng kinh tế. 

Thừa nhận những sai lầm về dự báo

Mặc dù phiên họp giữa Thủ tướng và các thành viên Chính phủ về việc xây dựng “kịch bản” đối phó với lạm phát chưa kết thúc trong chiều 28-2 nhưng Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh vẫn phải rời phòng họp. Ông Ninh  đến với cuộc họp báo tháng 2 của Chính phủ để trả lời báo giới các vấn đề nóng bỏng xoay quanh các vấn đề về lạm phát, tăng trưởng kinh tế, và nhập siêu.

“Tôi như người ngồi trên lửa” – người đứng đầu ngành tài chính Việt Nam đã diễn tả tâm trạng của mình khi nói về hàng loạt bài toán đang đặt ra cho Chính phủ liên quan đến các biện pháp chống lạm phát đi đôi với đảm bảo tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Quá nhiều những tác động và hệ lụy phát sinh từ các chính sách, biện pháp điều hành thị trường tín dụng, ngân hàng, chứng khoán và cả việc tăng giá xăng dầu đã khiến các nhà hoạch định chính sách cảm nhận họ đang xoay như chong chóng.

Bộ trưởng Ninh nói rằng Chính phủ sẽ có những “kịch bản” để đối phó với tốc độ tăng giá – vốn đang gây ra lạm phát đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế hiện nay, còn cụ thể thế nào thì chưa có hồi kết. “Chỉ mong càng thấp càng tốt,” ông nói. Mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đặt ra năm 2008 là trên 8,5%.

Ông thừa nhận dù có bàn những giải  pháp kiềm chế CPI không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô nhưng với tốc độ tăng giá như hai tháng đầu năm nay CPI đã tăng 6,02% và đẩy lạm phát xấp xỉ 15% so với cùng kỳ năm trước) việc kiềm chế để tốc độ tăng giá thấp hơn tăng trưởng kinh tế trong năm nay là hết sức khó khăn. 

Lý giải nguyên nhân, ông Ninh nói rằng những lúng túng về điều hành xuất phát từ sai lầm về dự báo. Dự báo sai lầm về vốn đăng ký đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trong năm 2007 là một ví dụ. Đầu tiên, dòng vốn FDI vào Việt Nam được dự báo ở mức 12 tỉ đô la Mỹ, rồi tăng lên 16 tỉ đô la Mỹ, sau đó lại thay bằng con số 20 tỷ đô la Mỹ.

“Nhưng thực tế là 21 tỉ đô la Mỹ,” ông Ninh nói, nhưng tiếp đó Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Cao Đức Sinh lại đính chính ngay tại chỗ là 21,3 tỉ đô la Mỹ. Dự báo không chuẩn dẫn đến việc hấp thu vốn của các dự án đầu tư không đạt hiệu quả như mong muốn.

Việc tăng giá dầu thế giới cũng được dự báo xa với thực tế. Theo thông tin của các cơ quan dự báo cho Chính phủ thì giá dầu tăng cao nhất trong năm 2007 chỉ tăng thêm 5 đô la: từ 70 lên 75 đô la Mỹ/thùng, nhưng thực tế giá dầu chỉ trong 1 tháng đã tăng thêm 30 đô la Mỹ (từ 70 lên 100 đô la Mỹ/thùng).

Các chính sách khác về tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán chưa tốt là nguyên nhân gây bị động cho việc điều hành nền kinh tế vĩ mô và cái giá phải trả là Việt Nam đang đau đầu với việc giải bài toán lạm phát.

“Muốn tăng trưởng mà khống chế thị trường không cẩn thận thì các mục tiêu sẽ bị triệt tiêu. Bởi vậy Chính phủ sẽ điều hành các biện pháp kinh tế linh hoạt và kiên quyết hơn”, Bộ trưởng Tài chính Ninh cùng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cùng hứa trước báo giới. 

Điều hành kinh tế không “nấc cục”

Một vấn đề cụ thể được đưa ra trong buổi họp báo là điều hành giá xăng. Liên Bộ Tài chính-Công thương hứa rằng sẽ không điều chỉnh giá xăng theo kiểu “nấc cục”, nghĩa là khi giá thị trường thế giới lên thì giá trong nước lên và ngược lại mà việc điều hành sẽ phải đi vào một lộ trình mang tầm nhìn dài hạn với sự góp phần của quỹ bình ổn giá, quỹ dự phòng rủi ro, để tránh các cú sốc cho nền kinh tế.

Bộ Tài chính đã tự tin rằng hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là doanh nghiệp nhà nước, vì vậy nhà nước có thể điều hành và ổn định được đầu vào, kiểm soát được mức giá trần và đưa ra hàng loạt các biện pháp đi sau giá xăng dầu.   

Liên quan đến giá xăng dầu, ông Ninh nói ngay trong tháng sau sẽ có những hỗ trợ cho ngư dân. Đó là hỗ trợ 30% lãi suất vay thương mại cho ngư dân đóng tàu mới thay tàu cũ đánh bắt xa bờ, thay máy mới tốn ít nhiên liệu (từ máy 40 mã lực lên máy 60 mã lực trở lên). Các biện pháp hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thân thể ngư dân được bổ sung vào đó. Ông cũng hứa là còn phải thẩm tra nhiều việc liên quan đến đề án tăng giá điện, nhanh nhất vào tháng 10 năm nay mới thông qua, để tránh những cú sốc liên tiếp cho người dân và doanh nghiệp.

Nhưng đó là câu chuyện của những tháng tới. Còn thực tế trước mắt, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng hai tháng đầu năm không đạt kế hoạch đề ra, chỉ tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ là tăng 17,5%) .Nguyên nhân chính là do giá vật tư nguyên liệu và chi phí dịch vụ tăng cao, làm giảm cạnh tranh trong nước và xuất khẩu.

Nhập siêu 2 tháng đầu năm đã đạt mức bằng 49,2% kim ngạch xuất khẩu. Cụ thế, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng qua ước đạt 8,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 29,2% so với cùng kỳ, nhưng nhập khẩu đã đạt mức 13 tỉ đô la, tăng 63,7%. Khoảng cách giữa những kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu cũng xuất phát cùng một nguyên nhân: giá nhập khẩu tăng cao, nhất là xăng dầu và các vật tư thiết yếu.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Cao Đức Sinh nói về khoảng cách giữa hai số liệu trên bằng hai từ: “Quá lớn”.

Bài: NGỌC LAN – Video: VTV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới